Lách luật vi phạm quyền SHCN
Về quyền SHCN, từ năm 2005 đến nay, việc đăng ký và cấp chứng nhận bảo hộ tăng bình quân hàng năm 20%; đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tăng 25% - 30%, đăng ký bảo hộ các sáng chế cũng tăng 10% - 15%, nhưng phần lớn (chiếm trên 65%) là của nước ngoài đăng ký ở Việt Nam. Thời gian được cấp chứng nhận quyền SHTT sau khi hoàn tất thủ tục chỉ trong hai tháng (nếu không xảy ra tranh chấp), đây là những kết quả khá ấn tượng. Nếu đối chiếu với Hiệp định TRIPS (Hiệp định về các Khía cạnh liên quan đến Thương mại của Quyền SHTT của WTO), thì đến nay hệ thống pháp luật Việt Nam về SHTT nói chung và SHCN nói riêng đã bảo hộ đầy đủ các đối tượng.
Mặc dù đã có đủ các quy định, biện pháp chế tài, thủ tục xử lý (hành chính, dân sự, hình sự, kiểm soát biên giới) đối với các hành vi xâm phạm quyền SHCN nhưng cho đến nay tình hình xâm phạm quyền SHCN tại Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp.
Đối với SHCN, vi phạm xảy ra phổ biến nhất là với các nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp. Ngoài ra, các dạng tài sản khác cũng bị xâm phạm, như: chỉ dẫn địa lý (do sự nổi tiếng của nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma thuột nên có nhiều hãng trong nước và nước ngoài đã gắn tên sản phẩm của họ bằng nhãn hiệu "Nước mắm Phú Quốc", “cà phê Buôn Ma Thuột” để dễ dàng tiêu thụ sản phẩm); tên thương hiệu (điển hình là vụ khiếu kiện đặt tên "Vang đỏ Đà Lạt" gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng với sản phẩm có tiếng "Vang Đà Lạt" đã xin bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa)... Nghiêm trọng hơn là mọi chủng loại sản phẩm hàng hóa đều có hàng nhái, hàng giả từ hàng tiêu dùng thông thường như thực phẩm, đồ uống, quần áo, giày dép, đồ dùng vệ sinh cá nhân, đến đồ gia dụng, phương tiện máy móc hoặc các sản phẩm cao cấp, đặc dụng như mỹ phẩm, dược phẩm... (ví dụ các sản phẩm Sunligh, P/S, Sunsilk, Clear, Dove và Lifebuoy của hãng Unilever Việt Nam)...
Xâm phạm SHTT còn xảy ra cả ở khu vực sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất nhập khẩu (do thiếu hiểu biết về luật lệ quốc tế mà không ít trường hợp nhà sáng chế Việt Nam bỏ lỡ quyền của mình như võng xếp Vĩnh Lợi), trong đó phổ biến nhất là ở khâu nhập khẩu. Hàng nhái, hàng sao chép phi pháp, hàng có chứa yếu tố vi phạm có mặt trên toàn quốc, từ thành thị đến nông thôn, thậm chí cả vùng sâu, vùng xa; được bày bán cả ở các sạp hàng nhỏ, tại các chợ lẫn ở các trung tâm thương mại hiện đại và các siêu thị. Hành vi xâm phạm xảy ra ở mọi thành phần kinh tế: tư nhân, nhà nước và liên doanh, thậm chí ở cả một số DN có 100% vốn nước ngoài (tuy nhiên chỉ có một vài trường hợp hãn hữu).
Chỉ tính riêng năm 2012, Cơ quan quản lý thị trường các địa phương và trung ương đã tiến hành xử lý 9.556 vụ việc xâm phạm quyền SHTT, trong đó có 61 vụ xâm phạm quyền tác giả/quyền liên quan, 8.999 vụ giả mạo nhãn hiệu, 67 vụ xâm phạm quyền nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, 422 vụ sử dụng tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả mạo và 07 vụ vi phạm giống cây trồng. Tổng số tiền xử phạt 5,8 tỷ đồng, giá trị hàng hóa vi phạm bị phát hiện và xử lý là 3,8 tỷ đồng; Cơ quan Hải quan cũng đã tiếp nhận và xử lý tất cả 106 đơn yêu cầu bảo vệ quyền SHTT tại biên giới với khoảng gần 300 nhãn hiệu hàng hóa các loại, đã xử lý 101 vụ, xử phạt với số tiền khoảng 300 triệu đồng, đồng thời đã tịch thu xử lý hàng chục ngàn sản phẩm vi phạm các loại (như: rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, quần áo, điện thoại di động… xâm phạm các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam); Lực lượng cảnh sát kinh tế của 44 tỉnh/thành phố đã phát hiện 276 vụ xâm phạm quyền SHTT, sản xuất buôn bán hàng giả, trong đó đã khởi tố 66 vụ, 74 bị can (có 26 vụ xâm phạm nhãn hiệu), phạt tiền hơn 2,4 tỷ đồng.
Những khuyến nghị
Để thực thi quyền SHTT nói chung và SHCN nói riêng có hiệu quả, cần tiến hành đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:
- Việc ăn cắp tài sản trí tuệ của người khác không phải tự nhiên phát triển mà bởi vì vẫn có nhu cầu mua hàng rẻ tiền không chính hãng. Cho nên việc buôn bán hàng giả và hàng vi phạm bản quyền sẽ không tồn tại khi và chỉ khi không có nhu cầu tiêu dùng hàng giả.
- Tiếp tục hoàn thiện các quy phạm pháp luật về SHTT, nhất là các quy phạm thực thi.
- Tăng cường năng lực của các cơ quan thực thi, từ tòa án đến các cơ quan bảo đảm thực thi nội địa: Thanh tra (nhà nước và chuyên ngành), UBND các cấp, cơ quan quản lý thị trường, hải quan, cảnh sát kinh tế.
- Tăng cường các hoạt động dịch vụ thông tin về SHTT, đồng thời củng cố và nâng cao vai trò của các hội về SHTT trong việc nâng cao nhận thức của xã hội về SHTT. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, động viên các đối tượng trong xã hội, nhất là thu hút các DN - chủ thể quyền SHCN tham gia tích cực hơn vào bảo vệ SHTT.Sở hữu trí tuệ (SHTT) bao gồm ba nhóm: nhóm quyền tác giả (bản quyền tác giả), nhóm sở hữu công nghiệp - (SHCN) (quyền sở hữu công nghiệp) và giống cây trồng (Điều 3 Luật SHTT).
Theo Điều 6.3 Luật SHTT, thì quyền SHCN được xác lập như sau:
a) Quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký;
b) Quyền SHCN đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó;
c) Quyền SHCN đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó;
d) Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh.