Áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% cho phân bón: Giải pháp hợp lý và mang lại lợi ích lâu bền

Theo TS. Phùng Hà – Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, việc chuyển mặt hàng phân từ nhóm không chịu thuế GTGT sang chịu thuế GTGT với mức thuế 5% là giải pháp hợp lý và mang lại hiệu quả cho nhiều bên.

Doanh nghiệp phân bón chịu nhiều thiệt thòi

Luật Thuế 71/2014/QH13 (Luật Thuế 71) có hiệu lực từ 1/1/2015. Kể từ khi áp dụng Luật này, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước chịu thiệt khi không được khấu trừ đầu dẫn tới ngành phân bón nội không có động lực để đầu tư đổi mới mạnh mẽ. 

Hiện Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đã và đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV trong tháng 10/2024. TS. Phùng Hà khẳng định: “Việc sửa đổi Luật Thuế 71 sẽ đem lại động lực phát triển cho ngành phân bón trong nước, giúp các doanh nghiệp sản xuất phân bón tăng cường đầu tư đổi mới, giảm giá thành phân bón cho người nông dân”.

TS. Phùng Hà thông tin, theo Luật Thuế GTGT 2008, các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng thuế suất giá trị gia tăng (GTGT) 5%. Việc ban hành Luật 71 có mục tiêu nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ, bao gồm khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước, chủ động nguồn phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp và giảm dần phân bón nhập khẩu.

áp thuế phân bón

“Tuy nhiên, điều đáng tiếc là sau khi Luật Thuế 71 có hiệu lực, các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng, các viện, cơ quan nghiên cứu… hoặc không thực hiện, hoặc không đủ thông tin dữ liệu để chứng minh rằng áp thuế GTGT 5% cho mặt hàng phân bón có lợi hay không chịu thuế có lợi hơn cho nhà sản xuất, cho bà con nông dân. Trên thực tế, Luật Thuế 71 chưa thực sự khuyến khích đầu tư sản xuất phân bón trong nước dù đây là mặt hàng liên quan đến an ninh lương thực” – TS. Phùng Hà nói.

Thống kê cho thấy, các dự án sản xuất phân bón trong nước đang hoạt động đều được xây dựng vào giai đoạn trước năm 2014 - thời điểm phân bón vẫn thuộc diện áp dụng thuế GTGT với mức 5%, trong khoảng 10 năm trước 2024 một loạt các dự án về phân bón được triển khai đầu tư như Đạm Phú Mỹ, Đạm Ninh Bình, nâng công suất Đạm Hà Bắc, DAP số 1, DAP số 2… với tổng công suất lên tới 3,5 triệu tấn. Trong khi đó, từ tháng 1/2015, khi Luật 71 có hiệu lực, tổng các dự án đầu tư mới ngành phân bón được đầu tư chỉ ở mức 370.000 tấn, bao gồm Nhà máy Phân bón Việt Hàn (350.000 tấn/năm), Nhà máy Phân bón kali - SOP Phú Mỹ (20.000 tấn/năm).

Theo các chuyên gia, thực trạng giảm sút đầu tư mới ở ngành ngành phân bón trong nước có các nguyên nhân khác nhau, trong đó có ảnh hưởng không nhỏ từ việc phân bón không phải là mặt hàng chịu thuế GTGT. Nhà đầu tư nhìn thấy việc đầu tư máy móc thiết bị hình thành tài sản cố định và mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nhưng không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư.

Như vậy, doanh nghiệp sản xuất phân bón tại Việt Nam không có cơ hội giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm trong khi phải cạnh tranh với phân bón nhập khẩu (không có thuế GTGT đầu vào nên không bị ảnh hưởng khi đầu ra không thuộc diện chịu thuế GTGT). 

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp và chuyên gia, nền nông nghiệp nước ta cần có những đầu tư mới để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải, xanh hoá hoạt động sản xuất, nâng cao hiệu suất của nhà máy, giúp sản phẩm phân bón có chứng chỉ xanh, góp phần nâng cao giá trị của nông sản Việt Nam xuất khẩu. Tuy nhiên nếu không thuộc diện chịu thuế GTGT, các chi phí đầu tư trang  thiết bị, công nghệ mới cho sản xuất không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nên sẽ dồn hết vào giá thành sản phẩm, khiến khó cạnh tranh với phân bón nhập khẩu ngay trước mắt.

Nghiên cứu của Dự án “Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam” do USAID phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện và được công bố tại hội thảo tổ chức tại Đại học Ngoại thương vào tháng 10 năm 2024 cho thấy, “khi được áp thuế giá trị gia tăng đầu ra, doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, từ đó giảm áp lực khi đầu tư, sửa chữa máy móc thiết bị, đầu tư công nghệ mới, xanh hóa sản xuất (thông thường thuế giá trị gia tăng đầu vào khoảng 10%). 

Khi phân bón vào diện chịu thuế GTGT, sản xuất phân bón trong nước sẽ được khấu trừ phần thuế GTGT đầu vào, giúp cạnh tranh bình đẳng với phân bón nhập khẩu cũng đã được khấu trừ thuế GTGT ở nước họ vì là hàng xuất khẩu. Điều này tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, góp phần thúc đẩy bền vững của ngành sản xuất phân bón trong nước.

