Những ưu điểm và hạn chế trong công tác quản lý du lịch tại tỉnh Quảng Ninh

TS. NGÔ SỸ TRUNG và ThS. LÊ SƠN TÙNG (Trường Đại học Nội vụ Hà Nội)

TÓM TẮT:

Quản lý du lịch bao gồm nhiều nội dung, từ hoạch định chính sách du lịch, tổ chức thực hiện các nội dung chính sách du lịch đến hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền ở cả Trung ương và địa phương. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích thực trạng quản lý các hoạt động du lịch của tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở triển khai các nội dung chính sách du lịch, bao gồm: Hoạt động xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch; hoạt động kinh doanh du lịch; hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch. Bằng phương pháp nghiên cứu chủ yếu là phân tích, tổng hợp, tác giả bài viết góp phần làm sáng tỏ những ưu điểm, hạn chế trong công tác quản lý các hoạt động du lịch nêu trên và hy vọng kết quả của bài viết sẽ cung cấp thông tin hữu ích đối với các nhà lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh để có thể có những điều chỉnh chính sách một cách phù hợp.

Từ khóa: Quản lý du lịch, xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch, kinh doanh du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch.

1. Thực trạng quản lý hoạt động xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch

Quản lý hoạt động xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch được phân cấp nhiệm vụ đối với Sở Du lịch tỉnh. Theo đó, Sở Du lịch là cơ quan thực hiện việc tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch như tuyên truyền, kêu gọi vốn đầu tư, hỗ trợ cho vay, đầu tư cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh, hỗ trợ nhân lực cho các lễ hội, các cơ sở kinh doanh,…; ban hành các ấn phẩm, hướng dẫn du lịch theo chuyên đề phù hợp với từng thị trường và từng đối tượng khách hàng; thông qua các lễ hội, hội chợ... để chuyển tải những nét độc đáo đến với du khách.

Đối với hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch, hoạt động này được được quản lý trên tinh thần phát triển ngành, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức hoạt động, bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh do Sở Du lịch làm đại diện. Qua các hoạt động trên, Sở Du lịch tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với ngành Du lịch bằng hình thức quản lý nguồn vốn, ban hành các cơ chế, các thủ tục để đưa hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào khuôn khổ và theo đúng định hướng của Đảng, nhà nước, chính sách và pháp luật.

Đối với hoạt động quảng bá du lịch, nguyên tắc hoạt động của các chương trình quảng bá du lịch là: Nhà nước quảng bá điểm đến, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch phục vụ du khách. Không chỉ trong nước, tỉnh Quảng Ninh cũng phối hợp với đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, các công ty nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước hoạt động có yếu tố nước ngoài để mở các tour du lịch, phát hành các ấn phẩm tổ chức các buổi giới thiệu du lịch đến quốc tế.

Nhờ có xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tốt, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được lượng khách du lịch khá ổn định (cả khách du lịch trong nước và quốc tế) trong những năm qua. Một số kết quả đáng chú ý là: Trong những năm gần đây, du lịch Quảng Ninh có những bước tăng trưởng mạnh, mức tăng bình quân gần 12% năm. Lượng khách quốc tế tăng 13,5%, doanh thu du lịch tăng trung bình 24,5%. Dự kiến đến cuối năm 2018, khách du lịch đạt 10,5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 3,5 triệu lượt, doanh thu đạt 8.000 tỷ đồng [1].

Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, một số hạn chế vẫn còn tồn tại trong công tác quản lý hoạt động xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch đòi hỏi các nhà quản lý cần sớm có biện pháp khắc phục, đó là: (a) Hạn chế trong việc kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước do cơ chế kiểm soát tài chính, ngân sách, cơ chế kiểm soát đầu tư nước ngoài chưa phù hợp; (b) Các văn bản chỉ đạo, điều hành chung của cơ quan nhà nước liên quan đến hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch còn nhiều bất cập, cản trở việc tổ chức các hoạt động giới thiệu, tuyên truyền cho ngành du lịch trên địa bàn tỉnh; (c) Các lễ hội còn nhiều bất cập trong khâu tổ chức và quản lý, làm ảnh hưởng xấu đến bộ mặt ngành Du lịch của tỉnh; (d) Việc quản lý các khu di tích còn chồng chéo, hoặc chưa được quản lý đầy đủ, nhất là các khu di tích nhỏ vẫn do người dân địa phương quản lý theo kiểu tự phát, gây khó khăn cho việc quản lý đầu tư, quảng bá hình ảnh đến khách du lịch

