Thành lập và vận hành Quỹ phát triển khoa học và công nghệ ở doanh nghiệp

Gần nửa triệu DN ở nước ta có thể huy động đến 20.000 tỷ đồng/năm, nhưng ở một tập đoàn kinh tế nhà nước chỉ chi được từ 5,8 tỷ đồng (năm 2005), 8,5 tỷ đồng (năm 2007) so với lợi nhuận trước thuế nhiề
Quyết định 36/2007/QĐ-BTC ngày 16/5/2007 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (Quỹ). Tuy nhiên, đến nay chưa có nhiều doanh nghiệp (DN) thành lập Quỹ. Sau gần 4 năm mới có Thông tư 15/2011/TT-BTC ngày 09/02/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ.

1. Đối tượng sử dụng Quỹ là hoạt động công nghệ
Doanh nghiệp đóng vai trò là trung tâm ứng dụng và đổi mới công nghệ là nhận định của “Đề án 171” về đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ (KHCN). Do vậy, Quỹ phát triển KHCN trong DN Việt Nam tập trung vào hoạt động công nghệ. Theo Thông tư 15/2011/TT-BTC thì Quỹ do DN thành lập để tạo nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động KHCN của DN tại Việt Nam thông qua hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, hợp lý hoá sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Các nước thuộc tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dành đến 2/3 tổng kinh phí nghiên cứu KHCN cho lĩnh vực công nghiệp, 20% cho các trường đại học, 10% cho các viện nghiên cứu chuyên ngành. Các tập đoàn lớn trên thế giới có thể đầu tư đến trên 3 tỷ USD/năm cho nghiên cứu triển khai (R&D), mua các sáng chế, phát minh, giải pháp công nghệ, triển khai các hợp đồng với các nhà KHCN thuộc viện của tập đoàn và các viện, trường khác.

Kinh tế thế giới phục hồi, kinh tế trong nước đang thời kỳ đầu tư và tăng trưởng, các xu hướng tiêu dùng tăng, đòi hỏi các DN đổi mới công nghệ liên tục để có sản phẩm mới, là cơ hội lớn của hoạt động R&D. Ở Việt Nam, tình hình nhập siêu trong nhiều năm chiếm trên dưới 20% kim ngạch xuất khẩu, phần lớn tập trung vào nhóm máy móc thiết bị cho các công trình dự án và nhóm nguyên vật liệu làm hàng xuất khẩu có hàm lượng công nghệ trung bình mà DN trong nước có thể sản xuất được.

2. Thành lập, tạo nguồn và sử dụng Quỹ
Thông tư 15/2011/TT-BTC hướng dẫn: Người có thẩm quyền cao nhất của DN bao gồm: Chủ tịch hội đồng quản trị (đối với công ty cổ phần); Chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh); Chủ DN tư nhân (đối với DN tư nhân) hoặc tổng giám đốc, giám đốc (đối với DN không có hội đồng quản trị) có quyền quyết định thành lập, quy định nhiệm vụ, quyền hạn, bộ máy tổ chức của Quỹ. Khác với Quyết định 36, Thông tư quy định Quỹ là chỉ là một bộ phận trực thuộc DN, không có tư cách pháp nhân, do người có thẩm quyền cao nhất của DN chịu trách nhiệm điều hành.

Thủ tục thành lập Quỹ: DN gửi Quyết định thành lập Quỹ, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ cho cơ quan thuế nơi DN đăng ký nộp thuế thu nhập DN trước hoặc cùng thời điểm nộp báo cáo trích, sử dụng Quỹ trong kỳ trích lập đầu tiên, đồng thời gửi cho Sở Khoa học và công nghệ, Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi DN đóng trụ sở trong vòng 30 ngày kể từ ngày có quyết định thành lập Quỹ.
a) Nguồn Quỹ : Theo Điều 3 Thông tư 15/2011/TT-BTC, nguồn hình thành Quỹ gồm: (1) Một phần từ thu nhập tính thuế thu nhập DN trong kỳ tính thuế (DN tự quyết định mức trích cụ thể nhưng tối đa không quá 10% thu nhập tính thuế trong kỳ); (2). Một phần điều chuyển từ Quỹ của tổng công ty, công ty mẹ (đối với các công ty con hoặc DN thành viên) hoặc điều chuyển từ Quỹ của các công ty con, DN thành viên về Quỹ của tổng công ty, công ty mẹ (đối với tổng công ty, công ty mẹ). Việc điều chuyển và tỷ lệ điều chuyển do người có thẩm quyền điều hành Quỹ quyết định theo điều lệ Quỹ... và chỉ áp dụng đối với các công ty con hoặc DN thành viên mà công ty mẹ sở hữu 100% vốn; (3). Các nguồn khác theo quy định của Pháp luật, có thể là: Nguồn vốn đóng góp tự nguyện, không vì mục đích lợi nhuận của các tổ chức hợp pháp, cá nhân trong và ngoài nước. Với nước ngoài theo Nghị định 80/2010/NĐ-CP “Quy định về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khoa học công nghệ tại Việt Nam”; Nguồn vốn hợp pháp khác: Theo Nghị định 177/1999/NĐ-CP nguồn Quỹ gồm “Thu lãi từ khoản tiền gửi, các khoản thu hợp pháp khác nếu có” đòi hỏi DN cần sử dụng linh hoạt, an toàn nguồn Quỹ. Cụ thể hóa nguồn ở mục (3) cần đưa vào Điều lệ Quỹ.

b) Sử dụng Quỹ : Điều 5 Thông tư 15/2011/TT-BTC quy định gồm các hoạt động của DN : (1) Cấp kinh phí để thực hiện các đề tài, dự án KHCN của DN tại Việt Nam; (2) Hỗ trợ phát triển KHCN của DN tại Việt Nam như: Trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động KHCN (xây dựng phòng thí nghiệm, cơ sở thử nghiệm, máy móc trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu và phát triển); Mua bản quyền công nghệ, quyền sử dụng, quyền sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thông tin KHCN, các tài liệu, sản phẩm có liên quan để phục vụ cho hoạt động KHCN; Trả lương, chi thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức KHCN để thực hiện các hoạt động KHCN; Chi phí cho đào tạo nhân lực KHCN; Chi cho các hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất (phải có xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về KHCN); Chi phí cho các hoạt động hợp tác nghiên cứu, triển khai về KHCN với các DN trong nước (hoạt động này phải được cơ quan quản lý nhà nước về KHCN tại Việt Nam phê duyệt.)
Thông tư 15/2011/TT-BTC không thay thế toàn bộ Quyết định số 36/2007/QĐ-BTC, nhưng từ ngày 01/01/2009, các quy định về trích, sử dụng Quỹ quy định tại Điều 3 và Điều 7 Quyết định số 36/2007/QĐ-BTC về quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ trái với quy định tại Luật Thuế thu nhập DN số 14/2008/QH12 và Nghị định số 124/2008/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định tại Luật và Nghị định này, và thực hiện theo Thông tư 15/2011/TT-BTC kể từ khi có hiệu lực thi hành.

3. Những gợi ý về nhiệm vụ công nghệ ở DN

Gần nửa triệu DN ở nước ta có thể huy động đến 20.000 tỷ đồng/năm, nhưng ở một tập đoàn kinh tế nhà nước chỉ chi được từ 5,8 tỷ đồng (năm 2005), 8,5 tỷ đồng (năm 2007) so với lợi nhuận trước thuế nhiều ngàn tỷ đồng. Thực tế, năng lực R&D ở DN rất hạn chế về nguồn nhân lực và phương tiện, phương thức hoạt động; Mặt khác, các dự án hình thức tổng thầu EPC, DN trong nước khó tiếp cận để nhận thầu. Có tới 98% DN là DN nhỏ và vừa, nếu bình quân mỗi DN trích 10% lợi nhuận trước thuế chỉ khoảng 26 triệu đồng năm cho Quỹ (đủ mua một chiếc máy tính xách tay). Còn nhiều khoản chi KHCN trong hoạt động sản xuất kinh doanh được tính vào giá trị tài sản, chi phí đầu vào, do vậy DN chưa quan tâm lập Quỹ.

Theo tôi, khi chưa có đề tài dự án lớn thì Quỹ ưu tiên chi cho đào tạo nhân lực KHCN; Xây dựng cơ chế ứng trước (vay) để trang bị cơ sở vật chất- kỹ thuật cho hoạt động KHCN; Hỗ trợ các sáng kiến kỹ thuật hướng vào đổi mới mẫu mã và chất lượng sản phẩm, an toàn và bảo hộ lao động, xử lí môi trường, đưa ra giải pháp quản lí về nhân sự, bán hàng, tiếp thị...

Việc DN đề xuất và thực hiện được nhiệm vụ công nghệ tác động trực tiếp đến kết quả cạnh tranh bằng sản phẩm và dịch vụ có năng suất cao, chất lượng tốt, mẫu mã mới, giá thành hạ. Ví dụ, trong ngành dệt may thì việc tạo mẫu gần như quyết định cạnh tranh, 5-10 nhà thiết kế tham gia theo yêu cầu của DN tạo mẫu vải, đồ mặc, chỉ có một, hai mẫu bán chạy.

Chủ trương xuất khẩu, nội địa hóa sản phẩm dịch vụ, người Việt dùng hàng Việt là những gợi ý tích cực để Quỹ hoạt động có hiệu quả. Các DN cần phát động, hướng dẫn, thu thập những đăng ký của tổ chức, cá nhân trong và ngoài DN tham gia giải các “đề bài, cuộc thi, đơn hàng” đổi mới công nghệ mà DN đưa ra. Để có được đề xuất công nghệ, mỗi người lao động trong DN cần làm những việc sau: (1) Hiểu được việc mình đang làm, thấy rõ những ưu thế, bất hợp lý, lãng phí trong quy trình để đưa ra giải pháp công nghệ và đổi mới quản lý, tiết kiệm chi phí,...; (2) Sản phẩm dịch vụ của DN mình ở cấp độ nào trong thị trường, đang bị cạnh tranh ở điểm nào, cần có so sánh với sản phẩm tương tự; (3) Nhu cầu về sản phẩm mới, dịch vụ mới từ thị trường trong nước và quốc tế, khả năng thay thế hàng nhập khẩu?

Ngoài việc hiểu công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, thị trường của DN, để đề xuất nhiệm vụ công nghệ mới, cần tham khảo các văn bản pháp quy: Các quyết định của Bộ Công Thương: 0283/QĐ-BCT, 5569/QĐ-BCT; 4872/QĐ-BCT; 2840/QĐ-BCT về việc ban hành danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được; Chỉ thị 21/CT-BCT của Bộ Công Thương về việc thực hiện các biện pháp tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được trong công tác đấu thầu,...;Quyết định 712/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020; Quyết định 34/2007/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020; Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ đối với các ngành : cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt – may, da –giầy và công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghệ cao,...

Tóm lại, DN không thể không tìm ra nhiệm vụ công nghệ cụ thể và không thể “để dành” hoặc chi sai số tiền lập Quỹ. Theo Khoản 5 Điều 5 Thông tư 15/2011/TT-BTC, nếu trong 5 năm DN chi không hết 70% quỹ, chi sai đều bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần còn lại và phần chi sai. Hoạt động R&D cũng như đầu tư mạo hiểm chấp nhận rủi ro đến 90%, chấp nhận “sản phẩm đang làm” và kiên trì theo đuổi sẽ đạt kết quả tốt.

4. Nâng cao năng lực lập dự án, quản lý dự án công nghệ
Nhiều khi cán bộ DN cho rằng khó tiếp cận vốn KHCN, một phần là thủ tục hành chính, nhưng cản trở chính là năng lực làm dự án của cá nhân, nhóm công tác còn yếu, khắc phục được cần phải học hỏi, thuê tư vấn, chia sẻ lợi ích với đối tác. Một dự án KHCN ở DN cần có những bước:
- Ý tưởng dựa trên thực tiễn, tương lai, ước mơ, khát vọng về công nghệ mới, sản phẩm mới có hiệu quả, có lợi, có bản quyền cho người sáng tạo. Nuôi dưỡng ý tưởng, tham khảo, tìm hiểu để khẳng định ý tưởng mới;
- Mô tả ý tưởng trên giấy, mô hình hóa, lượng rõ được những điểm quan trọng nhất của dự án, khái toán tiến tới chi tiết các chi phí nguồn lực, thời gian, lộ trình, kết quả dự án, chứng minh được lợi ích;
- Đăng ký, bảo vệ dự án trước hội đồng, người có thẩm quyền;
- Triển khai dự án, kiên quyết mục tiêu, thử nghiệm “đúng sai”, có sự điều chỉnh theo hướng có lợi cho dự án về thời gian, chi phí... Ghi chép đầy đủ nội dung công việc, lưu giữ chứng từ hợp lệ… phân công rõ ràng những cá nhân, bộ phận tham gia dự án, làm việc theo nhóm;
- Nghiệm thu, áp dụng, đăng ký bảo hộ, thương mại hóa kết quả;
- Tiếp tục dự án mới…

5. Kết luận
Cơ quan quản lý ngành, hiệp hội, các tập đoàn, tổng công ty cần chỉ đạo, triển khai thành lập Quỹ ở các DN, trước hết là các DN lớn. DN chấp nhận các quy định hiện hành để thành lập Quỹ, sử dụng những lợi thế về nguồn vốn trích lập Quỹ để giải quyết những nhiệm vụ công nghệ trước mắt. Để làm điều này cần có sự hỗ trợ của các đơn vị tư vấn, hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Với tỷ lệ 2% DN đủ điều kiện thành lập Quỹ, chúng ta có 10.000 quỹ KHCN ở DN. Các DN nhỏ và vừa có thể liên kết thành lập Quỹ, nếu bình quân mỗi DN nhỏ và vừa được trích 25 triệu đồng/năm, thì 100 DN liên kết có 2,5 tỷ/năm, cần có sự vận động của hiệp hội ngành hàng để liên kết các Quỹ của DN với DN, với quỹ KHCN của địa phương và quốc gia.

Căn cứ vào quy định hiện hành, DN nghiên cứu đưa vào Điều lệ Quỹ cơ chế : Nhiều Quỹ đồng tại trợ dự án (đồng sở hữu bản quyền); Bổ sung nhiệm vụ để chuyển tiếp các dự án sang năm sau; Xử lí rủi ro; Xem xét các chi phí phát sinh mới hoặc do biến động giá; Khen thưởng... Bộ KHCN cần xây dựng Điều lệ mẫu Quỹ phát triển KHCN, tổ chức phổ biến và tư vấn trực tuyến để DN thuận lợi cho việc triển khai.
  • Tags: