Nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ những viên đá

Trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nước đá, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của đá viên luôn đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Nước đá không chỉ là một sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày mà còn là một phần không thể thiếu trong ngành dịch vụ thực phẩm và giải khát.

Nhan nhản đá không an toàn

Tại các bến xe, cổng bệnh viện, nơi công sở… dễ dàng bắt gặp các quán giải khát, trà đá di động sử dụng loại đá không nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm, không tiêu chuẩn chất lượng để pha chế nước giải khát cho người tiêu dùng. Tại nhiều quán hàng, người kinh doanh còn bảo quản đá lạnh trong những thùng xốp nhỏ cáu bẩn, dùng tay trần bốc đá. Đáng lưu ý là một số quán còn sử dụng đá cây - loại đá chỉ được dùng để ướp thực phẩm để pha chế...

Người tiêu dùng không ngần ngại uống nước tại các quán cóc ở đây mà không biết rằng nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao, bởi những viên đá lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không biết nguồn nước và quá trình sản xuất có bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hay không. Thậm chí, ngay trong quá trình pha chế nước giải khát cho người dùng, người bán hàng ở những nơi đây cũng không thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

an toan thuc pham da vien

Nước đá nếu sản xuất theo dây chuyền không bảo đảm an toàn và sử dụng nguồn nước giếng khoan, hay nguồn nước không qua xử lý sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Các xét nghiệm đã chỉ ra rằng, nước đá "bẩn" dễ nhiễm vi khuẩn E.coli, Coliforms, Feacal streptoccoc có thể gây bệnh đường ruột, tiêu chảy cấp, một số gây suy thận, nhiễm khuẩn đường huyết. Riêng vi sinh Pseudomonas aeruginosa (còn gọi trực khuẩn mủ xanh) có trong nước đá "bẩn" nếu xâm nhập vào phổi, thận, đường tiết niệu... còn gây tử vong. Hơn nữa sản xuất nước đá chưa xử lý nguồn nước còn có nguy cơ tồn dư kim loại nặng, hóa chất (như: Thủy ngân, chì, asen, kẽm...) là mối nguy hại nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.

Cơ sở sản xuất nước đá có phải đảm bảo an toàn vệ sinh không?

Theo Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT, tất cả các cơ sở sản xuất và kinh doanh nước đá (bao gồm đá cục, đá viên, đá bào…) đều bắt buộc phải tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Để hoạt động hợp pháp, các cơ sở này phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm do Chi cục An toàn thực phẩm cấp, với thời hạn hiệu lực là 3 năm kể từ ngày cấp.

an toan thuc pham vien da

Việc tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là trách nhiệm của các cơ sở đối với sức khỏe người tiêu dùng. Chi cục An toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất để đảm bảo các sản phẩm nước đá được sản xuất trong điều kiện an toàn. Các cơ sở vi phạm, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, có thể bị xử phạt nghiêm khắc, thậm chí đối diện với nguy cơ đình chỉ hoạt động kinh doanh.

Để được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ sở sản xuất nước đá phải tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt về địa điểm và điều kiện cơ sở hạ tầng. Trước hết, địa điểm sản xuất và kinh doanh nước đá phải được xây dựng cách xa các nguồn ô nhiễm như bãi rác, cống rãnh, hoặc mương nước bẩn, nhằm giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn trong quá trình sản xuất.

Nguồn nước sử dụng cho sản xuất phải là nước sạch từ nguồn nước thủy cục, giếng khoan an toàn, hoặc nước biển đã qua xử lý, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng nước. Cơ sở cũng cần có nguồn điện ổn định, đủ đáp ứng nhu cầu của quá trình sản xuất liên tục. Đồng thời, khu vực sản xuất phải được thiết kế để tránh tình trạng đọng hoặc ngập nước, đảm bảo môi trường sản xuất luôn khô ráo và an toàn.

Những điều kiện này không chỉ giúp cơ sở đáp ứng quy định pháp lý mà còn tạo nền tảng cho việc sản xuất ra các sản phẩm nước đá an toàn, chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Hoàng Quân