Những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có cả chủ quan và khách quan, cụ thể là: (a) Cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật phục vụ cho lĩnh vực đầu tư nói chung, đầu tư cho lĩnh vực du lịch nói riêng chưa hoàn thiện, còn nhiều khiếm khuyết, làm giảm hiệu quả của việc quản lý nhà nước cũng như các hoạt động đầu tư, kêu gọi đầu tư từ phía doanh nghiệp; (b) Nhân sự quản lý nhà nước trong việc quản lý hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch còn yếu về nhiều kỹ năng thực tế như ngoại ngữ, tin học, kỹ năng tổ chức, kỹ năng giao tiếp cũng như nền tảng lý luận khoa học. Vì thế ảnh hưởng đến hoạt động tổ chức các lễ hội trên địa bàn nhằm quảng bá du lịch, thậm chí làm ảnh hưởng xấu đến bộ mặt các lễ hội; (c) Chưa nhận được sự ủng hộ của người dân trong việc quản lý các di tích nhỏ, một hệ thống tồn tại rất nhiều trên địa bàn tỉnh.

2. Thực trạng quản lý các hoạt động kinh doanh du lịch

Chủ thể quản lý các hoạt động du lịch là bộ máy chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là, Ủy ban nhân dân tỉnh là cơ quan đứng đầu, chỉ đạo Sở Du lịch phối hợp với ủy ban nhân dân các thành phố thuộc tỉnh, các huyện, các sở, các đơn vị chuyên môn cùng chung tay quản lý các hoạt động kinh doanh du lịch. Như vậy, có thể thấy bộ máy quản lý các hoạt động kinh doanh du lịch của tỉnh tương đối lớn và cơ chế hoạt động có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ, rộng khắp, do đây là một ngành mang lại nhiều lợi nhuận, thu ngân sách cao cho tỉnh, tuy nhiên cũng rất phức tạp, đòi hỏi nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.

Đối tượng hoạt động kinh doanh du lịch là các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bản tỉnh. Các đối tượng này hoạt động trên tất cả mọi lĩnh vực thuộc ngành dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, có sự phân chia thị phần, lĩnh vực khá rõ rệt và bền vững trong hoạt động kinh doanh của cả hai đối tượng này do yếu tố tiềm lực, quy mô và năng lực chi phối: Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch luôn là những nhân tố tiên phong, mang nhiều lợi thế về tài chính, nhân sự để có thể tạo ra những đột biến, là lá cờ đầu trong ngành Du lịch tỉnh. Bên cạnh đó, các cá nhân kinh doanh du lịch là phần bổ trợ, hỗ trợ cho cả doanh nghiệp lẫn các tổ chức nhà nước. Đặc trưng của nhóm đối tượng này là ít vốn, quy mô nhỏ, ít bền vững nhưng cũng rất linh hoạt; chịu sự tác động lớn của các chính sách du lịch nhưng rất mau chóng thích nghi.

Với sự tham gia của đông đảo các đối tượng kinh doanh du lịch và sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chính quyền, cho nên hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh những năm qua cũng khá nề nếp, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho địa phương. Theo báo cáo của Sở Du lịch Quảng Ninh, hoạt động du lịch của tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu kinh tế đáng ghi nhận như sau:

- Năm 2017, Quảng Ninh đã thu hút gần 10 triệu lượt khách tham quan, trong đó, khách quốc tế là 4,28 triệu lượt. Các chỉ tiêu của ngành Du lịch đều đạt và vượt kế hoạch đề ra [2].

- Trong tháng 01/2018, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt khoảng 610.000 lượt, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế đạt 360.000 lượt, tăng 11% so với cùng kỳ. Khách lưu trú đạt 345.000 lượt, tăng 10% cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 195.000 lượt tăng 13% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu tháng 1/2018 ước đạt 1.198 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Riêng lượng khách tham quan Vịnh Hạ Long trong thời gian này đã tăng đến 33% so với cùng kỳ và đạt 335.000 lượt khách tham quan [3].

- Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đã hình thành 4 không gian du lịch với các sản phẩm đặc trưng gồm: Khu vực thành phố Hạ Long gắn với du lịch vịnh Hạ Long; khu vực thành phố Móng Cái - Trà Cổ gắn với du lịch biên giới; khu vực huyện Vân Đồn - Cô Tô gắn với du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng chất lượng cao có casino; khu vực thành phố Uông Bí - thị xã Đông Triều - thị xã Quảng Yên gắn với du lịch văn hóa, tâm linh và du lịch cộng đồng, làng nghề.

Tuy đã đạt được những thành tựu đáng kể, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại hạn chế lớn trong hoạt động quản lý kinh doanh du lịch tại tỉnh Quảng Ninh, đó là thiếu sản phẩm du lịch chất lượng cao, thiếu cơ sở lưu trú cao cấp. Điều này cũng làm giảm doanh thu, cũng như không khai thác được nhu cầu về dịch vụ cao cấp của một lượng lớn khách du lịch. Nguyên nhân của hạn chế trên là do việc ưu đãi cho các doanh nghiệp có dịch vụ tốt, cho các nhà đầu tư cam kết lâu dài, đầu tư lớn chưa có hoặc có nhưng chưa tạo ra hiệu ứng rõ nét để thu hút. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức chưa có ý thức tuân thủ pháp luật, cũng như tôn trọng du khách và nghĩ đến phương thức làm ăn lâu dài, bền vững; vẫn còn tình trạng làm ăn chụp giật, lừa đảo khiến cho một số khách du lịch không muốn quay lại.

3. Thực trạng quản lý đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, với chủ trương dành nguồn lực thỏa đáng từ ngân sách và huy động các nguồn lực ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, những năm gần đây, các cấp lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai đầu tư hàng loạt các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng du lịch, trong đó có các dự án quan trọng đã hoàn thành đem lại hiệu quả thiết thực như: Cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long; đưa điện lưới ra đảo Cô Tô và các xã đảo huyện Vân Đồn; hạ tầng kỹ thuật viễn thông thực hiện phủ sóng di động và internet đến tất cả các điểm du lịch.

Bên cạnh đó, một số dự án chiến lược cũng được đẩy nhanh tiến độ: Đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian từ Hạ Long đi Hà Nội còn 1,5 giờ bằng ô-tô; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn phấn đấu hoàn thành trong năm 2018 là tiền đề quan trọng để phát huy thế mạnh của Đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn; Đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái tiếp tục được đầu tư xây dựng sẽ kết nối tỉnh Quảng Ninh với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc và các nước ASEAN; Cảng tàu biển quốc tế Hạ Long sau khi hoàn thành cũng tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi tham quan vịnh Hạ Long, Bái Tử Long trên du thuyền 5 sao mà không phải chuyển tải như trước đây. Đặc biệt, sau khi có Quy hoạch phát triển tổng thể du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút một loạt các dự án chiến lược, có nhiều nhà đầu tư tầm cỡ tìm đến như: BIM Group, Vingroup, Sun Group, MyWay, Tuần Châu, FLC, v.v. [4].

Các dự án đầu tư mới đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị và các trung tâm du lịch của Quảng Ninh, thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, tăng cường khả năng cạnh tranh, tạo ấn tượng mới cho thương hiệu du lịch Hạ Long - Quảng Ninh. Việc thu hút đầu tư phát triển du lịch có chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ, khai thác có hiệu quả các trung tâm du lịch trọng điểm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế.

Mặc dù có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch, tuy nhiên, thực tế cho thấy, hệ thống giao thông kết nối vẫn còn kém chất lượng. Hiện nay, để di chuyển từ Hà Nội tới Cô Tô mất 8 giờ, từ Hà Nội xuống Hạ Long mất 4 giờ. Các con đường cao tốc nối tỉnh Quảng Ninh, các địa điểm du lịch nổi tiếng với các thành phố lớn chưa có. Điều này đã gây cản trở cho nhiều du khách khi muốn tới Quảng Ninh. Bên cạnh đó, Quảng Ninh vẫn đang thiếu các dự án du lịch quy mô lớn. Đó là các dự án có vốn lớn, có sự tham gia của các đơn vị quốc tế, hướng tới phát triển ổn định và lâu dài nhằm nâng cao chất lượng cho ngành Du lịch tỉnh. Các dự án du lịch quy mô lớn muốn đầu tư cũng chưa có cơ chế thu hút, đãi ngộ và ưu tiên phù hợp. Những hạn chế trên đã và đang tạo ra thách thức không nhỏ đối với các nhà lãnh đạo tỉnh trong hiện tại và tương lai gần.

