Hội nhập kinh tế quốc tế là một điều kiện căn bản để các nước đang phát triển như Việt Nam có thể bắt nhịp, kết nối với dòng chảy đổi mới mô hình tăng trưởng toàn cầu. Nhưng doanh nghiệp trong nước cũng phải chịu nhiều sức ép khi mở cửa thị trường từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương.
Trong bối cảnh đó, để thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương xác định 1 trong những giải pháp trọng tâm của ngành Công Thương là phát triển thị trường trong nước cùng với sản xuất công nghiệp cho giá trị cao, gắn với đẩy mạnh xúc tiến thương mại nội địa.
Bên cạnh việc tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước, như cắt giảm trên 70% điều kiện kinh doanh; xóa bỏ gần 60% số mã HS kiểm tra chuyên chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, trong 10 năm qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp tổng thể (Chương trình, Kế hoạch, Đề án), được cụ thể hóa theo từng năm, nhằm đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động. Từ 2009 đến 2014, đã phê duyệt 356 đề án XTTM thị trường trong nước, miền núi, biên giới và hải đảo, kinh phí hỗ trợ 167,78 tỷ đồng. Các đề án này chủ yếu là các hội chợ triển lãm thương mại cấp vùng (103 đề án với tổng kinh phí 138,59 tỷ đồng) và các hoạt động phân phối hàng Việt đến khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn (253 đề án với tổng kinh phí gần 29,2 tỷ đồng). Từ năm 2014 đến nay, Bộ đã chủ trì phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị và Hiệp hội ngành hàng/ngành nghề triển khai hơn 260 dự án, nhiệm vụ thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014-2020. Hiện đã thiết lập hơn 100 điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại 59 địa phương trên cả nước.
Trong đó, tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa; hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, tập trung trước hết vào các chuỗi hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thị trường, xã hội.
Đồng thời, tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người tiêu dùng; đi đôi với việc đưa ra nhiều tiêu chí để các nhà sản xuất Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm; cũng như tạo các tiền đề giúp liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất với nhà phân phối để đưa hàng về các vùng sâu, vùng xa. Phối hợp với các bộ, ngành và các hiệp hội tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…
Các chính sách và hoạt động trên không chỉ góp phần thúc đẩy sản xuất, lưu thông, nâng cao uy tín của doanh nghiệp Việt Nam mà còn có ý nghĩa tích cực trong việc tạo sự chuyển biến căn bản và thực chất trong công tác quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường; phổ biến sâu rộng đến mọi đối tượng để người tiêu dùng nhận thức đúng chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Kết quả là tiêu dùng trong nước tăng trưởng liên tục ở mức 2 con số từ 2016 đến nay. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ nước ta năm 2018 đạt 4,39 triệu tỷ đồng, tương đương với 78,8% GDP cả nước. Nếu so sánh với Hoa Kỳ là nước có thị trường nội địa lớn nhất, nước tiên phong của “chủ nghĩa tiêu thụ”, năm 2017 có mức tiêu dùng nội địa tương đương 82,1% GDP, mới thấy 4,39 triệu tỷ đồng, bằng khoảng 189,2 tỷ USD cho chi tiêu nội địa, tương đương 78,8% GDP của một nước đang phát triển như Việt Nam là một nguồn lực có sức mạnh đáng kể.
Thị trường trong nước phát triển mạnh mẽ, chúng ta có điều kiện hơn trong tận dụng được cơ hội đổi mới mô hình tăng trưởng, kết nối được với dòng chảy kinh tế toàn cầu do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.