Nghiên cứu những khả năng áp dụng Hiệp ước Basel III trong quá trình kiểm soát rủi ro các ngân hàng thương mại Việt Nam

TS. NGUYỄN THỊ TUYẾT NGA (Khoa Tài chính-Ngân hàng, Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Một trong những hiệp ước quốc tế được hầu hết nhà quản trị ngân hàng trên thế giới đặc biệt quan tâm chính là Hiệp ước quốc tế về an toàn vốn (Hiệp ước Basel). Hiệp ước vốn Basel (the Basel Capital Accord) đã trải qua nhiều lần bổ sung, sửa đổivà cuối cùng là Basel III năm 2010. Ở Việt Nam, việc ứng dụng các hiệp ước Basel vẫn còn nhiều vướng mắc.Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu thật kỹ và nắm rõ các quy định trong Basel III, cũng như nghiên cứu những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân vì sao Việt Nam chưa ứng dụng được BaselIII và tìm ra giải pháp phù hợp để hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro ngân hàng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ NTTU trong đề tài mã số 2016.01.01

Từ khóa: Hiệp ước Basel, kiểm soátrủi ro, ngân hàng thương mại, Việt Nam.

1. Giới thiệu

Trong những năm qua, với những biến động lớn từ nền kinh tế trong nước và nước ngoài, các NHTM Nhà nước đã nỗ lực hết mình để nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập, thực hiện các hoạt động trên nguyên tắc chuẩn mực quốc tế, mà cụ thể là vận dụng Basel II trong quản trị các hoạt động của ngân hàng.Tuy nhiên, sau khi triển khai và thực hiện ứng dụng Basel II, hoạt động của các NHTM Nhà nước đang gặp những khó khăn nhất định, như: Chi phí thực hiện triển khai và ứng dụng Basel II lớn, nợ xấu của ngân hàng đang có xu hướng tăng cao. Vì vậy, nghiên cứu những khả năng áp dụng Hiệp ước Basel III trong quá trình kiểm soát rủi ro các ngân hàng thương mại Việt Nam và đưa ra một số giải pháp cũng như những khuyến nghị, chính sách để sớm đưa Hiệp ước Basel III vận dụng vào NHTMVN nhằm tiến gần hơn với các thông lệ quốc tế là bước đi cần thiết và không thể không làm để bảo đảm sự ổn định cho hệ thống ngân hàng nói riêng và thị trường tài chính nói chung.

2. Cơ sở lý thuyết

Hiệp ước vốn Basel là khung quản trị rủi ro mang tính toàn diện. Ủy ban Basel đã nhận thấy tính an toàn và lành mạnh của hệ thống tài chính trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế ngày càng phức tạp chỉ có thể đạt được bằng cách kết hợp hiệu quả giữa quản trị ngân hàng, kỷ luật thị trường và giám sát. Việc đảm bảo tính ổn định cho hệ thống ngân hàng sẽ gặp khó khăn nếu chỉ sử dụng các biện pháp chỉ huy và các quy định kiểm soát. Với nhận thức như vậy, Ủy ban Basel đã xây dựng và cải tiến khung quản trị rủi ro từ Basel I sang Basel II rồi đến Basel III.

Dựa trên nhu cầu cần thiết và đặc điểm của hệ thống tài chính nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng, mỗi nước cần xây dựng cho mình những bước đi linh hoạt, phù hợp và cần có kế hoạch triển khai sớm Basel III.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Phương pháp nghiên cứu

Bằng phương pháp nghiên cứu định tính, tác giả thực hiện thu thập dữ liệu: thống kê, tổng hợp và tính toán so sánh từ những tài liệu liên quan đến hoạt động quản trị rủi ro, Hiệp ước vốn Basel (nguồn gốc, nội dung và các văn bản hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn). Thu thập những tài liệu nghiên cứu về thực tiễn áp dụng Hiệp ước vốn Basel trong quản trị rủi ro ở các ngân hàng thương mại trong nước và thu thập số liệu về danh mục vốn và tài sản, báo cáo tài chính của một số ngân hàng tại các trung tâm thông tin của các ngân hàng thương mại.

3.2. Dữ liệu nghiên cứu

Bài nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ các báo cáo thường niên của ngân hàng thương mại (NHTM)Việt Nam, các văn bản thông tư của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được công bố trong giai đoạn 2006 - 2016.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1.Tóm tắt thực trạng thí điểm Basel II vào các NHTM Việt Nam đến năm 2016

4.1.1. Về phía Ngân hàng Nhà nước

Việt Nam chưa phải là thành viên của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng, do đó không bị ràng buộc bởi thời hạn phải tuân thủ các Hiệp ước Basel. Tuy nhiên, trong thời gian qua, NHNN đã ban hành nhiều văn bản luật và quy định theo định hướng Basel II.