4. Một số đề xuất về giải pháp

Từ thực trạng quản lý hoạt động du lịch của tỉnh Quảng Ninh, tác giả bài viết gợi ý một số giải pháp với mục đích cung cấp thông tin để các nhà lãnh đạo tỉnh tham khảo và có thể có những điều chỉnh chính sách phù hợp, cụ thể là:

- Tỉnh Quảng Ninh cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối tỉnh với khu vực lân cận cũng như kết nối các địa phương của tỉnh có ngành dịch vụ du lịch phát triển mạnh nhằm thu hút khách tham quan. Trước mắt, cần đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thiện cầu Bạch Đằng, nối cao tốc 5B Hà Nội - Hải Phòng, nhằm rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội và Hải Phòng, đây là 2 địa phương có lượng khách du lịch lớn, là đầu mối giao thông, kinh tế, văn hóa, giáo dục... xuống Hạ Long.

- Các địa phương trọng điểm về du lịch như: Móng Cái, Hạ Long cần phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh ra quân thực hiện chiến dịch làm sạch môi trường kinh doanh du lịch, quyết tâm đẩy lùi các tour du lịch giá rẻ nhưng thực chất ẩn chứa yếu tố lừa đảo khách hàng như trường hợp báo chí đã nêu vừa qua. Trong đó, ngành Du lịch tập trung vào chấn chỉnh các hoạt động lữ hành đón khách Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái; chấn chỉnh các cơ sở bán hàng cho khách du lịch.

- Đối với hoạt động vận chuyển khách thăm quan vịnh Hạ Long, Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long cần tăng cường công tác tuần tra, xử lý đình chỉ các tàu du lịch có hành vi nâng giá dịch vụ, bắt chẹt du khách để thu lời bất chính; vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

- Để tạo điểm nhấn cho du lịch, Quảng Ninh cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí phục vụ du khách, củng cố và hoàn thiện các dịch vụ đã đi vào hoạt động, tạo sức hấp dẫn mới cho du lịch Quảng Ninh, góp phần giải quyết bài toán về dịch vụ vui chơi, giải trí dành cho du khách khi đến với Hạ Long.

- Tiếp tục tăng cường quản lý môi trường kinh doanh du lịch, đặc biệt là các hoạt động lữ hành đi vào nền nếp, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; mở rộng không gian du lịch, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, cộng đồng tại một số địa phương như Bình Liêu, Uông Bí, Đông Triều.

Sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, địa phương trong chấn chỉnh môi trường du lịch nhằm góp phần tạo sự hài lòng hơn cho du khách, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Quảng Ninh, chuyên nghiệp, hấp dẫn. Các hoạt động này cần thực hiện từ cấp thấp như chính quyền xã, phường, quận huyện, thị trấn, đặc biệt là các khu du lịch, cho tới các cơ quan quản lý nhà nước cấp cao hơn, phối hợp chặt chẽ với các nhà hoạch định chính sách ở Trung ương nhằm tạo ra cơ chế thuận lợi, phù hợp phát triển môi trường kinh doanh sạch, an toàn, đảm bảo sự yên tâm cho các nhà đầu tư cũng như khách du lịch khi tìm đến với tỉnh Quảng Ninh ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Theo báo cáo về tăng trưởng du lịch của Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2016.

2. Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh về lượng khách du lịch đến Quảng Ninh trong năm 2017.

3. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch về lượng khách đến tham quan tại tỉnh Quảng Ninh tháng 1/2018.

4. Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

ADVANTAGES AND LIMITATIONS OF TOURISM

MANAGEMENT IN QUANG NINH

● PhD. NGO SY TRUNG

● MA. LE SON TUNG

Hanoi University of Home Affairs

ABSTRACT:

Tourism management includes a wide range of contents, from tourism policy formulation to organizing the implementation of tourism policy contents, and inspection and supervision activities of the competent agencies at both central and local levels. In this article, the authors focus on the management of tourism activities in Quang Ninh province based on the content of tourism policy, including: promotion and investment; tourism business; investment in tourism infrastructure. The research method is mainly analytical, synthesis. The authors hope to contribute to clarify the advantages and limitations in the management of tourism activities and wish that the results of the article will provide useful information to the leaders of Quang Ninh Province so that appropriate policy adjustments can be made.

Keywords: Tourism management, investment promotion, tourism promotion, tourism business, tourism infrastructure.