Australia có thể yêu cầu dán nhãn nguồn gốc xuất xứ đối với hải sản trong các nhà hàng

Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, Ủy ban Quốc hội Australia sẽ đệ trình Chính phủ nước này xem xét “luật hóa” việc dán nhãn nguồn gốc xuất xứ đối với hải sản trong các nhà hàng tại Australia.

Hiện có hơn 70% lượng hải sản được bán tại Australia là được nhập khẩu từ nước ngoài và mới chỉ có các nhà bán lẻ tại Úc bị bắt buộc phải dãn nhán nguồn gốc xuất xứ đối với mặt hàng cá tươi. Trong khi đó, hải sản được bán tại các nhà hàng, quán rượu và các câu lạc bộ không bị ràng buộc bởi các luật lệ tương tư, ngoại trừ Vùng Lãnh thổ Bắc Australia.

Một số ý kiến của ngành công nghiệp hải sản Australia cho rằng người tiêu dùng Australia đang bị các nhà hàng đánh lừa để họ tin rằng cá mà họ ăn là cá được đánh bắt ở Australia, trong khi thực ra đây là những sản phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài.

Ảnh minh họa

Theo bà Helen Jenkins, Giám đốc Điều hành Hội các nhà sản xuất tôm Úc: "Mỗi khi ăn ở nhà hàng, tôi luôn luôn hỏi về xuất xứ của hải sản tôi ăn. Rất nhiều người có thể nghĩ rằng họ đang mua sản phẩm làm từ Úc nhưng thật ra thì không phải như vậy”.

Tại một cuộc điều tra do Quốc hội Liên bang Australia về nhãn của nước xuất xứ, bà Jenkins kêu gọi Quốc hội đề ra luật bắt mọi tiểu bang áp dụng mô hình dán nhãn xuất xứ hải sản tại các nhà hàng như đang được thực hiện tại Vùng Lãnh thổ Bắc Australia.

Bên cạnh đó, ông Marty Phillips, Chủ tịch Hội Nông dân nuôi cá chẽm Úc , cho biết theo luật các cửa hàng thực phẩm ở Vùng Lãnh thổ Bắc Úc bị ràng buộc bởi các luật lệ phải dán dãn cho biết nguồn gốc xuất xứ của các loại cá họ bán.

Theo ông Marty Philips, việc luật hóa quy định dán nhãn xuất xứ hải sản tại các nhà hàng sẽ đem lại lợi ích cho các nhà hàng vì họ có thể đẩy mạnh việc bán các món ăn địa phương đồng thời người tiêu dùng Australia cũng được hưởng lợi vì họ được sử dụng, ăn, các sản phẩm được nuôi trồng tại địa phương; các nhà sản xuất địa phương sẽ giải quyết được khâu đầu ra cho sản phẩm.

Ủy ban Quốc hội Australia sẽ phải phúc trình về vấn đề này trong thời gian từ nay tới cuối năm 2014.

Thương vụ Việt Nam tại Australia nhận định, nếu vấn đề này được Luật hoá sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam vào Australia do người dân Australia vẫn có thói quen ưu tiên sử dụng hàng trong nước cho dù giá thành cao hơn hàng nhập khẩu. Thương vụ Việt Nam tại Australia đang phối hợp với Hiệp hội các nhà nhập khẩu thủy sản Australia để đưa ra những lập luận phản bác đề xuất nói trên.