4.1.2.Về phía các tổ chức tín dụng (TCTD)

Các NHTM đã chuyển từ quản lý rủi ro thụ động (với các đặc trưng: Quản lý sau đối với các hoạt động kinh doanh có phát sinh rủi ro; Đơn thuần thực hiện báo cáo các kết quả đã xảy ra) sang quản lý rủi ro chủ động (với các đặc trưng: Quản lý trước và trong quá trình của các hoạt động kinh doanh có phát sinh rủi ro.

4.1.2.1.Giai đoạn 1999 - 2005

Vào giai đoạn này, thị phần hoạt động của 5 ngân hàng thương mại nhà nước (NHTM NN), gồm NHTM NN Ngoại Thương Việt Nam (VCB), NHTM NN Công Thương Việt Nam (CTG), NHTM NN Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NHTM NN Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (AGR), NHTM NN Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB), chiếm đến 70-75 %. Chính vì vậy, có thể nói sự an toàn trong hoạt động của nhóm ngân hàng này quyết định sự an toàn của toàn bộ hệ thống NHTM Việt Nam.

Nhóm NHTM NN có CAR rất thấp là 4.10%, tất cả các nhóm còn lại có CAR cao hơn quy định.Trong đó, NHTM CP Đô thị có CAR là 8.00%, vừa đủ để đáp ứng yêu cầu của quy định. Đối với nhóm chi nhánh NH nước ngoài và NH liên doanh lần lượt có hệ số CAR là 9.20% và 12.00%. Đặc biệt, NHTM CP Nông thôn có hệ số CAR lên đến 24%.Tuy nhiên, do thị phần lớn cũng như tỷ trọng vốn tự có của nhóm NHTMNN cao hơn rất nhiều so với tất cả các nhóm còn lại, nên tổng thể, hệ thống NHTM vẫn có CAR rất thấp là 5.50%.

4.1.2.2.Giai đoạn 2006-2010

Trong giai đoạn này, nhìn chung, CAR của các NHTM đạt trên mức quy định là 8%. Trong đó, AGR không đạt được hệ sô CAR suốt giai đoạn thứ hai này.Thậm chí, CAR ở mức rất thấp. Ngoài ra, BIVD, CTG, VCB cũng có thời điểm không thỏa mãn yêu cầu về an toàn vốn của QĐ 457 và các sửa đổi, bổ sung có liên quan.

Để hiểu rõ hơn về sự biến động của CAR trong giai đoạn này, ta xem xét hình sau:

Hình 4.1: Hệ số CAR của một số NHTM tại Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010

Nguồn: Tổng hợp từ NHNN

- Giai đoạn 2006-2010 là giai đoạn đầy biến động. Trong giai đoạn này nhìn chung, đa số các ngân hàng đều có CAR trên mức quy định và có xu hướng tăng trưởng. Giai đoạn 2009-2010, CAR của hầu hết các ngân hàng đều tăng trưởng đáng kể.

4.1.2.3.Giai đoạn 2011-2016

Trong giai đoạn này, bức tranh về đảm bảo an toàn vốn là khá phức tạp. Nếu nhìn vào mức tính toán cho toàn hệ thống, hệ thống NHTM Việt Nam đã đảm bảo được hệ số an toàn vốn tối thiểu 9% theo Thông tư số 03/2010/TT-NHNN.

Trong giai đoạn 6 năm (2011-2016), hầu hết các NHTM đều đáp ứng được CAR tối thiểu 9%.Tuy nhiên, điều này chưa thể hiện được mức đủ vốn của hệ thống NHTM. Bởi lẽ, phần mẫu số theo quy định của Thông tư 13/2010/TT-NHNN mới chỉ xác định rủi ro tín dụng chứ chưa tính đến rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động (rủi ro tác nghiệp). Hơn thế, theo Basel III, mẫu số còn bao gồm cả rủi ro do biến động kinh tế vĩ mô (rủi ro có tính chu kỳ) và rủi ro chéo trong trường hợp ngân hàng hoạt động theo mô hình tập đoàn tài chính. Nếu xét tình huống Việt Nam thì cả hai vấn đề rủi ro có tính chu kỳ và rủi ro chéo cần được tính tới. Ngoài ra, khi đánh giá trong mối quan hệ với các NHTM trong khu vực, mức độ an toàn vốn của các NHTM Việt Nam ở mức khá thấp.

