LƯƠNG VĂN TỰ
(Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO)
Ngày 31/5/2006, kết thúc phiên đàm phán song phương cuối cùng với Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh, đây là đối tác thứ 28 chúng ta phải đàm phán song phương.
Ngày 26/10/2006, kết thúc đàm phán đa phương với 149 nước và vùng lãnh thổ tại Geneva.
Ngày 7/11/2006, ngày Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, ngày ông Eirick Glenne – Chủ tịch Ủy ban công tác gõ búa kết thúc 11 năm đàm phán cam go, kết nạp Việt Nam là thành viên thứ 150 vào WTO.
Hiện thực hóa “tầm nhìn xuyên thế kỷ”
Đàm phán gia nhập WTO là cuộc đàm phán lâu dài nhất, đa dạng nhất trong cả 4 lĩnh vực: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư liên quan đến thương mại và sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại. Số lượng nước tham gia đàm phán song phương và đa phương lên đến 149 nước và vùng lãnh thổ.
Về phía Việt Nam chúng ta cũng phải trải qua 3 nhiệm kỳ Thủ tướng, bắt đầu từ nhiệm kỳ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, qua nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải. Kết thúc đàm phán là giai đoạn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cũng qua 3 nhiệm kỳ Bộ trưởng và 3 Trưởng đoàn đàm phán.
Số lượng Bộ và số lượng thành viên đàm phán và hỗ trợ kỹ thuật trên 30 người. Đảng và Chính phủ đã huy động toàn bộ lực lượng, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Bộ Chính trị có nghị quyết 07/NG tháng 12/2001 về chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO.
Các báo và đài truyền hình tuyên truyền thường xuyên về hội nhập “Cơ hội và thách thức”. Đài Truyền hình Việt Nam mở chuyên 1 kênh hội nhập và phát triển.
Về đối ngoại, Bộ Ngoại giao có chiến lược vận động ngoại giao ở cả 3 cấp: Cấp cao các lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quốc hội; cấp Bộ, các Đại sứ; cấp ngoại giao nhân dân. Vận động trên tất cả các diễn đàn APEC, ASEM, ASEAN kêu gọi các nước ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO.
Ngoài ra, Đoàn đàm phán chúng tôi còn có thêm 1 chỗ dựa và niềm tin quan trọng, đó là lời kêu gọi của Bác Hồ gửi tới Liên hợp quốc tháng 12/1946. Năm 1946, Bác vừa gửi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vừa gửi lời kêu gọi cho Liên hợp quốc nói rằng, Việt Nam sẵn sàng mở cửa đón các nhà kỹ nghệ đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng mở cửa sân bay, bến cảng cho hàng hóa quốc tế và khu vực quá cảnh qua Việt Nam. Đúng là một tầm nhìn xuyên thế kỷ!
Ngày nay, toàn bộ đường lối và chủ trương hội nhập là cụ thể hóa tư tưởng chỉ đạo về hội nhập của Bác Hồ. Tuy vậy, thời kỳ đàm phán và gia nhập WTO đất nước ta không ít những băn khoăn lo ngại. Người thì lo mở cửa “bụi bặm vào nhà”, người thi lo ngành nông nghiệp phá sản không cạnh tranh được với thế giới, người lo các doanh nghiệp nhà nước phá sản, cá nhỏ sẽ bị cá lớn nuốt khi ra biển khơi. Người lại lo sẽ mất độc lập tự chủ về kinh tế…
Để giải tỏa các nỗi lo đó, tôi đã viết một câu đối để Văn phòng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế chiếu trên màn hình trong tất cả các buổi nói chuyện về hội nhập:
Mở cửa thì sợ gió
Đóng cửa thì khốn khó
15 năm - Được nhiều hơn mất
Ngày 11/1/2007, WTO công nhận Việt Nam là thành viên chính thức thứ 150 của tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh này.
Sau 15 năm gia nhập WTO, ai cũng thấy vui, thấy được nhiều hơn mất. Gia nhập WTO đã mang lại cho đất nước ta những thành tựu to lớn và mở ra những cơ hội mới cho việc phát triển lâu dài và bền vững.
Một là nâng cao vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế với phương châm Việt Nam sẵn sàng làm bạn, làm đối tác tin cậy của các nước trên thế giới. Tất cả các đối tác đàm phán song phương gia nhập WTO thời đó bây giờ đều trở thành đối tác chiến lược và đối tác toàn diện trong hợp tác kinh tế với Việt Nam, như Hoa Kỳ, Ấn Độ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Australia, Hàn Quốc, Anh, New Zealand…
Thành tựu thứ hai là từ chỗ chỉ có thị trường Trung Quốc và Đông Âu chúng ta đã có thị trường toàn cầu, tạo điều kiện cho thương mại phát triển đột biến..
Năm 2006 kim ngạch xuất nhập khẩu là 39,6 tỷ USD. Năm 2021 là 668 tỷ USD tăng 6 lần. Tổng giám đốc WTO đánh giá Việt Nam là 1 trong 30 nước gia nhập WTO thành công. Tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ từ một nước nhập siêu, nhưng xuất siêu từ mấy năm gần đây. Năm 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 chúng ta vẫn xuất siêu 4 tỷ USD.
Thành tựu thứ ba là thu hút được nguồn vốn, công nghệ và kỹ năng quản lý cho đất nước và doanh nghiệp. Vốn đầu tư nước ngoài đến năm 2020 đã đạt trên 384 tỷ USD vốn đăng ký và trên 231 tỷ USD vốn đầu tư thực tế. Năm 2021, trong khó khăn Việt Nam vẫn thu hút được 31,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và là 1 trong 20 nước trên thế giới thu hút nhiều đầu tư nhất.
Thành tựu thứ tư là kinh tế luôn tăng trưởng dương. Ngay sau khi gia nhập WTO năm 2010, nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt trên 5%, Việt Nam là 1 trong 20 nước có tăng trưởng dương.
Trong cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 diễn ra từ 2020 đến nay, cả nước phải đóng cửa biên giới, thực hiện giãn cách xã hội, GDP của nhiều nước bị âm, nhưng Việt Nam vẫn là 1 trong số ít quốc gia đạt tăng trưởng dương, vẫn là nơi thu hút và hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế.
Ông Lương Văn Tự, Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO bắt tay ông Eirick Glanne, Chủ tịch Ban công tác Việt Nam gia nhập WTO, trong ngày kết thúc đàm phán và kết nạp Việt Nam vào WTO, 7/11/2006.
Ngành nông nghiệp của chúng ta không bị phá sản như Oxfarm dự báo mà vẫn tăng trưởng theo hướng hiện đại và nâng cao giá trị gia tăng. Năm 2021, nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn, song nông nghiệp và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp vẫn vượt mốc 43 tỷ USD, dự kiến hết năm đạt 47 tỷ USD là điểm sáng trong nền kinh tế.
Do ổn định chính trị xã hội, kinh tế vĩ mô, độ mở kinh tế cao và các chính sách minh bạch. GDP bình quân đầu người theo thống kê của Tổng cục thống kê tăng gấp 6,8 lần từ 320 USD lên 2.186 USD bình quân theo đầu người.
Thành tựu thứ năm là đội ngũ doanh nghiệp không giảm đi mà ngày càng tăng. Chúng ta có đội ngũ doanh nghiệp hùng mạnh, trên 800 nghìn, đất nước có thêm các tỷ phú USD.
Thành tựu thứ sáu là gia nhập WTO, chúng ta có được một hệ thống pháp luật mới phù hợp với kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện đầy đủ cam kết về minh bạch hóa các chính sách sau khi chúng ta đã trả lời 3.316 câu hỏi về minh bạch hóa và cam kết tất cả các chính sách phải công khai 60 ngày trước khi thực thi. Minh bạch hóa chính sách và pháp luật theo quy định của WTO. Đến nay minh bạch hóa đã đi vào cuộc sống hàng ngày của cả nước.
Gia nhập WTO không những tạo cơ hội cho trước mắt mà còn mở ra cơ hội lâu dài và to lớn cho đất nước.
Thứ nhất là gia nhập WTO làm tiền đề để chúng ta mở rộng các hội nhập khác như khoa học kỹ thuật, văn hóa, an ninh quốc phòng. Nhất là trong bối cảnh thế giới đa cực, cạnh tranh ngôi vị giữa các siêu cường càng tăng. Việt Nam nằm ở vị trí địa lý chính trị của thế giới và khu vực, nếu không có hợp tác về an ninh quốc phòng thì khó giữ được hòa bình tạo điều kiện cho phát triển kinh tế.
Thứ hai để thực hiện chiến lược đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước công nghiệp, năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao, ngoài nội lực là quan trọng chúng ta cần tranh thủ công nghệ hiện đại phục vụ cho cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 với công nghệ số. Trong đàm phán gia nhập WTO, chúng ta đã mở cửa thị trường IT nên Việt Nam hiện nay là một trong những nước có tốc độ phát triển nhanh trong lĩnh vực này.
Thứ ba là gia nhập WTO là cơ sở cho việc mở rộng và ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới song phương và khu vực, tạo điều kiện thu hút vốn, cao đời sống vật chất và tinh thần.
Việt Nam là quốc gia có dân số 100 triệu người, có độ mở kinh tế trên 200%. Một quốc gia muốn độc lập tự chủ về kinh tế, một mặt phải tranh thủ các nguồn lực vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý tiên tiến từ bên ngoài, mặt khác phải dựa vào nguồn lực của mình là chính thì mới phát triển bền vững được.
Những thành tựu trên là kết quả tổng hợp của quá trình hơn 30 năm đổi mới. Gia nhập WTO là cú hích quan trọng để thay đổi cục diện của đất nước. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đánh giá “Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ và vị thế như hiện nay”.