Khoản 6 Điều 91 Luật Đất đai 2024 quy định:
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư để bảo đảm chủ động trong việc bố trí tái định cư cho người có đất thu hồi. Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất.
Theo đó, việc phê duyệt phương án cũng như thực hiện bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi thu hồi đất, tức là, tái định cư phải đi trước một bước.
Thay vì như hiện nay, chỉ cần hoàn thành xây dựng nhà ở/cơ sở hạ tầng của khu tái định cư thì sẽ được ra quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày (theo điểm a khoản 3 Điều 69, khoản 3 Điều 85 Luật Đất đai 2013).
Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2024 cũng quy ưu tiên vị trí tái định cư thuận lợi cho người có đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ. Đây là quy định hoàn toàn mới so với hiện nay.
Cụ thể, khoản 7 Điều 111 Luật Đất đai 2024 quy định: Ưu tiên vị trí thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở kết hợp với kinh doanh dịch vụ, người có đất thu hồi là người có công với cách mạng.
Như vậy từ ngày 1/8/2024 khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, người đang sử dụng đất ở kết hợp với kinh doanh dịch vụ bị thu hồi đất sẽ được ưu tiên bố trí tái định cư ở vị trí thuận lợi.
Theo khoản 2 Điều 110 Luật Đất đai 2024, khu tái định cư phải đảm bảo các điều kiện. Cụ thể, điều kiện về hạ tầng kỹ thuật: Tối thiểu phải đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (đối với khu vực nông thôn)/tiêu chuẩn đô thị (đối với khu vực đô thị), trong đó đảm bảo: Đường giao thông bảo đảm kết nối với khu vực lân cận, điện chiếu sáng và điện sinh hoạt, hệ thống cấp, thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý môi trường;
Hạ tầng xã hội: Đảm bảo khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, chợ, thương mại, dịch vụ, vui chơi, giải trí, nghĩa trang;
Phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền.
Đánh giá về việc an cư của người dân sau khi thu hồi đất, TS. Nguyễn Văn Tiến, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhiều năm qua, việc người dân phải “ra khỏi nhà” khi chưa có nhà ở mới, thậm chí là rất nhiều trường hợp chưa nhận được tiền bồi thường gây nên nhiều bức xúc. Có cảm giác người dân bị ép và Nhà nước chỉ bảo vệ chủ đầu tư.
Đứng dưới góc độ của người dân, họ đang có nhà có đất, có nơi sinh sống ổn định nhưng vì nhu cầu thu hồi đất nên buộc phải di dời đến chỗ khác. Nếu việc thực hiện tái định cư được thực hiện sau khi thu hồi đất sẽ gây nên rất nhiều khó khăn cho người dân. Đầu tiên là khó khăn cho họ trong việc buộc phải tìm kiếm chỗ ở mới, nhiều trường hợp số tiền bồi thường họ nhận được không đủ để mua một nơi ở mới.
Bên cạnh đó, việc bị thu hồi đất còn làm xáo trộn cả cuộc sống của họ. Trên thực tế, những nơi bị thu hồi đất thường nằm ở những đô thị sầm uất, nơi làm ăn kinh doanh rất thuận lợi. Có những nhà dân nằm ở ngã ba, ngã tư hay ở nơi đông người qua lại, trường học, khu vui chơi... Đây không chỉ là nơi ở mà còn là nơi buôn bán, mưu sinh của họ.
Vì vậy, việc buộc phải di dời khi chưa được tái định cư không chỉ khiến họ chưa có nơi ở mới mà còn mất đi cả “nồi cơm”. Đó là chưa kể khi thay đổi nơi ở mới nó còn là quyền lợi của các thành viên gia đình như môi trường mới, việc học hành, đi lại... hay là nơi gắn liền với những thói quen, kỷ niệm của họ.
Do đó, việc sắp xếp chỗ ở tái định cư cho dân trước khi thu hồi đất giúp họ ổn định chỗ ở, nhanh chóng hòa nhập với nơi ở mới cũng như sắp xếp lại công việc.