Bắc Kạn: 5 kiến nghị về công tác an toàn thực phẩm

Bắc Kạn - “cửa ngõ” của các tỉnh phía Bắc là một địa phương có rất nhiều nỗ lực trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong những năm qua. Để tìm hiểu rõ hơn, Tạp chí Công Thương đã có cuộc trò chuyện với ông Hà Sỹ Thắng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn. Xin trân trọng giới thiệu!

PV: Thưa ông, xin ông cho biết về những kết quả gần đây của tỉnh Bắc Kạn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm?

Ông Hà Sỹ Thắng: Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 142-KH/TU ngày 29/11/2022, UBND các cấp đã thành lập/kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã, các sở, ngành và các địa phương chủ động tuyên truyền, giáo dục, vận động, cung cấp thông tin, tư vấn hỗ trợ pháp luật về đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về an ninh, an toàn thực phẩm, phát huy tính trung thực, nâng cao đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình và từng người dân trong đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Hằng năm đều xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động an toàn thực phẩm, nhất là các đợt cao điểm Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân, Tháng hành động vì ATTP... nên công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên đia bàn tỉnh Bắc Kạn đã thu được những kết quả nhất định, không để xảy ra mất an ninh, an toàn thực phẩm.

Sở Công Thương được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về an an toàn thực phẩm đối với các nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương. Quá trình triển khai thực hiện, Sở đã chủ động tham mưu thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh.

Cụ thể là tham mưu UBND tỉnh phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tại Quyết định số 22/2019/QĐ-UBND ngày 20/11/2019 và quyết định sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 23/2020/QĐ-UBND…

Tiếp theo, tổ chức thực hiện công tác thẩm định, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý; hưỡng dẫn, đôn đốc, theo dõi các cơ sở nhỏ lẻ thực hiện ký cam kết chấp hành các quy định trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của UBND các huyện/thành phố.

an toan thuc pham bac kan
Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương tiến hành kiểm tra tại một số cơ sở kinh doanh về thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Sở thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức cho các hộ kinh doanh thực phẩm tại các chợ, tại địa bàn một số xã để thực hiện hoàn thành tiêu chí số 17 về an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới; đăng tải các quy định mới, tin bài về an toàn thực phẩm trên cổng thông tin điện tử của Sở Công Thương…Hằng năm tham gia cùng đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh thực hiện kiểm tra trong các đợt cao điểm Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm; xây dựng kế hoạch kiểm tra đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương. Thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát đã kịp thời phát hiện các tồn tại, hạn chế và yêu cầu khắc phục, chấp hành nghiệm của định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (năm 2023 Sở thực hiện hậu kiểm tại 07 huyện, thành phố với 16 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, lấy 12 mẫu thực phẩm gửi đơn vị đơn vị kiểm nghiệm, kết quả 12/12 mẫu đạt yêu cầu theo quy định)... 

PV: Thưa ông, ngoài những thuận lợi, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chắc cũng gặp không ít thách thức?

Ông Hà Sỹ Thắng: Đúng thế! Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Bắc Kạn vẫn còn gặp một số khó khăn, tồn tại, hạn chế nhất định như sau: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực an toàn thực phẩm với số lượng tương đối nhiều và được sửa đổi, bổ sung liên tục gây khó khăn trong việc tra cứu, áp dụng; việc phân cấp, hướng dẫn quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm giữa ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương còn chồng chéo, chưa thống nhất; Các quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam áp dụng cho các sản phẩm thực phẩm của ngành Công Thương còn thiếu, chưa đầy đủ, gây khó khăn, lúng túng cho cơ sở trong việc lựa chọn, áp dụng thực hiện kiểm nghiệm các chỉ tiêu để kiểm soát chất lượng sản phẩm; Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm chưa được thường xuyên, liên tục; còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh ở địa bàn vùng sâu, vùng xa khả năng tiếp cận pháp luật hạn chế; việc cập nhật và chấp hành các quy định pháp luật chưa được kịp thời.

an toan thuc pham bac kan cho thi diem
Bắc Kạn thực hiện nhân rộng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương tương đối nhiều và thường xuyên biến động; phần lớn có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, cá nhân/hộ gia đình; sản xuất, kinh doanh mang tính thời vụ nên việc kiểm soát, chấp hành các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Công chức quản lý nhà nước về lĩnh vực an toàn thực phẩm ngành Công Thương chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có kiến thức, trình độ chuyên môn sâu...

