Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm của ngành Công Thương Cao Bằng đã đạt những kết quả đáng ghi nhận như: Công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới được thực hiện nghiêm túc; việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương đã đạt được những kết quả nhất định; hoạt động hậu kiểm được triển khai có trọng tâm, trọng điểm… Nhờ đó, quyền lợi cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã phần nào được đảm bảo.
Để hiểu rõ thêm nữa những nỗ lực của ngành Công Thương Cao Bằng trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thời gian qua. Phóng viên Tạp chí Công Thương có cuộc trao đổi với bà Đồng Thị Kiều Oanh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng.
Thực hiện nghiêm túc việc quản lý về an toàn thực phẩm
PV: Bà đánh giá thế nào về tình hình thực hiện an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng trong thời gian gần đây? Những thuận lợi và thách thức phát sinh hiện nay?
Bà Đồng Thị Kiều Oanh: Trong thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm của Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng được thực hiện nghiêm túc theo Luật an toàn thực phẩm, các nghị định của Chính phủ quy định Điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và các chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Nhờ đó đã đạt được một số kết quả điển hình.
Cụ thể, 100% số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý đã được Sở Công Thương cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và thực hiện cam kết chấp hành các quy định trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ với UBND các huyện/thành phố. Các cơ sở duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đúng quy định.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Công Thương đã thực hiện hậu kiểm tại 7 huyện/thành phố và 26 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho 550 học viên là chủ cơ sở và nhân viên tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành công thương trên địa bàn tỉnh; Công tác kiểm tra, giám sát được triển khai thường xuyên, thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã có chuyển biến tích cực trong chấp hành chấp hành tốt các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, vẫn còn một số thách thức phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng như: Việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa thực sự rộng khắp và hiệu quả nên còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ ở địa bàn vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng được các quy định về điều kiện trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Ngoài ra, các văn bản liên quan về lĩnh vực an toàn thực phẩm có số lượng lớn, trong khi đó, khả năng tiếp cận quy định pháp luật của các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn còn nhiều hạn chế, nên việc cập nhật và chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở chưa được kịp thời, dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện; Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhiều và thường xuyên biến động, phần lớn quy mô nhỏ lẻ, manh mún, cá nhân/hộ gia đình là chủ yếu, một số lớn sản xuất, kinh doanh mang tính thời vụ nên việc kiểm soát và chấp hành các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, công chức phụ trách quản lý nhà nước lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực Công Thương tại Phòng Kinh tế thành phố, Phòng kinh tế và Hạ tầng các huyện không có chuyên môn nghiệp vụ, chuyên ngành liên quan về an toàn thực phẩm nên trong công tác quản lý lĩnh vực an toàn thực phẩm của còn gặp khó khăn.
Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý an toàn thực phẩm
PV: Được biết trong những năm gần đây, ngành Công Thương Cao Bằng đã ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác an toàn thực phẩm. Xin bà cho biết kết quả của ứng dụng này đã hỗ trợ cho công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn như thế nào?
Bà Đồng Thị Kiều Oanh: Việc ứng dụng, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý an toàn thực phẩm tại Cao Bằng đã đạt được những kết quả nhất định như: Giúp hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Công Thương lưu giữ thông tin cơ bản nhất về các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thường xuyên cập nhật, đăng tải danh sách tiếp nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm trên trang Thông tin điện tử của Sở Công Thương Cao Bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc phối hợp tra cứu thông tin của các cơ quan liên quan trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm. Ví dụ như trong quá trình nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm, cơ quan Hải quan cửa khẩu chỉ cần tra cứu danh sách tiếp nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm trên trang Thông tin điện tử của Sở Công Thương Cao Bằng là có thể giải quyết các thủ tục tiếp theo trong quy trình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu…
Cùng với đó là ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm bằng nhiều hình thức như: Livestream bán hàng trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội: Facebook, zalo, tiktok...; liên kết đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử (Shopee, Lazada, voso.vn, Postmart.vn...). Qua đó đã hỗ trợ tích cực trong hoạt động quản lý nhà nước của ngành cũng như phục vụ nhu cầu khai thác thông tin của các tổ chức, cá nhân.
Hoạt động hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm
PV: Bà đánh giá như thế nào về vai trò, ý nghĩa của công tác hậu kiểm đối với nỗ lực đảm bảo an toàn thực phẩm nói chung và đối với Cao Bằng nói riêng? Đồng thời, bà có những kiến nghị gì để nâng cao hiệu quả hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn trong thời gian tới?
Bà Đồng Thị Kiều Oanh: Vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (Đoàn công tác số 04) do Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương chủ trì đã kiểm tra, làm việc với Sở Công Thương và một số đơn vị liên quan tỉnh Cao Bằng, Đoàn kiểm tra ghi nhận những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện công tác bảo đảm về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Theo chúng tôi, ý nghĩ của công tác hậu kiểm giúp giảm thời gian, chi phí và giảm rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục tình trạng quản lý chồng chéo, nhiều tầng nhiều lớp, trùng lặp; tạo sự linh hoạt, chủ động cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở các cấp, thông qua hoạt động hậu kiểm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; triển khai hoạt động hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm.
Bên cạnh đó, công tác hậu kiểm còn có tác dụng đánh giá việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển thực phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm theo sự phân công trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, trên cơ sở hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật. Qua công tác hậu kiểm, tiếp tục tuyên truyền chính sách pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn trong thời gian tới, Sở Công Thương Cao Bằng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Công Thương trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Đồng thời, Sở cũng đề xuất Bộ Công Thương tăng cường tổ chức tập huấn công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với cán bộ cấp Sở và kiến thức thực hành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện thú vị!