Hình 4.2: Hệ số CAR của các NHTM năm 2011

Nguồn: Tổng hợp từ NHNN

4.2. Những nguyên nhân hạn chế đối với hệ thống NHTM Việt Nam khi áp dụng hiệp ước Basel III

4.2.1. Điều kiện hỗ trợ thông tin chưa đầy đủ

Nước ta còn thiếu một trung tâm dữ liệu ngân hàng chính xác, đáng tin cậy và cập nhật. Áp dụng thành công Basel III đòi hỏi phải có số liệu chính xác, đáng tin cậy và kịp thời. Nếu rủi ro không được tính toán, hay bị phóng đại hoặc bị tính thấp đi có thể làm vô hiệu hóa tác dụng tích cực của Basel III.

Đặc biệt các dữ liệu hiện có tại các NHTM Việt Nam chủ yếu được quản lý trên hệ thống ngân hàng lõi (core-banking) và trên các File Excel mà chưa có một kho dữ liệu hợp nhất như yêu cầu của Basel. \

Hình 4.3: Hệ số CAR của hệ thống các TCTD tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới thời điểm tháng 09/2011

Nguồn: Tổng hợp từ NHNN

4.2.2.Thiếu cơ sở xếp hạng tín dụng

Ngân hàng Nhà nước chưa đưa ra một hệ thống quy chuẩn cho việc xây dựng hệ thống tại các NHTM, dẫn đến việc xây dựng hệ thống hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ tại mỗi ngân hàng theo cách riêng của mình. Điều này đã dẫn đến những bất cập trong việc so sánh, đánh giá cùng một đối tượng khách hàng, nhưng lại có kết quả khác nhau.

4.2.3.Về năng lực giám sát

Nhìn chung, năng lực giám sát, quản trị ngân hàng ở nước ta còn bất cập, chưa theo kịp nhịp độ phát triển, sự đa dạng hóa loại hình, công cụ tài chính cũng như sự phát triển năng động của thị trường. Công tác thanh tra, giám sát (cả vi mô lẫn vĩ mô) chưa đáp ứng được yêu cầu của bối cảnh mới.

4.2.4. Vấn đề nguồn nhân lực

Nhân tố quan trọng để áp dụng thành công Basel III là công tác đào tạo nhân lực nhằm trang bị đầy đủ kĩ năng và kiến thức phổ quát và cập nhật cho những người thực thi.Đây cũng là một lĩnh vực Việt Nam còn phải nỗ lực nhiều.

4.2.5. NHTM Việt Nam chưa đáp ứng đủ điều kiện của Basel III, yêu cầu cao về vốn

Việc ứng dụng đại trà chuẩn mực quản trị rủi ro nguyên mẫu theo Basel cho các ngân hàng thương mại Việt Nam cần một lộ trình để thích nghi do sự chênh lệch hiện tại về mức độ phát triển kinh tế và về trình độ công nghệ ngân hàng giữa Việt Nam với các nước.

4.2.6. Chi phí để áp dụng Basel III cao và khả năng tài chính của các NHTMVN còn có hạn

Việc thực thi Basel III sẽ không hề rẻ.Với gánh nặng phải tuân thủ các chuẩn mực Basel III, các ngân hàng ở châu Âu đã được ước tính phải bỏ ra hàng chục triệu USD để thực thi Basel III. Như vậy, thường chỉ có các ngân hàng lớn ở Việt Nam mới có đủ khả năng theo đuổi cuộc chơi tốn kém mang tên thực thi Basel III.

5. Kết luận và khuyến nghị

5.1. Những khả năng áp dụng Hiệp ước Basel III trong hoạt động các NHTM Việt Nam

Basel III với nhiều đề xuất mới về vốn, đòn bẩy và các tiêu chuẩn về tính thanh khoản để củng cố các quy định, giám sát và quản lý rủi ro của ngành ngân hàng.

NHNN đã ban hành Thông tư số 13/2010/TT-NHNN (sau đây gọi tắt là Thông tư 13) quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng,đã đưa ra một số quy định mới về phương thức quản lý thanh khoản và tỷ lệ khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng tại mục 3, trong đó có việc xây dựng mô hình đánh giá và thử nghiệm khả năng chi trả, thanh khoản của các tổ chức tín dụng.

Qua quá trình phân tích và tìm hiểu, nhóm tác giả đã nhận thấy mức độ tương thích giữa những quy định cơ bản về tỷ lệ an toàn vốn trong hoạt động tổ chức tín dụng tại Việt Nam (chủ yếu thông qua nội dung của Thông tư 13) so với những quy định của Hiệp ước Basel III.

