Ngày 2/8/2018, tại Hà Nội, Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã chính thức được diễn ra. Báo cáo tại Hội nghị, ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục QLTT cho biết, tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu tuy không còn công khai như trước đây nhưng vẫn diễn biến phức tạp, tập trung tại địa bàn các tỉnh biên giới Tây Nam (Long An, An Giang…), biên giới miền Trung (Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An…), biên giới phía Bắc (Quảng Ninh, Lạng Sơn…).
Hàng hóa vi phạm tập trung chủ yếu các mặt hàng như: rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, đường ăn, xăng dầu, thuốc lá điếu, gia cầm, vải, quần áo may sẵn, mỹ phẩm, thực phẩm, hàng điện tử, pháo nổ, đồ chơi bạo lực… Đáng chú ý, Khu vực biên giới các tỉnh Tây Nam bộ hoạt động vận chuyển tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại, đường cát diễn biến phức tạp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội nghịTình hình gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, các hành vi gian lận chủ yếu là: quay vòng hoá đơn để hợp thức hoá hàng lậu; kê khai giá trên hoá đơn bán hàng để giảm thuế giá trị gia tăng; gian lận về đo lường, chất lượng xăng dầu, phân bón, sang chiết gas trái phép; sản xuất hàng hoá chưa được phép lưu hành, sử dụng phương tiện không có tem kiểm định...
Đáng chú ý, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn phức tạp, tình hình kinh doanh thực phẩm có chứa chất phụ gia không được phép sử dụng vẫn tồn tại và rất khó truy xuất nguồn gốc; hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng là lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn diễn ra khá phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn sức khoẻ người tiêu dùng. Trong 6 tháng, lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý 4.663 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt 11,2 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ trên 8,9 tỷ đồng, Cục trưởng Cục QLTT cho biết thêm.
6 tháng đầu năm, tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu tuy không còn công khai như trước đây nhưng vẫn diễn biến phức tạpCùng với đó, lực lượng QLTT cũng đã triển khai nhiều đoàn công tác để chỉ đạo, đôn đốc xử lý một số vụ việc vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nổi cộm, bước đầu tạo được uy tín trong dư luận xã hội, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu các đối tượng công khai sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Điển hình như vụ việc sản phẩm VINACA giả thuốc chữa bệnh, khăn lụa Khaisilk, mỹ phẩm TS đã chuyển cơ quan công an để điều tra hình sự. Kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hệ thống cửa hàng MUMUSO; kiểm tra một số doanh nghiệp kinh doanh đường nhập lậu, giả mạo xuất xứ hàng hoá tại Kiên Giang, Long An, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế; kiểm tra, xử lý vi phạm đối với mỹ phẩm - thực phẩm chức năng Thanh Mộc Hương; kiểm tra, xác minh dấu hiệu vi phạm đối với sản phẩm nhãn hiệu CONCUNG…
Đánh giá về kết quả hoạt động của lực lượng QLTT trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao công tác thanh tra kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT trong 6 tháng vừa qua. Lực lượng QLTT cả nước đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Bộ Công Thương, Đảng, Nhà nước giao phó, có tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại.
Tuy nhiên, vẫn còn những mặt hạn chế, đó là kinh phí cho việc tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với hàng hoá là thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất độc hại, động, thực vật và sản phẩm có nguồn gốc động, thực vật ở dạng tươi sống, sơ chế có nguy cơ cao về dịch bệnh, an toàn thực phẩm và khó khăn trong việc lưu giữ, bảo quản. Nhiều Chi cục, Đội Quản lý thị trường không có kho chuyên dụng để bảo quản tang vật, phương tiện chờ xử lý vi phạm. Trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ còn thiếu, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trong 6 tháng cuối năm, bên cạnh thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường theo kế hoạch, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải yêu cầu, lực lượng QLTT cần tăng cường triển khai cao điểm kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố trước, trong và sau Tết nguyên đán 2019. Đồng thời đề nghị, các Đội QLTT có địa bàn giáp ranh với các tỉnh cần tăng cường công tác nắm tình hình, theo dõi các luồng tuyến, nhằm đấu tranh có hiệu quả công tác chống vận chuyển, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại... nhất là với mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu, pháo nổ, đường cát...