PV: Những khó khăn này có được giảm bớt phần nào sau khi Bắc Kạn ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực an toàn thực phẩm không thưa ông? Và kết quả này đã hỗ trợ cho công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn như thế nào?

Ông Hà Sỹ Thắng: Về mặt chiến lược, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 676/QĐ-UBND ngày 26/4/2022 của UBND tỉnh Bắc Kạn; Ban hành Kế hoạch số 278/KH-UBND ngày 25/4/2023 về triển khai thực hiện Đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 371/KH-UBND ngày 15/6/2023 thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 28/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 278/KH-UBND ngày 25/4/2023 về Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn năm 2023; Kế hoạch số 883/KH-UBND ngày 20/12/2023 về Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn năm 2024...

Còn đối với Sở Công Thương, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đã được Lãnh đạo sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và thu được những kết quả cụ thể sau:

Thứ nhất, ban hành quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc triển khai thực hiện Chuyển đổi số Ngành Công Thương tại Quyết định số 72/QĐ-SCT ngày 24/5/2023; kế hoạch chuyển đổi số ngành Công Thương năm 2023 tại Kế hoạch số 85/KH-SCT ngày 29/8/2023; năm 2024 tại Kế hoạch số 48/KH-SCT ngày 29/3/2024; kế hoạch thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính năm 2024 tại Kế hoạch số 14/KH-SCT ngày 30/01/2024...

Thứ hai, tổ chức Hội thi “Tìm hiểu về cải cách hành chính và chuyển đổi số” năm 2023 tại Kế hoạch số 97/KH-SCT ngày 13/10/2023; năm 2024

 Tiếp theo, tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định công khai về danh mục thủ tục hành chính lĩnh vực an toàn thực phẩm; triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến toàn trình trong việc tiếp nhận, trả kết quả và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; 100% hồ sơ TTHC về an toàn thực phẩm được tiếp nhận và trả kết quả trên môi trường điện tử, hệ thống dịch vụ công của tỉnh trước hoặc đúng hạn.

Ngoài ra, thường xuyên cập nhật, đăng tải danh sách tiếp nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Sở Công Thương tạo điều kiện thuận lợi trong việc phối hợp tra cứu thông tin của các cơ quan liên quan.

Sở còn ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử, quảng bá, phát triển và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử uy tín như shoopee, sendo, lazada; sàn thương mại điện tử địa phương backanmarket, Sanviet...

Chúng tôi cũng vui mừng nhận thấy, thời gian qua, nhờ tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số mà công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có những khởi sắc như vậy!

an toan thuc pham bac kan qltt
Đoàn Liên ngành thành phố Bắc Kạn kiểm tra An toàn thực phẩm tại một cơ sở hàng tạp hóa trên địa bàn.

PV: Trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, vai trò của công tác hậu kiểm rất quan trọng. Với tư cách là người đứng đầu ngành Công Thương của tỉnh Bắc Kạn, ông cho biết những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn trong thời gian tới?

Ông Hà Sỹ Thắng: Bắc Kạn luôn nhận thấy công tác kiểm tra, hậu kiểm đảm bảo ATTP đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Thông qua công tác hậu kiểm nhằm tiếp tục tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát hiện những hạn chế, bất cập của pháp luật; giúp nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và đề ra những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế một cách hiệu quả, từ đó góp phần đảm bảo các sản phẩm thực phẩm được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh luôn an toàn, chất lượng.

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đảm bảo ATTP trên địa bàn trong thời gian tới, Sở Công Thương Bắc Kạn kiến nghị một số giải pháp cần được tiếp tục triển khai thực hiện:

- Một là, tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

- Hai là, rà soát sửa đổi, bổ sung đồng bộ, hoàn thiện, thống nhất hệ thống pháp luật về ATTP để triển khai thực hiện hiệu quả.

- Ba là, đề nghị các Bộ ngành Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp trao đổi thông tin về tình hình quản lý ATTP của các ngành; đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ quản lý.

- Bốn là, tiếp tục thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về ATTP; nhận biết các mối nguy đối với thực phẩm; sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng và cơ sở sản xuất, kinh doanh.

- Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm việc chấp hành pháp luật và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hoàng Dương