Năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội của 6 vùng kinh tế trong cả nước. 6 vùng gồm: Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.
Mỗi vùng kinh tế đều có những đặc điểm, tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức mang tính đặc thù riêng, nhưng để phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng, 6 Nghị quyết đều chỉ ra 3 khâu đột phá cơ bản. Thứ nhất, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, làm tiền đề cho liên kết kinh tế nội vùng và với các vùng. Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tăng khả năng đón nhận dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Thứ ba, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường.
6 Nghị quyết phát triển kinh tế vùng là căn cứ quan trọng để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương điều chỉnh, ban hành các cơ chế, chính sách cho phát triển vùng, nhất là cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Những cơ chế, chính sách này sẽ giúp phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém; giúp khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng cho phát triển.
Mặc dù vậy, nếu chỉ dừng lại ở quy hoạch, hoàn thiện thể chế thì chưa đủ, chúng ta còn phải tiếp tục hoàn thiện một số công cụ khác. Ví dụ như về quản lý và sử dụng các nguồn lực, nhất là các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước để đảm bảo sự lan tỏa và hiệu quả ở tầm của vùng, từ đó tác động đến các vùng khác và cả nước. Việc phân bổ ngân sách cho đầu tư phát triển cũng phải có những điều chỉnh, để các địa phương trong vùng không cạnh tranh với nhau làm lãng phí nguồn lực.
Như vậy, mấu chốt của phát triển vùng đòi hỏi phải có sự liên kết, phối hợp để cùng hành động, cùng chia sẻ các mục tiêu, lợi ích. Các địa phương trong vùng phải cùng chia sẻ về đóng góp, chia sẻ về khai thác các lợi ích chung cho các dự án, các công trình trong vùng.
Hơn thế nữa, nếu ngân sách Trung ương không đủ thì từng địa phương cũng sẽ cần chủ động huy động tham gia vào phát triển kết hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực hay đầu tư cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chính vì thế, chúng ta thấy thông điệp của Bộ Chính trị rất rõ nét trong 6 nghị quyết về phát triển vùng là: Cần đổi mới mạnh hơn nữa tư duy phát triển, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động, phát triển nhanh và bền vững sao cho tương xứng với tiềm năng và lợi thế của từng vùng và từng địa phương trong vùng; bảo đảm sự phát triển hài hoà giữa các vùng, miền, góp phần nâng cao trình độ và thu nhập của người dân trong vùng, sớm bắt kịp với các vùng phát triển khác trong cả nước, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt của các địa phương trong vùng và cả nước.