Forbes Kazakhstan, ấn bản của tạp chí Forbes tại Kazakhstan, viết rằng, Việt Nam có thể được coi là câu chuyện đầu tư và kinh tế thú vị nhất vào năm 2023. Theo các chuyên gia, đến năm 2036, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á chỉ đứng sau Indonesia, và xếp thứ 20 thế giới.
Chuyên gia Andrew Huntley, Giám đốc điều hành công ty tư vấn đầu tư BDA Partners cho rằng tiêu dùng nội địa, xuất khẩu cùng sự phục hồi của ngành du lịch là yếu tố tích cực góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng. Ông cho rằng động lực của sự phục hồi là tiêu dùng tăng khoảng 14%, mức tăng trưởng cao và đóng góp lớn vào mức tăng trưởng GDP hơn 8%. Không chỉ tiêu dùng nội địa tăng mạnh, xuất khẩu trong năm 2022, cũng phục hồi tương tự với mức tăng 13%, trong đó xuất khẩu trong lĩnh vực sản xuất đóng góp nhiều nhất và là động lực lớn nhất.
Ngoài phục hồi sau đại dịch COVID-19, Việt Nam cũng có yếu tố tích cực khác, như việc ký kết các thỏa thuận thương mại mới với Liên minh châu Âu (EU), Anh, Canada, góp phần quan trọng cho mức tăng trưởng khá mạnh vào năm 2022 cho Việt Nam.
Nhận định tình hình năm 2023, ông Andrew Huntley đánh giá Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tầm trung phát triển nhanh nhất toàn cầu với mức tăng trưởng kinh tế 6%. Mặc dù không cao bằng mức tăng trưởng năm 2022, tỷ lệ trên vẫn tương đương mức tăng trưởng mạnh mà Việt Nam ghi nhận trong giai đoạn trước khi dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2019.
Cùng chung quan điểm này, bà Antoinette Sayeh, Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có thành tích tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng với những chính sách phù hợp về tài khóa, tiền tệ, đầu tư công, kiểm soát lạm phát, linh hoạt trong chính sách tỷ giá…
Bà cũng khẳng định: “IMF tiếp tục ghi nhận, chia sẻ những kinh nghiệm từ sự phát triển của Việt Nam với các quốc gia khác; luôn nỗ lực hết sức để cung cấp các tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam duy trì và phát huy được những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua”.
Tờ báo South China Morning Post dẫn ý kiến của một chuyên gia kinh tế Trung Quốc nhận định các ngành công nghiệp từ nước này sẽ dịch chuyển sang Đông Nam Á khi khoảng cách phát triển kinh tế giữa Trung Quốc và các nước láng giềng gia tăng. Chuyên gia này nói thu nhập bình quân của Việt Nam bằng khoảng 1/10 của Trung Quốc, thế nên việc dịch chuyển này là “không thể tránh khỏi”.
Đầu năm 2023, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và YouGov Decision Lab vừa phối hợp công bố kết quả khảo sát mới nhất Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) với hơn 1.300 doanh nghiệp. Số liệu cuộc khảo sát cho thấy, có 41% số người được hỏi khẳng định công ty của họ đang chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam, tăng từ 13% trong quý 3.
Ngoài ra, khoảng 35% số người được hỏi cho rằng Việt Nam thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu, với 12% cho rằng Việt Nam là điểm đầu tư quốc tế hàng đầu của công ty họ. Chủ tịch EuroCham Alain Cany, EuroCham nhận định, cơ hội kinh tế của Việt Nam tiếp tục vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, khi nhiều thành viên của EuroCham vẫn coi Việt Nam là trung tâm trong chiến lược đầu tư toàn cầu của mình.
Ông Cany chỉ rõ, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ châu Âu và trên toàn thế giới vẫn ở mức cao và tiếp tục tăng, đặc biệt là trong các ngành sản xuất và công nghiệp xanh của Việt Nam.
Bàn về những lợi ích mà EVFTA đã mang lại, nhiều doanh nghiệp EU cho rằng, hiệp định đã giúp tiết kiệm chi phí nguyên liệu do được miễn thuế nhập khẩu; khách hàng được hưởng lợi từ việc giảm thuế nên có xu hướng đặt hàng tại Việt Nam; các nhà đầu tư sản xuất có thể bắt đầu hoạt động tại Việt Nam dễ dàng hơn.
Trong khi đó, ông Jonathan Pincus - chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao của UNDP nhấn mạnh, tăng trưởng xuất khẩu vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn.
Nhận định của các chuyên gia và tổ chức quốc tế trên cho thấy, Việt Nam sẽ trở thành câu chuyện kinh tế thú vị trong năm 2023 này.