Theo các chuyên gia, việc chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng chịu thuế để các doanh nghiệp sản xuất được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón) là rất cần thiết và phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Nông dân sẽ là đối tượng hưởng lợi lớn nhất
Ông Nguyễn Đình Cư - Phó Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam nhìn nhận, hầu hết các đại biểu Quốc hội, người tiêu dùng bình thường sẽ hiểu nếu áp thêm thuế GTGT thì sản phẩm bị tăng giá bán.
Song, nghiên cứu các đối tượng chịu ảnh hưởng của việc điều chỉnh chính sách thuế GTGT đối với phân bón, ông Cư cho biết, đối với nhà nông, giá mua phân bón có thể tăng với hàng nhập khẩu vì áp thêm 5% thuế GTGT đầu vào.
Ngươc lại, với người nông dân sử dụng phân bón trong nước sẽ không bị tăng giá, thậm chí có thể giảm đi, bởi nhà sản xuất trong nước được hoàn thuế đầu vào, có cơ sở giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt, người nông dân có cơ hội trong dài hạn giảm chi phí sản xuất do giá thành phân bón giảm.
Nhà nước sẽ có thêm nguồn thu thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu, tăng cường được việc quản lý thuế, tạo môi trường thuế bình đẳng.
Doanh nghiệp là đối tượng phải nộp thuế GTGT 5% đầu ra nhưng được khấu trừ đầu vào, từ đó, tách chi phí thuế ra khỏi giá thành sản xuất, giá vốn hàng bán, là cơ sở để giảm giá bán tới tay người tiêu dùng. Theo số liệu thống kê không đầy đủ, thuế GTGT đối với phân bón chiếm bình quân chỉ 6-7% giá vốn sản xuất, nên quy đổi ra giá bán sẽ vẫn cao hơn mức áp thuế 5%.
Tính toán phân tích định lượng tác động áp thuế GTGT 5% đối với phân bón của Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID/IPSC) cũng có kết luận tương tự như Hội Tư vấn thuế Việt Nam.
Theo báo cáo này, cơ cấu chi phí sản xuất phân bón sẽ gồm: 74% nguyên vật liệu, 6% chi phí khấu hao tài sản cố định, 7% chi phí dịch vụ mua ngoài, 6% chi phí bằng tiền khác, 7% chi phí không chịu thuế GTGT.
Ước tính thay đổi của giá bán sau khi áp thuế GTGT đầu ra 5%, Dự án IPSC tính toán giá phân bón sản xuất trong nước: Urê giảm 2%, DAP giảm 1,13%, Lân giảm 0,87%, NPK tăng 0,09%. Ngược lại, giá phân bón nhập khẩu: Urê, NPK, DAP (trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp) và SA, Kali (đầu vào cho sản xuất phân bón) có thể tăng 5%.
Đối với người nông dân sử dụng chủ yếu phân bón trong nước, giá bán các loại phân bón giữ nguyên hoặc giảm, sẽ giúp chi phí sử dụng phân bón trong nước ước giảm 453 tỷ đồng.
Theo thông tin của Hiệp hội Phân bón, sản lượng cung ứng phân bón hiện nay khoảng 15 triệu tấn/năm, trong đó: sản xuất trong nước khoảng 11 triệu tấn/năm, nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn/năm (phân bón sản xuất trong nước chiếm 73,3%).
Do vậy, việc sửa đổi quy định mặt hàng phân bón áp dụng thuế suất GTGT 5% mặc dù có tác động đến giá nhập khẩu phân bón nhưng quy định này sẽ góp phần thúc đẩy ngành sản xuất phân bón trong nước là đầu vào của ngành nông nghiệp, tạo nguồn cung ổn định cho người nông dân, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, khắc phục việc giá cả không ổn định, cũng như sự biến động giá của phân bón nhập khẩu, góp phần bảo đảm phát triển nền nông nghiệp bền vững hơn.
Doanh nghiệp và nhà nước cũng hưởng lợi tương ứng
Bên cạnh tác động tích cực đến người nông dân, việc đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT 5% được cho là cũng sẽ tác tác động tốt đến doanh nghiệp. Cụ thể, số thuế GTGT đầu vào (phát sinh trong nước và ở khâu nhập khẩu) của doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ hoặc được hoàn thuế theo quy định của pháp luật thuế GTGT.
Doanh nghiệp có thêm nguồn lực để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng tích tụ vốn, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ để tạo ra sản phẩm phân bón thế hệ mới, chất lượng cao, hạ giá thành sản phẩm, chiếm ưu thế khi cạnh tranh với phân bón nhập khẩu; đảm bảo phát triển nguồn cung phân bón cho nông nghiệp từ sản xuất nội địa ngày càng tăng, góp phần bảo đảm phát triển nền nông nghiệp bền vững hơn cũng như tăng cường mối quan hệ công nghiệp - nông nghiệp - nông dân và nông thôn.
Giá bán trong nước đối với mặt hàng phân bón được hình thành theo cơ chế thị trường; các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng này được quyền tự định giá theo tín hiệu thị trường.
Riêng đối với ngân sách nhà nước, nếu áp dụng thuế GTGT với phân bón thì phân bón nhập khẩu cũng phải chịu thuế GTGT và ngân sách nhà nước sẽ thu được toàn bộ khoản thu này. Khi áp dụng thuế GTGT làm cho hiệu quả của doanh nghiệp trong nước được nâng cao do tăng cơ hội cạnh tranh với hàng nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước và sẽ đóng góp cho ngân sách nhà nước từ khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp.