Lợi nhuận của Bọc ống Dầu khí (PVB) có thể tăng gấp 142 lần nhờ Lô B

Với công nghệ hiện đại và kinh nghiệm chuyên sâu, Công ty Cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVB) được kỳ vọng nhiều khả năng sẽ trúng gói thầu bọc ống cho đường ống dẫn khí Lô B.

Kết thúc nửa đầu năm nay, Công ty Cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVB - sàn HNX) ghi nhận doanh thu thuần 187,2 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 25,6 tỷ đồng, lần lượt tăng gấp 3,5 lần và 7,3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, hơn 92% doanh thu của công ty đến từ dịch vụ bọc ống.

Động lực tăng trưởng kết quả kinh doanh của Bọc ống Dầu khí trong nửa đầu năm chủ yếu đến từ dự án phát triển mỏ Kình Ngư Trắng với gói thầu trị giá 292 tỷ đồng. Bọc ống Dầu khí dự kiến sẽ hoàn tất công việc liên quan đến gói thầu này trong quý 4/2024.

Bọc ống Dầu khí
Bọc ống Dầu khí hiện sở hữu nhà máy bọc ống hiện đại và đã tham gia nhiều dự án dầu khí lớn, phức tạp.

Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Mirae Asset (MASVN), dự kiến Bọc ống Dầu khí sẽ ghi nhận khoảng 100 tỷ đồng doanh thu từ gói thầu trên trong nửa cuối năm nay.

Bọc ống Dầu khí là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS, mã cổ phiếu GAS), trực thuộc Tập đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam (Petrovietnam), chuyên cung cấp dịch vụ bọc ống và kiểm tra thử nghiệm vật liệu cho ngành dầu khí. Công ty sở hữu nhà máy bọc ống hiện đại với công suất 500 km ống/năm và đã tham gia nhiều dự án lớn như Nam Côn Sơn và Bạch Hổ.

Ngoài ra, Bọc ống Dầu khí còn tham gia vào các dự án khác như bọc ống cho đường ống dẫn khí Cà Mau và các dự án bọc ống dưới biển của Petrovietnam.

Theo MASVN, Bọc ống Dầu khí đang đứng trước giai đoạn “bùng nổ” lợi nhuận nhờ đại dự án khí điện Lô B - Ô Môn với tổng mức đầu tư gần 12 tỷ USD. Chuỗi dự án này bao gồm mỏ khí Lô B (thượng nguồn), đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn (trung nguồn), và 04 nhà máy điện khí tại Trung tâm Điện lực Ô Môn (Cần Thơ) với tổng công suất dự kiến 3.800 MW.

Trong đó tổng chiều dài đường ống dẫn khí của dự án là 431 km, bao gồm 329 km dưới biển và 102 km trên cạn nhằm khai thác, thu gom nguồn khí Lô B với tổng trữ lượng thu hồi dự kiến khoảng 107 tỷ m3 và 12,65 triệu thùng condensate, sản lượng khí đưa về bờ khoảng 5,06 tỷ m3/năm.

Với việc công ty mẹ - PV GAS đang chi phối 51% vốn trong liên doanh đầu tư đường ống dẫn khí Lô B, do đó khả năng cao Bọc ống Dầu khí sẽ là đơn vị đảm nhiệm công việc bọc đường ống này.

Về tiến độ triển khai tuyến đường ống dẫn khí Lô B, vào cuối tháng 12/2023, Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam (SWPOC) đã trao hợp đồng EPC dự án này cho Liên danh nhà thầu Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) - Công ty Cổ phần Lilama 18 (Lilama 18).

Giá cổ phiếu PVB Bọc ống Dầu khí
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu PVB của Bọc ống Dầu khí từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Chuyển động mới tại chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn – Xúc tiến dự án thành phần 1,2 tỷ USD" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

SWPOC là chi nhánh của Petrovietnam và là đơn vị đại diện nhà điều hành triển khai thực hiện dự án đường ống dẫn khí Lô B theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) giữa các bên Petrovietnam, PV GAS, MOECO (Nhật Bản), và PTTEP (Thái Lan).

MASVN hiện dự phóng dự án Lô B sẽ đem về cho Bọc ống Dầu khí khoản doanh thu lên đến 3.142 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 471 tỷ đồng trong giai đoạn triển khai từ 2025 - 2027. Mức lợi nhuận này cao gấp 142 lần mức lãi mà Bọc ống Dầu khí đạt được trong năm 2023.

Với các diễn biến gần đây của các dự án thành phần trong chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn, MASVN kỳ vọng Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) của toàn bộ chuỗi dự án sẽ có trong quý 4/2024.

Đáng chú ý, dù hoạt động kinh doanh gặp khó khăn trong 3 năm gần nhất nhưng Bọc ống Dầu khí vẫn duy trì cơ cấu tài chính vững mạnh, không có nợ vay. Lượng tiền mặt và tiền gửi của công ty vào cuối quý 2/2024 cũng trên 240 tỷ đồng, chiếm 54,5% tổng tài sản.

Duy Quang