Doanh số tăng 35%, áp dụng chiến lược thả nuôi táo bạo
Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC - sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh ấn tượng ngay trong tháng đầu năm 2025 với sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 2.297 tấn, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2024. Sản lượng sản xuất tôm thành phẩm tăng trưởng 15%, đạt 1.444 tấn.
Trong mảng chế biến nông sản, sản lượng sản xuất thành phẩm ước đạt 45 tấn, bằng 69% so với cùng kỳ năm 2024; sản lượng tiêu thụ giảm 72%, còn 52 tấn.
![Thực phẩm Sao Ta](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/2/7/2025_67a5ac5e4f2ae.jpg)
Kết quả, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh số đạt 25,9 triệu USD trong tháng 1/2025, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cho biết, giữa tháng 1, các trại tôm của công ty đã bắt đầu có tôm thu hoạch, bổ sung nguồn nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy tăng tốc chế biến.
Như Tạp chí Công Thương đã thông tin, trước khi kết thúc năm 2024, Thực phẩm Sao Ta đã thả tôm giống nghịch vụ (thời điểm ít người nuôi, ngoài vụ nuôi chính) cho toàn bộ các ao nuôi. Đây được xem là chiến lược kinh doanh táo bạo của công ty nhằm đạt được giá bán cao khi nguồn cung tôm thương phẩm trên thị trường ở mức thấp, cũng như tận dụng được việc giá thức ăn chăn nuôi ở mức thấp trong giai đoạn thấp điểm, và có thể hạn chế phần nào dịch bệnh thường hay xảy ra ở vụ nuôi chính.
“Có lẽ chưa trại nuôi nào dám làm chuyện này trong mùa nghịch, nếu có thả nuôi cũng chỉ từ 20 - 50% ao nuôi mà thôi”, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta cho biết.
Lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cũng tiết lộ, đến nay, các trại nuôi đều giữ được an toàn và hứa hẹn có “niềm vui mới”.
Năm 2024, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận 6.913 tỷ đồng doanh thu thuần và 423 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 36% và 40% so với năm 2023. Đây cũng là mức lợi nhuận sau thuế cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.
Ông Hồ Quốc Lực chia sẻ năm 2024 là một năm đầy thách thức khi giá tôm thương phẩm tăng cao từ quý III do cung cầu trong nước và giá bán ra thế giới duy trì ở mức trung bình thấp.
Thêm vào đó là áp lực từ hai vụ kiện điều tra thuế chống bán phá giá tôm (AD) và điều tra chống trợ cấp (CVD) của Bộ Thương mại Mỹ. Dù vậy, kết quả sản xuất kinh doanh của Thực phẩm Sao Ta vẫn tích cực khi có sản lượng chế biến và tiêu thụ, kim ngạch xuất khẩu tăng tốt, vượt chỉ tiêu kinh doanh đã đề ra.
"Trong giai đoạn khó khăn, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 25% là rất tốt, gần gấp đôi trung bình ngành (13%), nuôi tôm cũng đạt sản lượng cao nhất. Chỉ có điều lợi nhuận riêng của công ty không như kỳ vọng. Tôm nuôi của Thực phẩm Sao Ta đạt sản lượng tốt trong năm qua nhưng kích cỡ tôm nhỏ, giá thấp và chi phí tăng do phải chăm sóc ao tôm kỹ lưỡng hơn nhằm ngăn ngừa dịch bệnh; dẫn đến giá thành sản phẩm chưa giảm nhiều", Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta thẳng thắn nhìn nhận.
Dự báo xuất khẩu tôm duy trì đà tăng trưởng tích cực
![Giá bán tôm](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/2/7/2025_67a5ab3bbd417.jpg)
Về triển vọng xuất khẩu của toàn ngành tôm Việt Nam năm nay, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định kim ngạch xuất khẩu sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực, chủ yếu nhờ sản lượng gia tăng.
Trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tôm Việt Nam đạt 13%, chủ yếu nhờ sự gia tăng của các loại tôm khác như tôm hùm. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của tôm thẻ chỉ tăng trưởng 8% và tôm sú suy giảm 3%. Mức tăng trưởng của tôm thẻ đến từ việc sản lượng xuất khẩu tăng tới 13% khi nhu cầu tại EU, Mỹ và Nhật Bản được cải thiện; trong khi giá bán trung bình vẫn vẫn thấp hơn 4% so với mức giá của năm 2023.
Mặc dù giá bán tôm thẻ trung bình cả năm 2024 vẫn ở mức thấp nhưng đã có tín hiệu tăng trưởng tích cực tại thị trường Mỹ và Anh trong những tháng cuối năm. Trong khi đó, giá tại thị trường Nhật Bản vẫn đang thấp hơn so với cùng kỳ.
![Thị phần tôm](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/2/7/2025_67a5abca57845.jpg)
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng lưu ý, giá bán của tôm Việt Nam trong năm 2025 sẽ khó có thể tăng cao do mức độ cạnh tranh cao.
Thị phần tôm xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam dự kiến sẽ ổn định nhờ việc cạnh tranh được với các đối thủ Thái Lan ở mảng tôm tẩm bột và hưởng lợi từ mức thuế chống bán phá và chống trợ của các đối thủ cạnh tranh cao hơn Việt Nam.
Bên cạnh đó, sản phẩm tôm Indonesia bị trả về do nhiễm khuẩn. Tính chung 11 tháng năm 2024, Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã từ chối 34 đơn hàng bị nhiễm khuẩn salmonella/nhiễm bẩn, trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 15 đơn hàng.
Trong khi đó, thị phần tôm Việt Nam tại Nhật Bản dự kiến sẽ tăng lên nhờ giá tôm chế biến thấp hơn Thái Lan; đồng thời, chất lượng sản phẩm cao hơn so với Indonesia, Chứng khoán Rồng Việt cho biết.