5.2. Một số giải pháp áp dụng Hiệp ưởc Basel III vào NHTM Việt Nam

5.2.1.Thiết lập cơ chế cung cấp, trao đổi, tham vấn thông tin thường xuyên

- Ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn: Ngân hàng Nhà nước cần ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn.

- Đào tạo kiến thức và kỹ năng áp dụng Hiệp ước an toàn vốn Basel III:Ngân hàng Nhà nước cần thuê các chuyên gia trong và ngoài nước đào tạo kiến thức và kỹ năng áp dụng Hiệp ước an toàn vốn Basel III không những cho các chuyên gia của Ngân hàng Nhà nước mà còn cho ngân hàng thương mại.

- Nâng cấp hệ thống Core- banking, thực hiện quản lý dữ liệu tập trung tại Trung tâm điều hành (Hội sở chính).

5.2.2.Xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và đánh giá rủi ro tín dụng

Thứ nhất, hoàn thiện phương pháp xếp hạng tín dụng.

Hiện nay theo hướng dẫn của Hiệp ước an toàn vốn Basel III, hệ thống xếp hạng tín nhiệm nội bộ phải được xây dựng cho từng nhóm khách hàng với những tính chất rủi ro đặc thù khác nhau. Bên cạnh đó,hệ thống xếp hạng tín nhiệm nội bộ phải định lượng được xác suất vỡ nợ của khách hàng trong một khoảng thời gian nhất định ứng với từng hạng tín nhiệm cụ thể.

Thứ hai, nâng cao chất lượng thông tin của tổ chức CIC.

Đây chính là các cơ sở dữ liệu rủi ro giúp các ngân hàng nhìn nhận được các rủi ro tiềm tàng để phòng tránh tình trạng nợ xấu phổ biến hiện nay ở Việt Nam.

Thứ ba, NHNN cần đưa ra một hệ thống quy chuẩn cho việc xây dựng hệ thống tại các NHTM, nhằm khắc phục tình trạng mỗi NHTM xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ tại mỗi ngân hàng theo cách riêng, dẫn đến tốn kém chi phí và gây ra những bất cập, bất tương xứng trong việc so sánh, đánh giá cùng một đối tượng khách hàng.

5.2.3.Nâng cao hiệu quả hệ thống kiểm toán nội bộ và năng lực giám sát

Các NHTM cần nâng cao hiệu quả hệ thống kiểm toán nội bộ.Định kỳ, kiểm toán nội bộ đánh giá hoạt động kinh doanh, tập trung vào các rủi ro chiến lược và rủi ro tác nghiệp, từ đó đưa ra các khuyến nghị để cấp quản lý rà soát, xác định và giải quyết.Yêu cầu bộ phận kiểm toán nội bộ phải có hiểu biết toàn diện về toàn bộ hoạt động ngân hàng, các vấn đề pháp lý và quy định.

5.2.4.Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Xây dựng chiến lược đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực trung và dài hạn có đủ khả năng đón đầu phát triển hệ thống NHTM Việt Nam trong thời gian tới.Áp dụng chế độ ưu đãi cần thiết đối với những chuyên viên, cán bộ trong lĩnh vực ngân hàng cũng cần được quan tâm.Tránh để xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám” trong điều kiện Việt Nam hiện nay. Đồng thời nâng cao đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm của cán bộ ngân hàng.

5.2.5.Tăng tính chủ động và sức mạnh tài chính cho các NHTM để đáp ứng đủ điều kiện của Basel III

Trước hết, thực hiện tăng vốn tự có của các ngân hàng bằng lợi nhuận giữ lại, cho phép và khuyến khích các ngân hàng phát hành cổ phiếu, trái phiếu huy động vốn dài hạn trên thị trường chứng khoán sơ cấp. Tiếp tục tăng vốn điều lệ để tăng cường năng lực tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, đi đôi với việc đảm bảo khả năng quản lý hiệu quả của vốn điều lệ tăng lên.

Nhanh chóng xử lý dứt điểm nợ tồn đọng và làm sạch bảng cân đối. Xây dựng cơ chế ngăn chặn sự gia tăng của nợ xấu mới.

- Bên cạnh đó, NHNN cần nghiên cứu xây dựng các công cụ tính toán tính các rủi ro còn lại theo tinh thần Basel III như rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động cho các NHTM vì các loại rủi ro này ngày càng có tầm ảnh hưởng quan trọng với tính nhạy cảm của kinh tế thị trường.

