Ấn Độ khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép cuộn cán nóng Việt Nam

Ấn Độ vừa khởi xướng vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Việt Nam dựa trên đề nghị của Hiệp hội Thép Ấn Độ.

Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 14/8/2024, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) đã khởi xướng vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Việt Nam.

Ấn Độ điều tra chống bán phá giá với thép cuộn cán nóng Việt Nam
Ấn Độ khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép cuộn cán nóng Việt Nam

Ấn Độ cáo buộc sản phẩm thép Việt Nam bán phá giá, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước

Theo thông báo của Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ, quyết định điều tra được đưa ra dựa trên đề nghị của Hiệp hội Thép Ấn Độ.

Sản phẩm bị điều tra là thép cuộn cán nóng hợp kim hoặc không hợp kim; không phủ, không mạ hoặc tráng, có độ dày lên đến 25mm và chiều rộng lên đến 2100 mm thuộc các mã HS: 7208; 7211; 7225; 7226. Sản phẩm bị điều tra không bao gồm thép cuộn không gỉ cán nóng.

Thời kỳ điều tra: (i) thời kỳ điều tra bán phá giá: 01/01/2023 - 31/3/2024 (15 tháng); (ii) thời kỳ điều tra thiệt hại: 01/4/2020 - 31/3/2021, 01/4/2021 - 31/3/2022, 01/4/2022 - 31/3/2023 và 01/01/2023 - 31/3/2024.

Nguyên đơn là JSW Steel Limited and ArcelorMittal Nippon Steel India Limited đề xuất sử dụng các mã kiểm soát sản phẩm làm cơ sở so sánh giá. DGTR đề nghị các bên liên quan bình luận về phạm vi sản phẩm cũng như các mã kiểm soát sản phẩm được đề xuất trong vòng 15 ngày kể từ ngày khởi xướng.

Các nhà sản xuất thép Ấn Độ cáo buộc rằng sản phẩm thép Việt Nam được nhập khẩu với giá bán phá giá và gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước; đồng thời cho rằng không có sự khác biệt đáng kể nào giữa sản phẩm do họ sản xuất và sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam và yêu cầu áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam.

Các sản phẩm thép cuộn cán nóng trong diện điều tra của Ấn Độ lần này thường được sử dụng trong công nghiệp ô tô, đường ống dẫn dầu và khí đốt/thăm dò, sản phẩm thép cán nguội, sản xuất ống, kỹ thuật và chế tạo nói chung, thiết bị xử lý xi măng, phân bón, nhà máy lọc dầu, chuyển động trái đất,...

Cục Phòng vệ thương mại cho biết, các thông tin liên quan cần gửi tới DGTR theo các email: jd120dgtr@gov.in; ad12-dgtr@gov.in; adv11-dgtr@gov.in; consultant-dgtr@govcontractor.in trong vòng 30 ngày kể từ ngày bản đơn kiện công khai được chuyển tới cơ quan đại diện ngoại giao của nước xuất khẩu. Trong trường hợp không nhận được thông tin trong thời hạn và theo thể thức quy định, DGTR sẽ sử dụng thông tin có sẵn để ra kết luận vụ việc.

Thông tin chi tiết về hàng hóa bị điều tra, hàng hóa tương tự, ngành sản xuất trong nước, nước bị điều tra, giai đoạn điều tra, cáo buộc bán phá giá, cáo buộc về thiệt hại và mối quan hệ nhân quả, kiến nghị áp dụng hồi tố, khởi xướng điều tra, quy trình thủ tục, quy định về nộp thông tin, các thời hạn cung cấp thông tin, quy trình bảo mật thông tin, quy định về cung cấp thông tin công khai, quy định về việc không hợp tác đề nghị xem tại Thông báo khởi xướng điều tra.

Doanh nghiệp chủ động phối hợp, cung cấp thông tin để nhận được sự hỗ trợ kịp thời

Theo Cục Phòng vệ thương mại, hiện nay, do mới nhận được Thông báo khởi xướng điều tra, Cục đang phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đề nghị DGTR cung cấp thêm các thông tin cần thiết khác để chuyển tới các nhà sản xuất, xuất khẩu liên quan.

Do đó, nhằm kịp thời ứng phó với vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra nghiên cứu kỹ Thông báo khởi xướng điều tra, chủ động đề nghị DGTR cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu cần thiết khác trong giai đoạn này (bao gồm Hồ sơ yêu cầu - bản công khai, Bản câu hỏi điều tra chống bán phá giá).

Thực hiện quyền cung cấp ý kiến bình luận về phạm vi sản phẩm, mã kiểm soát sản phẩm và nộp cho DGTR theo đúng thể thức và thời gian hạn định, đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ về bảo mật thông tin và công bố thông tin công khai cho các bên liên quan khác

Đồng thời, hợp tác đầy đủ, toàn diện với DGTR trong toàn bộ quá trình vụ việc (bao gồm trả lời các bản câu hỏi điều tra, thẩm tra tại chỗ, tham vấn…). Bên cạnh đó, thường xuyên giữ liên lạc, phối hợp, cung cấp thông tin với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Như Tạp chí Công Thương đã đưa tin trước đó, lũy kế 6 tháng đầu năm nay, sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu vào Việt Nam lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước. 

Tại Ấn Độ, Việt Nam hiện nằm trong top 5 nước bán thép nhiều nhất vào quốc gia này. Trong năm tài chính 2023-2024 (từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024), kim ngạch nhập khẩu thép của Ấn Độ từ Việt Nam trị giá 722 triệu USD.

Trong đó, nhập khẩu thép cuộn cán nóng (HRC) và thép tấm từ Việt Nam sang Ấn Độ ở mức 576.000 tấn, tăng khoảng 203% so với mức 190.000 tấn của năm tài chính 2022-2023. Nhưng giai đoạn tháng 4/2021 đến tháng 3/2022, Ấn Độ lại không nhập của Việt Nam, theo dữ liệu của Ủy ban Liên hợp Nhà máy Ấn Độ.

Trước đó, ngày 26/7/2024, Bộ Công Thương Việt Nam cũng đã ban hành Quyết định số 1985/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo đó, việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc sẽ thực hiện theo quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 26/7 vừa qua.

Huyền My