Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, hoạt động xúc tiến thương mại tưởng chừng sẽ bị đứt đoạn. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động xúc tiến thương mại lại được duy trì và triển khai rất tích cực. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những hoạt động này trong thời gian qua?
Cục trưởng Vũ Bá Phú: Covid-19 là một đại dịch toàn cầu, nó đã ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống từ đầu năm 2020 đến nay, không chỉ ở Việt Nam mà trên tất cả các thị trường xuất khẩu của nước.
Rõ nhất là Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, hoạt động XNK gần như bị đóng băng trong khoảng ba tháng đầu năm, chỉ mới được khơi thông trở lại nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và sự nỗ lực của Bộ Công thương cũng như các Bộ, ngành liên quan. Tương tự, với các thị trường xuất khẩu lớn khác như Mỹ, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... Điều đặc biệt là do ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19, những chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy dẫn đến nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của chúng ta bị thiếu hụt, gián đoạn, nhiều nhà máy, dự án của chúng ta không có nguyên liệu đầu vào.
Trước tình hình này, hoạt động xúc tiến thương mại cũng bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Chúng ta biết rằng các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống như hội chợ, hội thảo, hội nghị kết nối cung cầu, hoạt động giao dịch thương mại ở nước ngoài... phải được thực hiện trên những địa bàn cụ thể. Tuy nhiên, hoạt động này đã bị huỷ hoặc hoãn trên hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn của chúng ta vì lý do nêu trên. Cụ thể, các đoàn xúc tiến thương mại nhằm mục đích đưa doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta đi , tham dự hội chợ, triển lãm... ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU đều bị hủy, hoãn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp của chúng ta rất khó khăn trong việc tiếp cận với thị trường, tìm kiếm đối tác, kết nối giao thương với các đối tác thương mại...
Trước tình hình này, được sự chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Công Thương và các đồng chí lãnh đạo Bộ Công Thương cũng như sự phối hợp của các đơn vị liên quan, Cục Xúc tiến thương mại đã khẩn trương nghiên cứu, triển khai và điều chỉnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Trong thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện quyết liệt một số biện pháp, giải pháp. Chẳng hạn như đối với hoạt động xúc tiến thương mại trong khuôn khổ của chương trình xúc tiến thương mại quốc gia thì chúng tôi liên tục bám sát diễn biến trên thị trường xuất khẩu để rà soát hoạt động của chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và điều chỉnh kịp thời các hoạt động của chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đề án nào của chương trình nào cần phải huỷ thì huỷ ngay để chuyển nguồn kinh phí sang hoạt động khác. Đề án nào cần phải hoãn thì chúng tôi đã tìm thời gian phù hợp để có thể điều chỉnh và hoãn chương trình xúc tiến thương mại đó, qua đó thì có thể dành được những cái nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại cần thiết, kịp thời.
Lấy ví dụ như trong thời gian qua một số hoạt động xúc tiến thương mại ở ngoài nước không thực hiện được thì chúng tôi đã điều chỉnh hoạt động này và dành nguồn kinh phí đó cho hoạt động xúc tiến thương mại trên thị trường trong nước để kích thích nhu cầu trong nước cũng như tăng cường sự kết nối cung cầu trong nước, qua đó đẩy mạnh thương mại trên thị trường trong nước để bù đắp cho sự thiếu hụt, khó khăn về hoạt động xuất khẩu. Đây cũng là một hoạt động rất bổ ích, rất hữu ích, hiệu quả trong thời gian qua đối với hoạt động xúc tiến thương mại.
Hoạt động thứ hai nữa mà chúng tôi đã tiến hành đó là chúng tôi liên tục bám sát nhu cầu của các doanh nghiệp, thường xuyên trao đổi, làm việc với các Hiệp hội các địa phương. Cục Xúc tiến thương mại đã có nhiều buổi làm việc với các địa phương trên cả nước, đã gửi công văn đề nghị các Hiệp hội, các địa phương trên cả nước cung cấp những đề xuất, những nhu cầu cần kíp, khẩn trương, “nhu cầu nóng” về hỗ trợ xúc tiến thương mại của họ. Và chúng tôi đẩy mạnh tăng cường hoạt động kết nối nhu cầu của các doanh nghiệp, của các Hiệp hội, của địa phương với hệ thống tham tán của chúng ta ở nước ngoài, đặc biệt là đối với những mặt hàng hay những sản phẩm mà gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Ví dụ như, mặt hàng nông, lâm thuỷ sản từ trước đến nay thì thị trường truyền thống của chúng ta là thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, do dịch bệnh thì hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc rất khó khăn và lượng thuỷ sản nông lâm, thuỷ sản tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc giảm đi rất lớn.
Trước tình hình đó thì chúng tôi đã tháo gỡ khó khăn cho các Hiệp hội, các doanh nghiệp, các địa phương bằng cách tìm hiểu xem nhu cầu của họ ra sao, cần tiêu thụ loại quả gì, rau gì, nông sản gì và thuỷ sản gì trên thị trường nào thì chúng tôi liên hệ với hệ thống tham tán của chúng ta ở thị trường ưu tiên và đề nghị họ đến trực tiếp những tập đoàn nhập khẩu hay những tổ chức nhập khẩu của nước sở tại.
Qua đó, có thể hỗ trợ kết nối xuất khẩu, xúc tiến xuất khẩu cho các địa phương, cho các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường xuất khẩu truyền thống, chủ lực lớn nhất của chúng ta là Trung Quốc bị gián đoạn, bị đóng băng. Tôi cho rằng hoạt động này rất kịp thời và hiệu quả và cũng góp phần nào hỗ trợ giải quyết được những khó khăn của các địa phương, của các hiệp hội, các doanh nghiệp thời gian qua.