5.2.6.Khuyến nghị về chính sách

Nếu thực hiện những quy định trực tiếp liên quan đến điều chỉnh tăng trưởng tín dụng hoặc gia tăng yêu cầu về vốn tự có như khuyến nghị của Basel III về “tấm đệm phòng rủi ro chu kỳ” thì có thể gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng GDP khi mà kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi. Để tránh những ảnh hưởng cho nền kinh tế, cơ quan quản lý nhà nước nên thực hiện điều chỉnh:

Thứ nhất, tăng “hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản”.

Thứ hai, giảm “tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn” với lộ trình phù hợp. Trong giai đoạn 2014-2015, tín dụng trung dài hạn của hệ thống NHTM đã tăng mạnh (sau khi điều chỉnh tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn tăng từ 30% lên 60% tại Thông tư số 36/2014/TT-NHNN).

5.3. Kết luận

Các tiêu chuẩn về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và nguyên tắc về giám sát ngân hàng của Basel đã trở thành chuẩn mực, không chỉ được áp dụng trong các quốc gia thành viên mà còn được phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới. Là thành viên của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) và nhiều hiệp định quốc tế, việc các NHTM Việt Nam phải đổi mới nhằm tuân thủ các quy định của Basel đã trở thành xu hướng tất yếu khách quan. Tuy nhiên cho đến nay, do những khó khăn từ bối cảnh kinh tế xã hội nói chung, cũng như những hạn chế từ các NHTM nói riêng, đã tạo ra nhiều cản trở thách thức trong việc đáp ứng tiêu chuẩn Basel của hệ thống NHTM Việt Nam. Bài viết mong muốn đóng góp phần nhỏ vào nhận thức cũng như đề xuất một số giải pháp để các NHTM Việt Nam tiến gần hơn đến các thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

A. Tài liệu tiếng Anh

1. Basel Committee on Banking Supervision (2010), Countercyclical capital buffer proposal, Bank for International Settlements.

2. Basel II IRB Risk Weight Functions”, Bank for international settlements.

3. Basel Committee on Banking Supervision (July 2008), “Proposed revisions to the Basel II market risk framework”, Bank for international settlements.

4..Blundell-Wignall, A., Atkinson, P. 2010. “Thinking Beyond Basel III: Necessary Solutions For Capital and Liquidity”. OECD Journal: Financial Market Trends. Volume 2010 - Issue 1. Bản trước công bố.

5.Caruana, Jaime. 2010. “Why Basel III matters for Latin American and Caribbean financial markets”. ASBA-FSI High-Level Meeting on “The emerging framework to strengthen financial stability and regulatory priorities in the Americas” Antigua, Guatemala.

B. Tài liệu tiếng Việt

1. Trần Việt Dung (2016), Kinh nghiệm áp dụng Hiệp ước vốn Basel II trong hệ thống ngân hàng Nhật Bản. Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á số 11/2016.

2. Trần Việt Dung (2013), Kinh nghiệm áp dụng Hiệp ước vốn Basel II trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc số 11/2013.

3. Nguyễn Văn Hiệu (2011), Nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel III - lộ trình củng cố bức tường an ninh tài chính - ngân hàng. http://www.vnba.org.vn/?option=com_content&view=article&id= 1534&catid=43&Itemid=90, ngày 25/06/2016;

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2014): Thông tư số 36/2014/TT-NHNN, ngày 20/11/2014 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NHNH.

5. Kỷ yếu Hội thảo Basel (2015), Trường Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh.

6. Kỷ yếu Hội thảo Ảnh hưởng của lãi suất và hiệp ước Basel đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng và khách hàng trong bối cảnh hội nhập (8/2016), Trường Đại học Thủ Dầu Một.

STUDY THE POSSIBILITY OF APPLYING THE

BASEL III TO RISK CONTROL PROCESS

IN VIETNAMESE COMMERCIAL BANK

MA. NGUYEN THI TUYET NGA

Faculty of Banking and finance - University of Industry Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

One of the international treaties that most banking executives in the world pay special interest is the Basel Capital Accord. The Basel Capital Accord has undergone several additions, amendments and finally the Basel III in 2010.In Vietnam, the application of the Basel still has more obstacles.Therefore, it is necessary to study and understand the provisions of the Basel III, as well as study the difficulties, the cause why Vietnam does not apply Basel III and find appropriate solutions to improve the risk management system of the Bank in order to meet the requirements of international integration.

Keywords: Basel, risk control, commercial bank, Vietnam.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây