Ba hạn chế của chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long

Đoàn chúng tôi cũng như mọi du khách, đến Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài việc thăm thú những vườn trái cây bạt ngàn, thưởng thức những món đặc sản Nam bộ, cũng khó lòng bỏ qua việc tham quan các khu c

Đặc trưng chợ nổi Miền Tây
Khi về Miền Tây, du khách có thể tham quan các chợ nổi nổi tiếng như chợ nổi Cái Bè nằm ở đoạn sông Tiền giáp ranh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre, chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang), chợ nổi Châu Đốc (An Giang), chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Chợ nổi Cái Răng là một trong những chợ nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay và tương lai sẽ trở thành chợ trung tâm tự sản tự tiêu lớn nhất vùng Tây nam Bộ.

Khác với chợ nổi của người Thái Lan là chợ nổi nhân tạo, được tạo ra để phục vụ khách du lịch, chợ nổi ở Đồng bằng Sông Cửu Long được hình thành từ nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa của người dân từ rất lâu đời. Chợ hoạt động một cách tự phát, hầu như không có sự quản lý hành chính, thu thuế nào một cách chặt chẽ. Hầu hết các khu chợ nổi họp từ rất sớm, tầm 1-2h sáng, đến 5-6h sáng ghe thuyền bắt đầu tản đi và đến 8, 9h là vãn chợ. 

                                                      Chợ nổi Cái Bè

Cái Răng là một trong những chợ trên sông nổi tiếng ở miền Tây nam Bộ. Chợ chuyên mua bán các loại trái cây, nông sản của vùng. Sáng sáng, hàng trăm chiếc thuyền lớn bé đậu san sát. Do không thể rao hàng khi tiếng sóng, tiếng máy nổ liên tục, và khó có thể áp mạn với xuồng khác để xem bán hàng gì nên các tiểu thương ở đây sử dụng một cây sào, gọi là cây bẹo, bán sản vật gì người ta treo sản vật đó (gọi là treo bẹo) lên cây bẹo trên mũi thuyền.

Chợ Cái Răng thường họp khá sớm, thường từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8-9h thì vãn. Những ghe bầu lớn thường chuyên thu mua trái cây để chở đi các nơi, kể cả sang Cam-pu-chia và Trung Quốc. Cũng có những ghe bầu chở các mặt hàng khác cung cấp cho bà con miệt vườn: xăng dầu, muối mắm, thuốc tây, bánh kẹo, nhu yếu phẩm...

Do nhu cầu của người đi chợ nên không chỉ có các xuồng trái cây, nông sản phẩm mà còn có nhiều loại dịch vụ khác: phở, hủ tíu, cà phê, quán nhậu nổi... Các xuồng dịch vụ (thường là thuyền nhỏ) len lỏi rất thiện nghệ áp mạn phục vụ khách đi chợ tận tình và chu đáo, ngay cả khi sóng rập rình. Sự độc đáo của chợ nổi đã thu hút khá nhiều sự quan tâm và tham quan của du khách trong và ngoài nước.

Còn đó những tồn tại
Chợ nổi là nét sinh hoạt độc đáo của cư dân đồng bằng sông Cửu Long, là biểu tượng sống động của vùng sông nước. Tuy nhiên, cũng giống như những khu chợ tự phát trên đất liền, các khu chợ nổi tại Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn tồn tại nhiều vấn đề cố hữu, mà nếu giải quyết được, các khu chợ này sẽ trở thành một thế mạnh rất lớn cho việc thu hút du lịch, đồng thời giải quyết nhu cầu phân phối, buôn bán hàng hóa được tốt hơn.

Thứ nhất, vấn đề quy hoạch phát triển chợ. Các chợ này đều mang tính tự phát, không có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chính quyền. Điều này đã nảy sinh tình trạng mạnh ai nấy làm, không có sự phối hợp giữa tiểu thương và các cơ quan quản lý. Các khu chợ nổi thu hút hàng trăm thuyền bè mỗi ngày, tuy nhiên, hầu hết các thuyền bè lại đậu một cách bừa bãi, gây ra tình trạng rối loạn và mất an toàn giao thông đường thủy. Thiết nghĩ, nếu các cơ quan chính quyền vào cuộc, quy hoạch lại các khu chợ nổi này một cách khoa học, phân ra từng khu vực cụ thể như khu vực bán trái cây, khu vực bán đồ ăn, khu vực bán thực phẩm,… thì sẽ tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho việc mua bán và quản lý chợ.

Thứ hai, tình trạng “chặt chém” du khách. Một nải chuối giá 20.000đ (trong khi giá thị trường chỉ 5000đ), một kg chôm chôm giá 25.000đ (giá thị trường chỉ 15.000đ)…. Có thể nói, “chặt chém” là một căn bệnh cố hữu của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, ở Miền Tây chợ nổi là điểm thu hút nhiều du khách nhất. Nếu cứ để tình trạng này xảy ra, sẽ nảy sinh tình trạng du khách sẽ “sợ” về miền Tây như đã sợ Vũng Tàu, Sầm Sơn. Đây sẽ là một thất thu không nhỏ cho nền du lịch của các tỉnh miền Tây nói riêng và cả nước nói chung.

Thứ ba, tình trạng ô nhiễm môi trường do các chợ nổi gây nên. Hầu hết các tiểu thương và cả du khách ở chợ đều xả thẳng các loại rác thải xuống sông. Về lâu dài, đây là một mối nguy cơ làm các dòng sông trở nên ô nhiễm. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng cần có biện pháp tích cực để hạn chế tình trạng này. Có thể sử dụng những chiếc xuồng chuyên làm nhiệm vụ thu gom rác, đồng thời tuyên truyền cho các tiểu thương gom rác lại, và chuyển xuống những xuồng ghe tập trung, đưa đi xử lý.

Trên đây chỉ là ba trong rất nhiều vấn đề cần giải quyết để các khu chợ nổi của Đồng bằng sông Cửu Long trở thành một điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Về lâu dài, các cơ quan quản lý cần có những giải pháp cụ thể để đầu tư, quy hoạch và xây dựng các khu chợ nổi một cách khoa học, phát huy thế mạnh giao thông đường thủy của khu vưc miền Tây Nam bộ.



  • Tags: