Sau 10 năm, thu hút đầu tư vào nông nghiệp tăng gần 3 lần

Qua 10 năm thực hiện chính sách tam nông, số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp tăng 2,93 lần và hiện nay, số lượng doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này cũng đạt trên 7.000.

Nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa

Đó là thông tin được đưa ra tại “Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 7/9/2018 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, Nghị quyết Trung ương 7 đã tạo “bước ngoặt” quan trọng trong ngành nông nghiệp. Đó là sự nhận thức "đúng và trúng" về vai trò vị thế của nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Trong 10 năm qua, ngành nông nghiệp đã duy trì đà tăng trưởng và đang chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao... Từ đó, góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân nông thôn. Giai đoạn 2008 - 2017 tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt 2,66%/năm, giá trị sản xuất tăng 3,9%/năm.

Trong 10 năm qua, ngành nông nghiệp đã duy trì đà tăng trưởng và đang chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao

Trong đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng nhanh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008 - 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm. Riêng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 36,52 tỷ USD, tăng 20,05 tỷ USD so với năm 2008.

Đáng chú ý, năm 2008 Việt Nam mới chỉ có 5 mặt hàng nông lâm thủy sản có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên và 2 mặt hàng nông lâm thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Đến năm 2017, Việt Nam đã có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên. Trong đó, 5 mặt hàng gồm trái cây, hạt điều, cà phê, tôm và đồ gỗ đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Đặc biệt, 10 năm qua, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng từ 2.397 năm 2007 (chiếm 1,61% doanh nghiệp cả nước) lên 7.033 doanh nghiệp năm 2017 (tăng 2,93 lần) với số vốn 213.394,9 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đã trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị nông sản và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường.

“Sản xuất nông nghiệp đã chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng, sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Thu nhập nông dân tăng gấp 3,6 lần sau 9 năm

Chia sẻ về vấn đề nông dân, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết, việc giảm nghèo tiếp tục đạt được nhiều kết quả mới và đã không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn.

Thông qua phát triển các mô hình sản xuất, hỗ trợ người nghèo, địa phương nghèo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.

Thu nhập bình quân người nông dân tăng từ 9,1 triệu đồng/năm thời điểm năm 2008 lên 32 triệu đồng/năm vào năm 2017

Tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm nhanh, năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn còn 8%; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4%/năm.

Đặc biệt, trong 10 năm qua, phong trào xây dựng nông thôn mới có sức lan tỏa cao, trở thành phong trào sâu rộng với sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, văn minh, hiện đại hơn. Một trong những chuyển biến tích cực là việc đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn; trong đó, chú trọng vào xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, thu hút đầu tư doanh nghiệp.

Tính đến nay, cả nước đã có 3.478 xã (38,98%) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 14,26 tiêu chí/xã; có 53 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (so với năm 2010 chưa có xã đạt chuẩn; năm 2013 chưa có huyện đạt chuẩn nông thôn mới).

Cũng tại Hội Nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, thu nhập người nông dân tăng mạnh, vượt chỉ tiêu trong giai đoạn triển khai nghị quyết. Thu nhập bình quân người nông dân tăng từ 9,1 triệu đồng/năm thời điểm năm 2008 lên 32 triệu đồng/năm vào năm 2017. Con số này tương đương tăng 3,6 lần, vượt mục tiêu tăng 2,5 lần đến năm 2018.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đến năm 2018, thu nhập bình quân người nông dân dự đoán tăng lên 36 - 37 triệu đồng/năm, gấp gần 4 lần so với năm 2008. Nếu xét trên quy mô hộ gia đình, thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn từ 75,8 triệu năm 2012 lên 130 triệu đồng năm 2017, góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo, nâng mức sống của người dân vùng nông thôn.

Trong 10 năm qua, nông nghiệp luôn duy trì mức tăng trưởng toàn diện, tiếp tục khẳng định được vị thế quan trọng trong nền kinh tế. Những kết quả đó là sự hội nhập toàn cầu tốt, mở ra những tiến bộ khoa học kỹ thuật cách mạng công nghiệp 4.0. 

Thu Thủy