Thị trường nội địa lẫn thế giới dư cung, doanh nghiệp phân bón gặp khó

Hiệp hội Phân bón Thế giới đánh giá tình trạng dư cung đối với hầu hết các loại phân bón chủ chốt trên thế giới sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong giai đoạn 2024 - 2028 khiến việc cạnh tranh thị phần giữa các doanh nghiệp phân bón trở nên gay gắt hơn.
Thị trường phân bón
Tình trạng dư cung phân bón trên thị trường toàn cầu dự kiến sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong vòng 5 năm tới.

Ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, thị trường phân bón nội địa đã trong trạng thái bão hoà với nguồn cung nhiều hơn nhu cầu ở phân khúc phân Ure/Phân lân và NPK.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp đang tìm hướng xuất khẩu sản phẩm phân bón ra thế giới. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu phân bón kỳ vọng đến từ sự chiếm thị phần của các nước khác thay vì trông chờ vào tăng trưởng tự nhiên khi nguồn cung thế giới cho từng loại phân bón dự báo nhiều hơn nhu cầu, theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt.

Báo cáo cập nhật tháng 7/2024 của Hiệp hội Phân bón Thế giới (IFA) cho thấy, trong giai đoạn 2024 - 2028, tốc độ tăng trưởng nhu cầu của hầu hết các loại phân bón chủ chốt như phân ure, phân photpho, phân kali, phân NPK… đều thấp hơn tốc độ tăng trưởng nguồn cung, khiến tình trạng dư cung trở nên trầm trọng hơn.

giá phân bón
Dưới áp lực dư cung, giá phân bón trên thị trường thế giới dự kiến sẽ giảm dần trong giai đoạn 2024 - 2025. (Nguồn: World Bank, Chứng khoán Rồng Việt)

Điển hình, tổng công suất ure toàn cầu năm 2024 ước đạt 165,9 triệu tấn và dự kiến tăng hơn 7%, đạt 177,8 triệu tấn vào năm 2028. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dự kiến chỉ tăng 6% cho giai đoạn trên. Vì vậy, tình trạng dư cung phân ure dự kiến sẽ tăng từ 3,6 triệu tấn trong năm 2024 lên 5,1 triệu tấn vào năm 2028.

Tương tự với phân Kali, tổng công suất cũng dự kiến tăng từ 52,1 triệu tấn năm 2024 lên 58,9 triệu tấn trong năm 2028, tương đương tăng 13%, chủ yếu do Nga và Belarus gia tăng sản lượng. Trong khi đó, nhu cầu phân Kali chỉ tăng 10%. Từ đó mức dư cung của phân Kali dự kiến tăng từ 8,6 triệu tấn trong năm 2023 lên 9,1 triệu tấn trong năm 2028.

Dưới áp lực của việc dư cung, Chứng khoán Rồng Việt nhận định triển vọng giá bán phân bón trong ngắn hạn vẫn chưa tích cực. Đồng quan điểm như trên, Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo mức giá bán trung bình của các loại phân bón chính trên thị trường quốc tế sẽ giảm trong năm 2024 và năm 2025, đặc biệt là khi Ấn Độ và Brazil gia tăng công suất để giảm lượng nhập khẩu. Hiện yếu tố chủ chốt giúp kìm hãm sự sụt giảm giá phân bón là do Trung Quốc vẫn đang hạn chế xuất khẩu.

Giá ure
Tương quan giữa giá ure nội địa (nghìn đồng/kg) với giá ure thế giới (USD/tấn). (Nguồn: Agromonitor, World Bank, Chứng khoán Rồng Việt)

Xem thêm: "Thị trường NPK - “Cuộc chiến mới” giữa các doanh nghiệp phân bón" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đối với thị trường nội địa, giá ure trong nước hiện nay vẫn duy trì ổn định ở mức 10.000 đồng/kg. Chứng khoán Rồng Việt dự báo giá ure nội địa sẽ tăng nhẹ 5 - 10% trong vụ Đông Xuân, chủ yếu do nhu cầu nông sản tăng trở lại. Tuy nhiên, giá sẽ không tăng quá cao khi giá ure thế giới vẫn đang duy trì ổn định ở vùng 300-350 USD/tấn.

Các doanh nghiệp của Việt Nam đã và đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước khi nhu cầu thế giới cao. Tuy nhiên, việc giành được thị phần từ các cường quốc xuất khẩu ure còn nhiều khó khăn khi chi phí sản xuất của Việt Nam cao hơn nhiều nước so với các nước sản xuất lớn như Nga, Ai Cập, Trung Quốc, theo Chứng khoán Rồng Việt.

Tình trạng dư cung trên cả thị trường nội địa lẫn thế giới và triển vọng giá kém lạc quan có thể kìm hãm đà tăng trưởng của các doanh nghiệp phân bón Việt Nam như Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã cổ phiếu DPM), Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (mã cổ phiếu BFC),…

Duy Quang