Các nước áp thuế phân bón ra sao?
TS. Nguyễn Thu Hằng - Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội thông tin, hiện ngành công nghiệp phân bón của Trung Quốc, Nga, Brazil và Đức đóng vai trò quan trọng đối với năng suất nông nghiệp toàn cầu. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia sản xuất và tiêu thụ phân bón lớn nhất thế giới; Nga là cường quốc xuất khẩu phân bón toàn cầu, chủ yếu là phân đạm, phân lân, phân kali; Brazil là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, nhập khẩu và tiêu thụ phân bón lớn nhất , phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu phân bón; Đức: tập trung sản xuất các loại phân bón chất lượng cao và bền vững về môi trường, đóng vai trò quan trọng trong thị trường phân bón châu Âu.
Đối với Trung Quốc, hiện ngành công nghiệp phân bón của Trung Quốc là một trong những ngành công nghiệp lớn và phát triển nhất trên thế giới, với quy mô 55 - 60 triệu tấn/ năm; đóng vai trò quan trọng không chỉ trong nền kinh tế Trung Quốc mà còn trên thị trường phân bón toàn cầu.
Hiện, sản lượng phân bón của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các loại phân bón hóa học như phân đạm (nitơ), phân lân (phốt-pho), phân Kali, phân U-rê. Trung Quốc không chỉ sản xuất phân bón để tiêu thụ nội địa mà còn là một trong những nước xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, trong một số năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã có những biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung và ổn định giá cả cho thị trường trong nước. Đơn cử, từ cuối năm 2023 đến nay, Trung Quốc đặc biệt giảm 90% lượng xuất khẩu phân U-rê; giảm gần 40% lượng xuất khẩu phân lân.
Đối với chính sách thuế, TS. Nguyễn Thu Hằng chia sẻ, chính sách thuế đối với ngành phân bón gồm: Thuế VAT: 11% (đang đề xuất giảm còn 9%); Thuế nhập khẩu: 0%, 3% (MFN), 11% (Non-MFN); Thuế Xuất khẩu: 10% - 30% (tùy theo các loại phân đạm, lân, kali, ure..); Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 25%.
Do Trung Quốc là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nên chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp sản xuất phân bón được thực hiện như sau: Trong một số trường hợp, các doanh nghiệp sản xuất phân bón, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ hoặc phân vi sinh, có thể được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế.
Bên cạnh đó, một số chính sách có thể bao gồm miễn thuế hoặc giảm thuế trong một khoảng thời gian nhất định để khuyến khích sản xuất phân bón thân thiện với môi trường. Nếu doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển (R&D), hoặc sử dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, họ có thể đủ điều kiện nhận ưu đãi thuế dành cho doanh nghiệp công nghệ cao. Các doanh nghiệp này có thể được giảm thuế TNDN là 15%.
Tại Nga, hiện doanh nghiệp đang phải chịu thuế VAT: 20%; Thuế nhập khẩu: 0%; 6.5 % (MFN); Thuế Xuất khẩu: thuế hỗn hợp gồm 7% và thuế tuyệt đối gồm thuế suất tối thiểu lần lượt là 1.100, 1.800 và 2.100 rúp cho mỗi tấn phân đạm, kali và phốt pho/phân phức hợp; Thuế TNDN: 20% (3% là thuế liên bang, 17% thuế chính quyền khu vực, có thể giảm theo các khu vực khác nhau)
Nếu doanh nghiệp sản xuất phân bón có đầu tư đầu tư vào công nghệ hiện đại hoặc hoạt động trong các khu vực kinh tế đặc biệt. Tại các khu vực này, thuế suất có thể được giảm xuống còn 12,5% tùy theo chính sách địa phương. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón nằm trong các khu vực kinh tế đặc biệt có thể được hưởng ưu đãi thuế như miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài sản và các khoản đóng góp xã hội trong một khoảng thời gian nhất định.
Bên cạnh đó, các công ty đầu tư vào công nghệ sản xuất phân bón thân thiện với môi trường có thể được hưởng ưu đãi thuế. Chính phủ Nga khuyến khích việc sử dụng công nghệ xanh để giảm thiểu ô nhiễm và nâng cao hiệu suất sản xuất, thông qua việc hỗ trợ miễn hoặc giảm thuế cho các dự án đầu tư vào công nghệ mới. Một số nguyên liệu và thiết bị cần thiết để sản xuất phân bón có thể được hưởng miễn thuế nhập khẩu nếu được sử dụng cho mục đích cải thiện công nghệ sản xuất hoặc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Brazil là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, bao gồm các sản phẩm như đậu nành, cà phê, ngô, và mía đường. Ngành nông nghiệp của Brazil cần một lượng lớn phân bón để duy trì năng suất cao trên các vùng đất trồng trọt rộng lớn. Hiện Brazil phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu phân bón, với khoảng 85% lượng phân bón sử dụng trong nước được nhập khẩu từ nước ngoài.
Các nhà cung cấp chính bao gồm Nga, Canada, Trung Quốc, Morocco, và Mỹ.
Brazil đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu bằng cách khuyến khích sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón có thể được hưởng các chính sách hỗ trợ và miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thông qua các chương trình phát triển nông nghiệp hoặc đầu tư vào các khu vực nông thôn. Tuy nhiên, không có miễn trừ cụ thể đối với thuế thu nhập cho ngành phân bón.
Như vậy, hầu hết các quốc gia đều có những chính sách riêng biệt dành cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón. Trong đó, doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất xanh đều có những chính sách ưu đãi riêng để khuyến khích sản xuất, chủ động nguồn hàng trong nước.
Hàm ý với Việt Nam
Tại Việt Nam, hiện nay, theo Luật số 71, từ năm 2015, phân bón đã chuyển từ diện áp dụng thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% sang không chịu thuế GTGT, dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón sẽ không được khấu trừ và phải hạch toán vào chi phí làm cho lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón sụt giảm đáng kể.
Theo tính toán, trong 9 năm vừa rồi (2015-2023), các đơn vị sản xuất phân bón của Vinachem có số thuế GTGT không được khấu trừ phải tính vào giá thành là 7000 tỷ đồng. Số tiền này thực chất là nhà nước đã thu thuế GTGT từ trước chứ không phải là đưa vào tính thuế GTGT thì người nông dân phải chịu toàn bộ số chi phí này. Nếu ước tính của cả năm 2024 thì trong 10 năm, số thuế không được khấu trừ là 8.000 tỷ đồng.
Trước tình hình đó, TS. Nguyễn Thị Thu Hằng nêu quan điểm, về chính sách thuế với phân bón Việt Nam, cần có các chính sách thuế hỗ trợ phát triển ngành phân bón theo hướng phát triển bền vững, kết hợp hài hòa giữa các sắc thuế: Thuế VAT, Thuế bảo vệ môi trường, Thuế xuất nhập khẩu, Thuế TNDN.
Về các chính sách thúc đẩy và phát triển khác, cần khuyến khích phát triển và sử dụng các loại phân bón ít gây ảnh hưởng đến môi trường: phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh. Đồng thời, tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển, hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ trong lĩnh vực phân bón để tiếp thu và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ nhân tạo trong hoạt động sản xuất, phân phối sản phẩm phân bón.