Bộ Công Thương: Linh hoạt, quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp góp phần phát triển KT-XH năm 2023

Phát huy vai trò năng lực của các cá nhân, đơn vị thuộc Bộ Công Thương cũng như tăng cường phối hợp linh hoạt, quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để triển khai hiệu quả Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023.

 

Ngày 13/1/2023, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Đặng Hoàng An; Thứ trưởng Phan Thị Thắng cùng toàn thể lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Công Thương.

9 nhóm nhiệm vụ lớn và hơn 50 nhóm giải pháp theo ngành, lĩnh vực

Ngay sau khi có Nghị quyết 01/NQ-CP (ngày 6/1/2023) của Chính phủ, ngày 9/1/2023, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 32/QĐ-BCT phê duyệt Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP nhằm cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành. Chương trình hành động của ngành Công Thương đã cụ thể hoá thành 9 nhóm nhiệm vụ lớn và hơn 50 nhóm giải pháp cụ thể theo ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành. Đây cũng là năm đầu tiên Chính phủ đưa Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vào Nghị quyết 01/NQ-CP để thực hiện.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã được nghe Báo cáo về Chương trình hành động của ngành thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, các ý kiến của các đơn vị chức năng thuộc Bộ trong triển khai nhiệm vụ chuyên môn, ý kiến các tập đoàn doanh nghiệp triển khai nhiệm vụ được giao và ý kiến của lãnh đạo Bộ.

"Đây là các nội dung rất quan trọng giúp cho việc đề ra các giải pháp trọng tâm cần tập trung để tổ chức triển khai Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP để ngành Công Thương hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Báo cáo về Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP nêu rõ và yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ quyết tâm, giữ vững tinh thần vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, tích cực đổi mới, sáng tạo theo tinh thần chủ đề điều hành của Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” với 5 quan điểm trọng tâm chỉ đạo.

Đồng thời tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế; tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng năng lượng, thương mại, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số. Tập trung bảo vệ môi trường, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần củng cố vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.

Tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm

Trong phát biểu của lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, lãnh đạo các tập đoàn, hiệp hội ngành hàng đã bày tỏ sự nhất trí cao với các quan điểm, mục tiêu cùng các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Chương trình hành động của Bộ Công Thương, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm thực hiện thắng lợi Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.

Hoài - Cục CN

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp phát biểu tại Hội nghị

Theo lãnh đạo Cục Công nghiệp, bám sát các chỉ đạo tại Nghị quyết 01, năm 2023, Cục sẽ hoàn thiện các thể chế về phát triển công nghiệp; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài thuộc một số dự án; phối hợp với Văn phòng Chính phủ để triển khai có hiệu quả quy hoạch khoáng sản nhằm huy động nguồn lực mới cho tăng trưởng, gia tăng năng lực sản xuất, phát triển công nghiệp vật liệu, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phù hợp phục vụ cho sản xuất.

Cùng với đó Cục sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19; phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ nghiên cứu, xây dựng và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với các nhóm hàng hóa số 2; triển khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó chú trọng các giải pháp về tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ xây dựng và vận hành mô hình nhà máy thông minh, chuyển đổi số, sản xuất xanh, sản xuất sạch.

Trong khi đó, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, Cục sẽ xây dựng các cơ chế chính sách nhằm cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương phát triển năng lượng của Nhà nước; xây dựng cơ chế đặc thù để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam; xây dựng cơ chế giá điện sinh khối và năng lượng tái tạo, đồng thời xã hội hóa nguồn lực nhằm phát triển lưới điện toàn quốc; hoàn thiện quy hoạch và kế hoạch thực hiện sau quy hoạch điện VIII để đảm bảo nguồn điện trong những năm sắp tới.

Bộ trưởng đề nghị, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cần khẩn trương đôn đốc và giám sát EVN để triển khai thực hiện thông tư 15 và triển khai thực hiện khung giá cho các dự án điện chuyển tiếp. Đây là một trong những nội dung rất quan trọng trong công cuộc phát triển nền kinh tế đất nước.

Đồng thời, Cục cần đôn đốc và kiểm tra, giám sát tiến độ của các dự án về nguồn điện và hệ thống chuyển tải điện; khẩn trương tham mưu ban hành Thông tư, nghị định thực hiện điểm 2, điều 4 của Luật Điện lực; đẩy mạnh hợp tác phát triển với các tổ chức, đối tác trong việc phát triển năng lượng.

Triển khai mạnh mẽ xuất khẩu theo đường chính ngạch

Hương XNK

Bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu

Bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trong năm 2022, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030, Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược cũng đã được phê duyệt.

Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030 có một số điểm mới theo đó thay vì tốc độ phát triển xuất khẩu nhanh, quan điểm Chiến lược nhấn mạnh yếu cầu phát triển xuất khẩu bền vững, đồng thời đã chỉ rõ các yếu tố để đạt thương mại với từng thị trường, khu vực thị trường; hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; hài hòa cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả tăng trưởng xuất nhập khẩu; về bảo vệ môi trường và thích ứng với biển đổi khí hậu.

Chiến lược xác định các động lực mới cho phát triển xuất nhập khẩu là: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, Chiến lược bổ sung định hướng phát triển thị trường nhập khẩu hàng hoá, đặt ngang tầm với nhiệm vụ phát triển thị trường xuất khẩu hàng hoá. Đặc biệt Chiến lược bổ sung mục tiêu về cơ cấu hàng xuất khẩu, cơ cấu thị trường xuất khẩu, nhập khẩu.

Trong chỉ đạo với Cục Xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý Cục cần triển khai mạnh mẽ và giám sát kỹ đối với các hoạt động trong Chương trình xuất khẩu chính ngạch mà Chính phủ đã thông qua đối với các địa phương. Gần đây Trung Quốc đã mở cửa biên giới, thời gian tới Cục Xuất nhập khẩu và các cơ quan thuộc Bộ cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chính quyền các địa phương triển khai đề án xuất khẩu theo đường chính ngạch, để quy hoạch lại các vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của các thị trường, đặc biệt thị trường đông dân như Trung Quốc.

Đẩy nhanh thực hiện các chương trình phát triển thị trường trong nước

Đông - Vụ TTTN
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước

Tại phát biểu của Vụ Thị trường trong nước, Vụ trưởng Trần Duy Đông cho biết, bám sát với các chỉ đạo của Nghị quyết 01, Vụ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có sửa đổi các nghị định về kinh doanh xăng dầu, phát triển quản lý chợ về dầu khí, nghị định về hàng hóa cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện và tích hợp một số kiến nghị của các bộ ngành và trong luật đầu tư. Tổ chức tổng kết, đánh giá, đẩy nhanh việc thực hiện hàng loạt các chương trình phát triển thị trường trong nước. Đẩy mạnh thực hiện đề án đổi mới hàng hóa nông sản. Bảo đảm hàng hoá, nguồn cung xăng dầu nhằm góp phần kiểm soát tốc độ CPI. Phát triển hạ tầng thương mại đặc biệt là thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới.

Trong chỉ đạo với Vụ Thị trường trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ việc sửa đổi các nghị định 95 và 83 liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu. Theo đó, Bộ đã xây dựng kế hoạch mà các cấp thẩm quyền cho phép, thành lập ban soạn thảo, biên tập và cũng lấy ý kiến của bộ ngành cơ quan các địa phương, các chuyên gia, ý kiến của tổ chức trong hệ thống kinh doanh xăng dầu. Bộ trưởng yêu cầu cần phải khắc phục một cách triệt để những nội dung không phù hợp với hoạt động kinh doanh xăng dầu. Cần làm rõ hơn trách nhiệm các bên, các tiêu chí tiêu chuẩn, điều kiện các tổ chức trong hệ thống kinh doanh xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối đến thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý phải rõ ràng. Xây dựng được cơ chế kiểm tra giám sát chặt chẽ tránh hiện tượng “đầu voi đuôi chuột”.

Bộ trưởng cũng yêu cầu đơn giản các thành tố trong hệ thống kinh doanh xăng dầu 5 cấp thành 2-3 cấp. Cơ chế rà soát cập nhật chi phí định mức và phát sinh cần thể hiện rõ, cập nhật các chi phí đầu vào để tránh lỗ, sát hơn với diễn biến của thị trường.

Hùng KHCN
Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ

Ông Lý Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, Vụ sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ tập trung thực hiện các nhiệm vụ như: đơn giản hóa các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành thông qua cổng thông tin điện tử quốc gia; hướng dẫn và đẩy mạnh hoạt động thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá giữa các tổ chức trong và ngoài nước; tiếp tục phối hợp với các đơn vị rà soát về nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện pháp luật về kiểm tra chuyên ngành nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật cũng như đáp ứng thực tiễn quản lý.