Một hoạt động nữa mà tôi cho rằng cũng hiệu quả, đó là thời gian qua Cục cũng đã đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến thương mại, bước đầu phát huy được hiệu quả và giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí cũng như khắc phục được những khó khăn về khoảng cách, về địa lý, thời gian do Covid-19 gây ra và vượt qua được những khó khăn này để có thể khơi thông được thị trường, tiếp cận được thị trường cũng như khách hàng của mình trên các thị trường xuất khẩu.
PV: Thông qua những hình thức linh hoạt đa dạng cho xúc tiến thương mại trong giai đoạn khó khăn, chúng ta rút được bài học gì trong công tác này? Đồng thời, chúng ta sẽ có những điều chỉnh gì cho công tác xúc tiến thương mại trong thời gian tới.
Cục trưởng Vũ Bá Phú: Qua những hoạt động này trong thời gian qua thì chúng tôi rút ra được 3 bài học.
Bài học thứ nhất thì chúng tôi thấy rằng hoạt động xúc tiến thương mại là cần phải có những ứng phó linh hoạt và rất nhanh chóng, hiệu quả với mỗi diễn biến của thị trường. Như tôi đã trình bày ở trên, nếu là bình thường, thì theo tuần tự trong các chương trình xúc tiến quốc gia thì chúng ta sẽ phải đi lại, tổ chức những hoạt động xúc tiến thương mại ở trên địa bàn cụ thể. Tuy nhiên, do không thực hiện được do dịch Covid-19 nên Cục Xúc tiến thương mại dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng, của các đồng chí lãnh đạo bộ, đã rất kịp thời, nhanh chóng rà soát thường xuyên những hoạt động xúc tiến thương mại và thấy rằng trên địa bàn nào cụ thể, đối với ngành hàng nào cụ thể, cần phải điều chỉnh ra sao thì đã điều chỉnh kịp thời và qua đó đã hỗ trợ cho doanh nghiệp, phần nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bài học thứ hai, đó là ứng dụng công nghệ thông tin. Chúng tôi nhận thấy rằng là cùng với cuộc cách mạng là 4.0 trong thời gian qua trên khắp thế giới, cũng như được đẩy rất nhanh và mạnh của Việt Nam, thì hoạt động xúc tiến thương mại thì không nằm ngoài xu hướng này. Chúng ta sẽ phải bắt nhịp cùng với thế giới và ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả mọi hoạt động xúc tiến thương mại có thể.
Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, như tôi đã phân tích, tiếp cận được thị trường nhanh và hiệu quả hơn, tiết kiệm được chi phí, và phủ được diện đối tác tiềm năng của mình sẽ rộng hơn. Đó là bài học thứ hai, cần phải đẩy nhanh, đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hoá các phương thức xúc tiến thương mại, không chỉ là truyền thống mà cần phải là trên cả môi trường thương mại điện tử và các nền tảng kỹ thuật số.
Bài học thứ ba nữa, thông qua những kết quả giao thương, kết quả xúc tiến xuất khẩu thời gian qua thì chúng tôi nhận thấy rằng do Covid-19 nên là chuỗi cung ứng trên toàn cầu bị đứt gãy, hoạt động xuất khẩu hàng hoá công nghiệp, điện tử, hay là những hàng hoá có hàm lượng chế tạo, do phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu nên vừa là thiếu nguyên liệu, đầu vào bị đứt gãy rồi, vừa thiếu thị trường đầu ra. Cho nên từ thực tế này cũng như từ kết quả giao thương thời gian qua, chúng tôi nhận thấy rằng chúng ta cần phải chú ý và tập trung hơn nữa đến thị trường trong nước, đẩy mạnh tới nội nhu.
Với thị trường 100.000.000 dân này thì trong thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, chúng ta thấy rằng những hàng hoá, đặc biệt là hàng thiết yếu, phục vụ cuộc sống hằng ngày của người dân là rất hiệu quả và chúng ta không có tình trạng khan hàng, cháy hàng, mất cân đối cung cầu, đặc biệt là nhóm hàng thiết yếu trong thời gian qua như các nước khác trên thế giới. Tôi thấy rằng bên cạnh các hoạt động xuất nhập khẩu thì thị trường trong nước cũng rất tiềm năng và cần được khai thác, cần được chú trọng hơn trong thời gian tới.
Ở đây chúng ta có thể thấy rằng bên cạnh những mặt hàng chế biến, chế tạo, mặt hàng công nghiệp thì nông sản, thực phẩm phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của đời sống hằng ngày của người dân là một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của chúng ta cần phát huy trong thời gian tới, đặc biệt là đẩy thêm, gia tăng thêm hàm lượng chế biến đối với các nhóm hàng này. Chúng ta có thể gia tăng kim ngạch xuất khẩu, coi đây là sản phẩm chủ lực xuất khẩu của chúng ta trong thời gian tới đối với các thị trường xuất khẩu. Bởi vì sao, bởi chúng ta thấy rằng trong bối cảnh rất khó khăn như này thì trên hầu hết các thị trường nước ngoài có thể là họ không mua ti vi, họ không mua ôtô, họ không mua quần áo, giày dép nhưng mà thực phẩm, rau quả, thực phẩm chế biến, gạo, bột mỳ thì họ vẫn phải ăn hằng ngày.
Vậy nên trong thời gian tới thì chúng ta nên chăng xác định rằng những nhóm sản phẩm nông lâm, thuỷ sản chế biến, đặc biệt là chế biến sâu, thành những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sẽ trở thành những sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam không chỉ là trong mùa Covid-19 này mà cả trong tương lai nữa.