TS. Phùng Hà nêu: “Theo Luật Thuế 71, doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào. Từ năm 2020 đến nay các đơn vị thành viên của Hiệp hội hoặc không tính toán hoặc không cập nhật số liệu về Hiệp hội nên chúng tôi chỉ có số liệu của năm 2020 về trước”.

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (bao gồm các doanh nghiệp sản xuất urea, DAP, supe lân, lân nung chảy, NPK) không được khấu trừ khoảng 400-650 tỉ đồng mỗi năm. Riêng 2 doanh nghiệp sản xuất phân bón urea của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từ 500-650 tỉ đồng mỗi năm.

Cụ thể hơn, theo số liệu thống kê của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, số thuế giá trị không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp năm 2018 của một số đơn vị như sau: Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc trên 141 tỉ đồng, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao 142 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình 113 tỉ đồng...

Số liệu của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo), khoản thuế GTGT đầu vào của PVFCCo năm 2016 là 284 tỉ đồng; năm 2017 là 371 tỉ đồng; năm 2018 là 518 tỉ đồng; năm 2019 là 358 tỉ đồng; năm 2020 là 326 tỉ đồng.

Theo một công bố, ước tính quy mô ngành phân bón Việt Nam ở mức hàng trăm nghìn tỉ đồng/năm và tỷ lệ thuế toàn ngành không được khấu trừ ở mức 5% thì các đơn vị toàn ngành gánh chịu vài nghìn tỉ đồng/năm.

Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho phân bón nội 

TS. Phùng Hà thông tin, gần đây nhất, dựa trên số liệu từ báo cáo tài chính niêm yết của 9 công ty phân bón (Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ, Đạm Hà Bắc, DAP Hải Phòng, Phân bón Bình Điền, Supe Lâm Thao, Phân lân Văn Điển, Phân lân Ninh Bình, Phân bón miền Nam) với đại diện của các chủng loại phân bón (urea, DAP, lân, NPK) hiện đang chiếm thị phần khoảng 60% tổng sản lượng sản xuất trong nước, Dự án “Tăng cường Năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam” đã công bố nhiều con số chi tiết.

Đó là, thuế GTGT đầu vào sản xuất phân ure là 9,3%; NPK là 6,4%; phân DAP là 8,1% và phân lân là 7,7%.

áp thuế phân bón
Sửa đổi Luật Thuế 71 sẽ đem lại động lực phát triển cho ngành phân bón trong nước

Cụ thể, khi phân bón là đối tượng không chịu thuế GTGT, giá vốn bao gồm cả phần thuế GTGT đầu vào so với doanh thu chiếm 78%. Nhưng nên phân bón là đối tượng chịu thuế GTGT 5% tỷ trọng giá vốn/doanh thu chỉ còn khoảng 71-73% (tùy từng loại phân bón).

Như vậy, nếu áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với mặt hàng phân bón, giá bán thành phẩm của phân ure có dư địa giảm 2,0%; phân DAP có dư địa giảm 1,13%; với phân lân có dư địa giảm 0,87%. Riêng sản xuất phân NPK giá bán thành phẩm có thể tăng 0,09%.

Với những doanh nghiệp nhập khẩu phân bón, giá bán sản phẩm có thể tăng 5%, do không có thuế đầu vào để khấu trừ.

Tuy nhiên, tổng nhu cầu trong nước về phân bón vô cơ là khoảng 10 triệu  tấn trong đó sản xuất nội địa đáp ứng được từ 6,5 - 7  triệu tấn chiếm xấp xỉ 70% nhu cầu nên xét về tổng thể nông dân và ngành trồng trọt vẫn có lợi khi thuế GTGT với phân bón là 5%.

Theo tính toán của Dự án đã nêu trên, về phía Nhà nước, nếu thuế áp dụng thuế giá trị gia tăng 5%, sẽ tăng thu ngân sách thêm 1.541 tỷ đồng, do thu thuế GTGT đầu ra của phân bón lên tới 6.225 tỷ đồng và khấu trừ thuế GTGT đầu vào là 4.713 tỷ đồng.

Ngành nông nghiệp hiện là trụ đỡ quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam khi đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu, dự kiến năm 2024 xuất khẩu có thể đạt 60 tỷ USD (vượt xa kế hoạch là 55 tỷ USD và so với năm 2022 và 2023 là 54 tỷ USD) nên việc hỗ trợ toàn diện ngành nông nghiệp (trong đó phân bón chiếm 30-60% giá trị đầu vào của vật tư nông nghiệp) là rất cần thiết.

Với chủ trương phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, sinh thái việc có những chính sách thiết thực, tác động tới giá thành sản xuất theo hướng xanh, bền vững là điều Nhà nước cần tạo điều kiện. Theo Dự án “Sức khỏe của đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng” mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, việc tăng sức khỏe của đất phụ thuộc nhiều vào phân bón, nền nông nghiệp nước ta cần giảm lượng phân bón trên một diện tích, tăng cường sử dụng phân bón hiệu suất cao. Việc sản xuất các loại phân bón hiệu suất cao là nhiệm vụ của các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu trong nước.

Từ những số liệu và thông tin nêu trên cho thấy việc chuyển mặt hàng phân từ nhóm không chịu thuế GTGT sang chịu thuế GTGT với mức thuế 5% là hợp lý.

Nguyệt Anh