Về các nhiệm vụ của Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng đề nghị, Vụ phải yêu cầu các đơn vị được giao kế hoạch 2023 phải trình những phương án khả thi để thực hiện nhiệm vụ, các đề tài nghiên cứu và quản lý sau nghiên cứu cần mang lại hiệu quả thiết thực cho ngành cho Bộ.

Tăng cường kiểm tra các mặt hàng chiến lược

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết liên quan đến quản lý thị trường, đáng quan tâm có 3 chỉ tiêu đó là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng của tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nội địa và tốc độ tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử với mức cao.

Linh QLTT
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường

Theo ông Trần Hữu Linh, trong bối cảnh gian lận thương mại trong môi trường thương mại điện tử còn cao có trách nhiệm đấu tranh rất lớn của lực lượng quản lý thị trường. Ngày 12/1/2023 lực lượng cũng đã ban hành Kế hoạch công tác và giao nhiệm vụ cụ thể cho 69 đơn vị đầu mối của Cục.

Chỉ đạo nhiệm vụ với lực lượng quản lý thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý cần tiếp tục siết kỷ cương, trách nhiệm người đứng đầu trong thực thị chức trách nhiệm vụ. Thời gian trước, trong và sau Tết, vấn đề liên quan đến lực lượng quản lý thị trường là rất quan trọng liên quan cả hình thức thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Cần tăng cường kiểm tra các mặt hàng chiến lược nhất là mặt hàng xăng dầu. Lực lượng cần mở chiến dịch cao kiểm tra kinh doanh xăng dầu từ sản xuất đến phân phối. Bộ trưởng sẽ có Công điện về vấn đề này.

Sơn - Dầu khí
Ông Dương Mạnh Sơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Dương Mạnh Sơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cho biết, trên tinh thần kết quả của năm 2022, Tập đoàn sẽ cố gắng thực hiện 6 giải pháp để đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm 2023.

Về sản xuất xăng dầu, với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Tập đoàn sẽ phối hợp chặt chẽ thực hiện tái cấu trúc cũng như cung cấp tín dụng để bảo đảm có nguồn lực hoạt động. Đối với Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn, Tập đoàn đã và đang duy trì sản xuất cao. Năm 2023, Tập đoàn sẽ tập trung vào một số nội dung đặc biệt quan trọng. Trong đó, bảo đảm tuyệt đối an toàn kể cả khai thác dầu khí và nhà máy lọc dầu, sản xuất phân đạm… 

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cần quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc vấn đề nào đúng thì làm, chưa đúng đề nghị sửa, nếu cứ làm hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Nếu thấy làm không hiệu quả thì không làm. Mỏ khí lớn ngoài khơi cần khai thác nhưng khai thác giá thành cao, có nhiều bất cập thì có nên khai thác hay không, mà hiệu quả cần phải đúng pháp luật.

Cần nhiều hơn nữa sự phối hợp nhịp nhàng, trách nhiệm và hiệu quả

Bộ trưởng Diên
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, Nghị quyết 01 trong đó thể hiện rất rõ những đề án, nhiệm vụ, 9 nhóm giải pháp và hơn 50 nhiệm vụ. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, để thực hiện nghiêm Chương trình hành động, cần tập trung vào các vấn đề.

Thứ nhất, các đồng chí Thứ trưởng, các đồng chí lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ, người đứng đầu ngành Công Thương các địa phương căn cứ vào trách nhiệm của mình khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện; đặc biệt đề cao trách nhiệm. Thứ trưởng phục trách lĩnh vực phân công phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng. Kết quả thực hiện thể hiện mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cá nhân, tổ chức, đơn vị là căn cứ để xét loại thi đua.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, thực hiện chủ trương của Đảng, đối chiếu với thực tiễn cuộc sống để đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách hiện hành hoặc ban hành cơ chế chính sách mới, tạo ra những đột phá cho từng lĩnh vực, từng ngành.

Thứ ba, là rút kinh nghiệm trong cơ chế phối hợp mấy năm vừa qua tuy đã có rất nhiều nỗ lực của mỗi đơn vị, cá nhân nhưng cần nhiều hơn nữa sự phối hợp nhịp nhàng, trách nhiệm và hiệu quả của các tổ chức, đơn vị, cá nhân. Khai thác, phát huy vai trò năng lực của các cá nhân, tổ chức để thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng trong phân công trách nhiệm, kiểm tra giám sát và vấn đề nêu gương. Nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu các cấp trong thực thi công việc.

Hoàng Phương