Bá Thước là huyện miền núi thuộc tỉnh Thanh Hóa, có diện tích khá rộng thuộc địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đây là huyện có nhiều nông sản đặc trưng, đặc sản phong phú, đa dạng, có giá trị kinh tế cao. Trong những năm gần đây, các nông sản đặc trưng của huyện đã được quan tâm phát triển và tiêu thụ trên thị trường.
Với mục tiêu phát huy lợi thế cây trồng đặc sản phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, năng lực sản xuất của đồng bào DTTS, huyện Bá Thước đã tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế. Từ chủ trương này, huyện Bá Thước đang đẩy mạnh phát triển cũng như hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng có lợi thế của địa phương.
Huyện đã định hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế như tập trung phát triển 400 ha cây ăn quả như: Cam, bưởi, quýt hoi (diện tích phát triển cây quýt hoi khoảng 50 ha), trong đó diện tích cây ăn quả như cam, bưởi tập trung trồng tại các xã: Lũng Cao, Lương Nội, Điền Quang; diện tích phát triển cây quýt hoi tập trung tại các xã Thành Sơn, Thành Lâm, Ban Công, Cổ Lũng, Lũng Niêm. Việc phát triển diện tích cây ăn quả gắn liền với tích tụ tập trung đất đai, tạo ra diện tích trồng quy mô lớn (diện tích từ 0,5 ha trở lên) đáp ứng việc liên kết bao tiêu sản phẩm, đồng thời tạo ra sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp trên địa bàn.
Đẩy mạnh sản xuất nông sản đặc trưng
Trong rất nhiều sản phẩm có giá trị, có thể kể đến một số sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng, đặc sản của Bá Thước như Quýt hôi Quốc Thành, Giảo cổ lam, Mía tím…
- Quýt hôi Quốc Thành
Với khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng, Quýt hôi Quốc Thành khác biệt với các vùng khác, là giống quýt riêng chỉ có ở 6 xã khu vực Quốc Thành (Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Niêm, Cổ Lũng, Lũng Cao).
Hiện, toàn khu vực Quốc Thành của huyện có khoảng 31 ha trồng quýt, trong đó 20 ha đang cho thu hoạch quả. Sản lượng quýt hàng năm cho thu hoạch đạt sản lượng là 121 tấn, với giá bình quân 15.000 - 20.000 đ/kg. Đến nay, sản phẩm Quýt hôi Quốc Thành ngày càng khẳng định chất lượng trên thị trường và được người dân mở rộng quy mô sản xuất.
Để phát triển giống quýt quý này, huyện Bá Thước đã lồng ghép các chính sách hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững hỗ trợ cho nông dân cây giống. UBND huyện Bá Thước cũng đã phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa (trực thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) nghiên cứu, lựa chọn, trình UBND Tỉnh công nhận 6 cây giống đầu dòng và thực hiện đề tài “Phục hồi và phát triển giống quýt hôi trên địa bàn huyện Bá Thước” thuộc nguồn vốn khoa học công nghệ.
- Giảo cổ lam
Cây giảo cổ lam được phân bố ở 6 xã khu vực Quốc Thành (Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Niêm, Cổ Lũng, Lũng Cao).
Từ năm 2012, xác định giảo cổ lam là sản phẩm bản địa, có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng để phát triển kinh tế vùng, UBND huyện Bá Thước đã đầu tư xây dựng mô hình trình diễn trồng di thực cây giảo cổ lam về vườn hộ gia đình.
Đầu ra cho sản phẩm giảo cổ lam rất tốt, thường cung không đủ cầu. Sản phẩm được bán cho các đơn vị như Công ty Dược Đông Á, hoặc các tư thương và người dân tại các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định,… và các huyện trong tỉnh Thanh Hóa.
- Mía tím Bá Thước
Huyện Bá Thước là một trong những địa phương trồng mía tím nhiều nhất ở Thanh Hoá. Mía tím là loại cây trồng được nhiều hộ nông dân ở của huyện tham gia trồng. Đối với cây mía tím, huyện Bá Thước đã tập trung thâm canh, ổn định đến năm 2025 là 500 ha, diện tích tập trung tại các xã Điền Lư, Điền Trung, Điền Quang, thị trấn Cành Nàng, Lương Ngoại, Lương Trung, Ban Công, Thiết Ống; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như: xây dựng hệ thống tưới mía, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất thâm canh, tiến tới xây dựng các hợp tác xã sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cây mía tím cung cho thị trường trong và ngoài huyện.
Ngoài những nông sản đặc trưng nêu trên, huyện Bá Thước còn có giống lúa nếp hạt cau, nếp cái hoa vàng, mía tím cũng được địa phương xác định là sản phẩm đặc sản có lợi thế. Theo đó, đối với lúa gạo đặc sản tập trung tại các ruộng bậc thang ở các xã: Ban Công, Thành Sơn, Thành Lâm, Lũng Niêm, Cổ lũng và Lũng Cao, được trồng với diện tích khoảng 100 ha đã tạo cảnh quan du lịch, vừa là đặc sản phục vụ khách tham quan, du lịch tại địa phương.
Hỗ trợ tiếp cận thị trường tiêu thụ
Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản đặc trưng, đặc sản miền núi của địa phương, huyện Bá Thước đã rất tích cực Hỗ trợ tiếp cận thị trường cho nông dân sản xuất, Thông qua truyền thông cũng như các hội nghị kết nối cung cầu để nông dân sản xuất tiếp cận được xu hướng thị trường, các điều kiện, yêu cầu để cung cấp nông sản đặc trưng, đặc sản vào các trung tâm thương mại, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi tiêu chuẩn chất lượng.
Huyện cũng đã có các chính sách tín dụng đặc thù để các hộ sản xuất yên tâm đầu tư sản xuất nông sản đặc trưng, đặc sản và cung cấp ra thị trường.
Bên cạnh đó, huyện Bá Thước đã tập trung tăng cường tập huấn cho nông dân sản xuất nông sản đặc trưng, đặc sản trong bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm trước khi đưa ra thị trường; Tập huấn, hỗ trợ các nội dung liên quan đến lập kế hoạch trong sản xuất gắn với thị trường cũng như các yêu cầu của kênh phân phối hiện đại để nông dân định hướng sản xuất thích ứng được với sự chuyển đổi của thị trường. Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường cho nông dân sản xuất nông sản đặc trưng, đặc sản miền núi.
Phát triển liên kết trong chế biến, bảo quản, sơ chế để nâng cao giá trị nông sản đặc trưng, đặc sản đáp ứng yêu cầu của kênh phân phối hiện đại;Lựa chọn sản phẩm, xây dựng một số mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi.