Hải Dương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Hải Dương đứng thứ 7 cả nước và đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng. Trong công tác quản lý an toàn thực phẩm của Hải Dương cũng có nhiều sáng tạo.
Linh hoạt trong quản lý chợ!
Hải Dương có 186 chợ, trong đó có 3 chợ hạng 1 (2 chợ đầu mối tương đương chợ hạng 1), 20 chợ hạng 2 và 163 chợ hạng 3. Để đảm bảo công tác an toàn thực phẩm tại các chợ, Sở Công Thương Hải Dương thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị quản lý kinh doanh khai thác chợ, các tiểu thương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm đến các tiểu thương và nhân dân tham gia kinh doanh tại chợ; đồng thời đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh mua bán và có biện pháp xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, Sở đã báo cáo UBND tỉnh xem xét hỗ trợ đầu tư xây dựng cho 44 chợ, trong đó 3 chợ xây dựng mới, 41 chợ sửa chữa cải tạo nâng cấp thuộc địa bàn 10 huyện, với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ là 45,5 tỷ đồng. Đến nay, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết phân bổ Kế hoạch đầu tư công hỗ trợ cho 21 chợ, 7 chợ Sở Công Thương đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và đầu tư để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Sở cũng tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Quy định về quản lý phát triển chợ thay thế cho Quyết định số 07/QĐ-UBND ngày 28 tháng 02 năm 2014 của UBND tỉnh, đồng thời đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Quyết định số 06/2018/QĐ-UBND ngày 11 tháng 4 năm 2018 của UBND tỉnh quy định về Quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, Sở còn tích cực phối hợp với các phòng, đơn vị liên quan vận động, khuyến khích các cơ sở quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cử cán bộ tham gia với các ngành chức năng của tỉnh tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại một số chợ thông qua công tác thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Qua kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm nói chung và tại các chợ nói riêng.
Ông Quang cũng có biết, trên địa bàn Hải Dương, ngoài hệ thống chợ ra còn có 70 cửa hàng bán lẻ và 3.000 cửa hàng tạp hóa nằm trong khu dân cư kinh doanh hàng bao gói sẵn của các công ty. Các cơ sở này thực hiện công tác an toàn thực phẩm rất tốt, 100% không bán hàng quá hạn sử dụng, đảm bảo đúng tiêu chí. Ngược lại, hệ thống chợ do nhà nước đầu tư và quản lý thì khá xuống cấp đồng thời công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ thì không có sổ sách, bàn giao, nên rất khó quản lý, phó mặc cho các địa phương mà cụ thể là các xã.
"Đứng trước thực tế này, Sở Công Thương Hải Dương đã đề xuất kiến nghị cũng như với các địa phương để quan tâm đầu tư, tuy nhiên vẫn đang chờ. Do đó, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh dùng ngân sách đầu tư công địa phương để hỗ trợ ngân sách cho huyện để làm những việc như sửa chữa mái, làm lại đường thoát nước… Sau tháng 12, trong số 44 chợ xuống cấ[ nhất đó sẽ có ít nhất sẽ có 28 chợ được cải tạo khang trang, là điều kiện tốt để đảm bảo an toàn thực phẩm" - ông Quang cho biết.
Thủ tục hành chính được cải cách, công nghệ thông tin được ứng dụng
Thời gian qua, Sở Công Thương đã tổ chức rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy trình thực hiện thủ tục hành chính cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, đồng thời đề nghị điều chỉnh thống nhất dữ liệu trên các trang thông tin điện tử nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện.
Các thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm được công bố công khai tại Trung tâm phục vụ hành chính công, trang thông tin điện tử của Sở và được thực hiện cung cấp dịch vụ công Mức độ 4. 100% thủ tục hành chính được giải quyết đúng và trước thời hạn đem lại sự hài lòng đối với các tổ chức, cá nhân khi thực hiện, không phát sinh đơn thư khiếu nại- tố cáo.
Hơn nữa, cán bộ, công chức được tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ. Đến nay 100% cán bộ công chức sử dụng thành thạo vi tính, các công việc đều được thực hiện trên môi trường điện tử.
Truyền thông đa dạng, phù hợp từng đối tượng
Công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm được Sở Công Thương; UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện thường xuyên, liên tục, thông qua nhiều hình thức đa dạng phong phú, phù hợp với từng đối tượng, như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông (Báo Hải Dương, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Đài phát thanh, truyền thanh hai cấp huyện, xã); xây dựng các chuyên mục, phóng sự, đưa tin bài về an toàn thực phẩm; viết, đưa tin bài trên trang thông tin điện tử v.v. Nội dung tuyên truyền tập trung là các kiến thức về an toàn thực phẩm, các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh; trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm…để các tổ chức, cá nhân và người dân biết thực hiện theo quy định.
Tính đến 31/10/2024, Sở Công Thương đăng 05 tin, bài, chuyên mục về an toàn thực phẩm trên Báo Hải Dương, trang thông tin điện tử của ngành; phát sóng 02 phóng sự trên Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, 10.000 tờ gấp tuyên truyền ngày quyền người tiêu dùng; tổ chức 02 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm tại huyện Tứ Kỳ và huyện Gia Lộc cho đại diện Lãnh đạo Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng; Lãnh đạo UBND, cán bộ chuyên môn UBND xã; Trưởng thôn, khu dân cư; đại diện một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm với hơn 300 lượt người tham dự; tổ chức hoạt động tuyên truyền lồng ghép trong chuỗi hoạt động hưởng ứng ngày Quyền người tiêu dùng 15/3 với số hơn 400 lượt người tham dự.
Bên cạnh đó, Sở còn thường xuyên tuyên truyền lồng ghép các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, chủ động hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt các quy định về vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm; việc sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất sứ rõ ràng, phổ biến, giám sát việc thực hiện điều kiện kiến thức và sức khỏe của người trực tiếp chế biến thực phẩm, vệ sinh an toàn trong chế biến, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh, sử dụng thực phẩm và phụ gia thực phẩm góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm thông qua hoạt động nghiệp vụ chuyên môn của đơn vị.
Có thể nói, trong nhiều năm qua, Sở Công Thương Hải Dương đã thực hiện đúng yêu cầu của Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ; chấp hành đúng các quy định của Bộ Công Thương về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Tiếp tục nhân lên những thành quả này, thời gian tới, Sở Công Thương Hải Dương cần chủ động, tích cực phối hợp với Cục Quản lý thị trường, các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm, chú trọng các cơ sở cung cấp thực phẩm cho tập thể, các kho hàng thương mại, tập trung chỉ đạo các phòng chức năng tăng cường quản lý để ngăn chặn rượu, nước giải khát giả,… kém chất lượng, nhập lậu, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh; đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… Đây chính là những nhiệm vụ chiến lược của ngành Công Thương Hải Dương trong cuộc chiến bảo vệ người dân tránh khỏi những tác hại của thực phẩm không an toàn!