Người Việt Nam ai cũng biết Quốc ca do nhạc sỹ tài năng Văn Cao sáng tác, nhưng rất ít người biết ai là người đã sáng tạo, đã nghĩ ra biểu tượng Quốc kỳ.
Năm 1925, khi sáng lập tờ báo Thanh niên ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn ái Quốc đã lấy ngôi sao năm cánh làm biểu tượng. Khi Bác Hồ bị giam hãm trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch (năm 1942), trong bài thơ Không ngủ được, có câu:
“Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”
Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, Chính quyền về tay nhân dân, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên khắp mọi miền đất nước. Thực ra, lá cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện lần đầu tiên tại cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23-11-1940. Năm 1941, khi về nướ, Bác Hồ đã mang theo lá cờ đỏ sao vàng. Mặt trật Việt Minh được thành lập ngày 19/5/1945, Đại hội quốc dân được họp tại Tân Trào đã quyết định lấy cờ đỏ sao vàng làm cờ khởi nghĩa.
Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946) đã ghi rõ: Quốc kỳ của dân tộc là cờ đỏ sao vàng. Từ điểm mốc lịch sử ấy, cờ đỏ sao vàng đã trở thành biểu tượng, linh hồn của dân tộc; đồng thời là một di sản văn hóa vĩnh hằng mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Tìm ra tác giả của Quốc kỳ là công lao của nhà văn Sơn Tùng. Nhà văn Sơn Tùng đã có lần hỏi Bác về điều mình vẫn canh cánh từ lâu, nhưng vẫn không biết ai là tác giả Quốc kỳ. Năm 1968, ở chiến trường Đông Nam Bộ, nhà báo Sơn Tùng bị thương được đưa về chữa tại bệnh viện Bà Thuý Ba trong một cánh rừng. Tình cờ Sơn Tùng nằm cạnh một lão thành cách mạng, hoạt động từ thời tiền khởi nghĩa, đó là ông Năm Thái. Ông Năm Thái cho biết, chính ông là người in hàng ngàn lá cờ đỏ sao vàng từ hồi đầu năm 1940, theo bản vẽ của ông Hai Bắc Kỳ. Ông Năm Thái cho biết: Ông Hai Bắc Kỳ là ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, phụ trách cơ quan ấn loát. Còn ông Hai Bắc Kỳ tên thật là gì ông không biết. Ông Hai Bắc Kỳ đã bị giặc Pháp bắt cùng bà Nguyễn Thị Minh Khai hồi tháng 8-1940. Sau đó, bị bọn Pháp mang ra xử bắn tại HoócMôn cùng Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần...
Năm 1975, sau ngày miền Nam được giải phóng, Sơn Tùng đã đi về những nơi đã từng chiến đấu, nhằm tìm hiểu về tung tích ông Hai Bắc Kỳ, nhưng phải đến lần thứ hai (năm1976), lần dò theo những dấu vết rất mong manh, Sơn Tùng tìm về Bạc Liêu và được biết: Ông Hai Bắc Kỳ chính là thầy giáo Hoài ở ấp Long Điền Tây. Ông Hai Bắc Kỳ vượt ngục từ Côn Đảo về đây, bắt liên lạc với Đảng. Từ Bạc Liêu, ông Hai Bắc Kỳ về Châu Đốc, may mắn cho nhà văn Sơn Tùng khi về Châu Đốc, xã Phú Thuận, nhiều người biết đã kể về ông Hai Bắc Kỳ. Cho đến lúc này, toàn bộ thông tin về người vẽ lá Quốc kỳ vẫn chỉ dừng lại ở ông Hai Bắc Kỳ, với nhiều tư liệu về giai đoạn hoạt động cách mạng của ông ở Nam Bộ, tên thật của ông thế nào vẫn còn là bí ẩn!
Sơn Tùng lên Đà Lạt đi lục tìm hàng ngàn tư liệu lưu trữ tại văn khố Đà Lạt. Thật may mắn, ông đọc được công văn số 4685-S đề ngày 2/8/1940 của Chánh mật thám Đông Dương P. Amoux gửi mật thám toàn cõi Đông Dương, thống báo về việc bắt được Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Thị Minh Khai. Nguyễn Hữu Tiến chính là thầy giáo Hoài tức Trương Xuân Trinh, tức Hai Bắc Kỳ. Theo công văn của Chánh mật thám Đông Dương thì ông Nguyễn Hữu Tiến là yếu nhân cộng sản tham gia cải tổ Đảng cộng sản Đông Dương, bị tòa án thượng thẩm Hà Nội xử ngày 6/6/1932, kết án 20 năm khổ sai đầy đi Côn Đảo.
Năm 1936, Nguyễn Hữu Tiến vượt ngục Côn Đảo thành công, về hoạt động ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sau đó hoạt động ở Sài Gòn và là ủy viên thường vụ Xứ ủy phụ trách tuyên truyền.
Lần theo bài thơ Từ biệt mà ông Hai Bắc Kỳ trước khi bị xử bắn gửi lại cho anh em, ông Năm Thái còn thuộc, có câu: án chém Hà Nam đã rũ sạch, nhà văn Sơn Tùng trở về Hà Nam được biết Nguyễn Hữu Tiến là người sáng lập ra Đảng bộ Hà Nam, bị kết án khổ sai, đầy đi Côn Đảo rồi mất tích. Nguyễn Hữu Tiến quê ở làng Lũng Xuyên, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên.
Tác giả lá Quốc kỳ hôm nay chính là Nguyễn Hữu Tiến - là một lão thành cách mạng tiền bối, quê ở Hà Nam./.