Phế liệu từ Nhật, Hàn, Mỹ về Việt Nam
Mới đây, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan đã tổ chức họp báo chuyên đề về công tác quản lý hải quan đối với phế liệu nhập khẩu. Thông tin với báo chí, Tổng Cục Hải quan cho biết, trong nửa đầu năm 2018, cả nước đã nhập khoảng 4 triệu tấn phế liệu các loại.
Trong đó, lượng nhập khẩu nhựa phế liệu là 277.000 tấn, giấy phế liệu là 1,06 triệu tấn, sắt thép phế liệu là 2,7 triệu tấn. Tổng giá trị nhập khẩu khẩu phế liệu trong 6 tháng đầu năm là 1,2 tỷ USD, nghĩa là mỗi tháng người Việt nhập khẩu 200 triệu USD phế liệu.
Thông tin tại buổi họp báo, đại diện Tổng Cục Hải quan cho biết, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở nước ta có chiều hướng gia tăng mạnhTrước đó, trong năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 5,5 triệu tấn phế liệu với trị giá 1,8 tỷ USD; năm 2016 là 4,9 triệu tấn với trị giá gần 1 tỷ USD.
Trong các quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu nhiều phế liệu nhất, nổi bật là Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc. Các mặt hàng phế liệu nhập khẩu là nhựa phế liệu, giấy phế liệu và sắt thép phế liệu.
Trong mặt hàng nhựa phế liệu, 24,8% có xuất xứ từ Nhật Bản; 14% từ Mỹ; 12,6% từ Hàn Quốc; 9,3% có xuất xứ từ Thái Lan; 7,2% từ Hàn Quốc…
Về mặt hàng phế liệu giấy, nguồn nhập khẩu lớn nhất cũng là Nhật Bản (39,6%), Anh (17,3%), Hà Lan (4,3%), Hàn Quốc (3,6%)…
Trong 2,7 triệu tấn sắt thép phế liệu, nguồn nhập khẩu lớn nhất là Nhật Bản (29,7%), Mỹ (18,7%), Hong Kong (12,2%), Australia (7,7%), Trung Quốc (7,3%)…
Như vậy, tính chung cả 3 loại phế liệu, nguồn nhập khẩu nhiều nhất của Việt Nam là Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc. Mỗi tháng, trung bình người Việt bỏ ra khoảng 97,7 triệu USD để nhập khẩu phế liệu từ 3 nước này.
Thống kê giá trị nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam từ 2016 đến nayCùng với đó, số lượng doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu cũng thay đổi theo từng năm. Cụ thể, nhựa phế liệu năm 2016 có 137 doanh nghiệp, năm 2017 là 96 doanh nghiệp và trong 6 tháng đầu năm 2018 là 90 doanh nghiệp. Giấy phế liệu năm 2016 là 103 doanh nghiệp, năm 2017 là 86 và 6 tháng đầu năm 78 doanh nghiệp; Sắt phế liệu năm 2016-2017 đều là 84 doanh nghiệp và 6 tháng đầu năm là 72 doanh nghiệp.
Khó trong việc đối chiếu doanh nghiệp được phép nhập khẩu
Thời gian qua, sau khi Trung Quốc thực hiện chính sách cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở nước ta có chiều hướng gia tăng mạnh, có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống gây bức xúc trong dư luận.
Tuy nhiên, nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nên doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan hoặc không được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan dẫn đến tình trạng có một lượng lớn các loại phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam.
Ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan biết, về phế liệu tồn đọng tại một số các cảng biển lớn của Việt Nam cho thấy, cảng Cát Lái có lượng tồn đọng lớn nhất cả nước. Cụ thể, tính đến ngày 25/7/2018, tại cảng Cát Lái tổng số container tồn là 3.579 container, trong đó số container tồn từ 30 - 90 ngày là 594 container, quá 90 ngày là 2.423 container; số container còn lại là chưa quá 30 ngày.
Tương tự, số container tồn tại cảng Hải Phòng tính đến ngày 5/7/2018 là 1.485 container (trong đó 1.342 container là phế liệu nhựa, tăng thêm 228 container so với ngày 5/6/2018). 632 container từ 30 - 90 ngày; 853 container quá 90 ngày.
Trả lời báo chí về trách nhiệm của cơ quan hải quan trong việc để xảy ra tình trạng nhập lậu phế liệu tràn lan vào Việt Nam, ông Mai Xuân Thành cho rằng cơ quan này chỉ là đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm soát thông quan. Trong khi việc cấp phép nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam là thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).
Trong khi đó, rất khó để phát hiện ngay được doanh nghiệp nào là doanh nghiệp thực sự được Bộ TN&MT cấp giấy chứng nhận trong nhập khẩu nguyên liệu phế liệu để sản xuất. Cơ quan hải quan không đối chiếu được theo Thông tư 41 do chỉ có giấy bản sao chứng thực và bản phô tô giấy mua bán lô hàng để kiểm tra thông quan.
“Tổng cục Hải quan đang kiến nghị Bộ TN&MT công bố danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu trên cổng thông tin mở cửa quốc gia để cơ quan hải quan có đủ tư liệu đối chiếu”, ông Thành cho biết.
Nhằm đảm bảo vệ môi trường, không để Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới, không tốn kém chi phí tiêu hủy đối với hàng hóa là phế liệu, chất thải đưa vào lãnh thổ nhưng không có người nhận, Bộ Tài chính đã có văn bản chỉ đạo hướng dẫn các địa phương thực hiện biện pháp siết chặt phế liệu nhập khẩu trong đó có biện pháp ngăn chặn từ xa khi hàng hóa vẫn còn trên tàu.
Theo đó, cơ quan Hải quan sẽ thông báo cho các hãng tàu về việc không cho phép dỡ hàng có thông tin trên bản lược khai hàng hóa là chất thải và yêu cầu rời khỏi lãnh thổ Việt Nam. Hàng phế liệu có người nhận là doanh nghiệp không thuộc danh sách được xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu cũng không được dỡ hàng xuống cảng. Đối với hàng hóa là phế liệu tồn đọng tại các cảng quá 90 ngày, kể từ ngày đến cửa khẩu nhưng không có người đến nhận, chủ phương tiện vận tải phải vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam.