Kiểm nghiệm thực phẩm đưa ra kết quả chính xác sẽ đáp ứng kịp thời yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm. Vừa qua, tại Hà Nội, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, Bộ Y tế đã tổ chức khai mạc Hội nghị Khoa học quốc tế về Kiểm nghiệm thực phẩm 2024.
Những năm gần đây, thực phẩm phong phú về chủng loại và đa dạng về mẫu mã lưu thông rộng rãi trên thị trường. Một số sản phẩm thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp tích cực nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm đồng thời chủ động phối hợp trong xây dựng quy định, chính sách pháp luật và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các cơ sở vi phạm quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Kiểm nghiệm thực phẩm đưa ra kết quả chính xác sẽ đáp ứng kịp thời yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm.
Được sự quan tâm của Chính phủ và Bộ Y tế, hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm tại Việt Nam đã được đầu tư, tuy nhiên, trang thiết bị hiện đại vẫn chủ yếu tập trung tại tuyến Trung ương. Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan đang tích cực nâng cao năng lực kiểm nghiệm đối với tuyến địa phương thông qua các hình thức: Cải tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật, từng bước đầu tư trang thiết bị, chuyển giao công nghệ, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác kiểm nghiệm.
Những thông tin tại Diễn đàn hội nghị Khoa học quốc tế về kiểm nghiệm thực phẩm 2024 mới đây của Bộ Y tế đã cho thấy các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu trong nước đang tiếp cận với phương thức quản lý thực phẩm hiệu quả và phổ biến hiện nay trên thế giới là quản lý dựa trên nguy cơ.
Diễn đàn đã giúp các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm gặp gỡ, trao đổi, kết nối, học tập kinh nghiệm để xây dựng lộ trình hợp tác nghiên cứu khoa học đối với các kỹ thuật kiểm nghiệm an toàn thực phẩm tiên tiến của các nước nhằm chia sẻ thông tin các thành tựu mới về khoa học kiểm nghiệm làm cơ sở định hướng phát triển hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm tại Việt Nam.
Những kết quả này sẽ làm cơ sở trong việc xây dựng, triển khai các kỹ thuật kiểm nghiệm tiên tiến, đào tạo nhân lực, cải tạo và nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật, bổ sung thiết bị hiện đại, xây dựng các phương pháp thử khó và mang tính chất phức tạp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và dần giải quyết được tính phức tạp của mẫu thực phẩm ngày càng đa dạng hơn đang lưu thông trên thị trường.
Trong những năm gần đây, hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm tại Việt Nam được chú trọng đầu tư từ nhiều nguồn kinh phí đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của ngành kiểm nghiệm thực phẩm. Tổ chức Y tế thế giới đã nhấn mạnh việc tăng cường sử dụng bằng chứng khoa học thông qua đánh giá nguy cơ để đưa ra các quyết định quản lý an toàn thực phẩm dựa trên nguy cơ và truyền thông nguy cơ để mỗi quốc gia đều đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu bệnh truyền qua thực phẩm lên người.
Với vai trò là đơn vị kiểm nghiệm thực phẩm tuyến cao nhất của ngành Y tế, trên cơ sở quyết định của Bộ Y tế về việc thành lập Trung tâm đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm, Viện Kiểm nghiệm kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia tổ chức hội nghị khoa học này với mong muốn kết nối các phòng thí nghiệm không chỉ về kỹ thuật kiểm nghiệm, mà còn về đánh giá nguy cơ, từ đó thiết lập những chuẩn mực, phương pháp đánh giá nguy cơ theo đúng hướng dẫn của Codex, tạo thành mạng lưới đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm tại Việt Nam gồm sự chung tay của các phòng thí nghiệm, trường đại học và các tổ chức quốc tế.
Trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn hiện nay, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đòi hỏi sự nỗ lực và vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương. Sự đóng góp trí tuệ và sức lực của các nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước tại Hội nghị có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Viện trưởng Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia Lê Thị Hồng Hảo khẳng định: “Khoa học kiểm nghiệm thực phẩm là một chuyên ngành đòi hỏi sự quan tâm, đồng hành của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc đầu tư đồng bộ và hiệu quả từ phát triển nguồn nhân lực chuyên môn sâu, có nhiệt huyết cống hiến cho khoa học đến xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy móc tiên tiến và hiện đại nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu ngày càng cao của xã hội”.