Công tác hậu kiểm còn nhiều khó khăn
Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 107 chợ, trong đó có 104 chợ kinh doanh thực phẩm, hầu hết là chợ dân sinh truyền thống. Trong số 2.695 cơ sở thuộc lĩnh vực Công Thương, cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện/ký bản cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm cho 2.604 cơ sở, đạt tỷ lệ 96,6%. Đã tiếp nhận và đăng tải 308 bản tự công bố sản phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực Công Thương.
Mới đây, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh nhằm kiểm tra công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2024.
Từ đầu năm đến nay, Ban đã tiến hành kiểm tra 115 cơ sở thuộc lĩnh vực Công Thương; kết quả, 87 cơ sở đạt, nhắc nhở 23 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 5 cơ sở với số tiền 32,5 triệu đồng với các lỗi vi phạm chủ yếu: buôn bán sản phẩm thực phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm nhưng không có hồ sơ tự công bố theo quy định; không phân loại, bảo quản riêng biệt thành phẩm hoặc bán thành phẩm bị hỏng, hết hạn sử dụng với các sản phẩm để phục vụ kinh doanh; khu vực kho bảo quản không đầy đủ giá kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh… Tiến hành lấy 12 mẫu hậu kiểm với các sản phẩm: Rượu, sữa đậu nành, bánh đa nem, bánh quy; kết quả, 100% mẫu bảo đảm chất lượng theo quy định.
Theo phản ánh của Ban Quản lý an toàn thực phẩm Bắc Ninh, quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn liên quan đến việc kiểm soát độ an toàn và truy suất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm tại các chợ; quản lý trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; một số cơ sở sản xuất thực phẩm tự công bố một cách ồ ạt nhưng sau đó không tiến hành sản xuất hoặc nhập khẩu nên gây khó khăn cho công tác giám sát, thực hiện kế hoạch hậu kiểm... Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh tỉnh đề nghị các cơ quan Trung ương sớm có hướng dẫn mô hình tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo tinh thần chỉ Chị 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư; sớm sửa đổi quy định thẩm quyền xử phạt hành chính về ATTP phù hợp đối với cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm; xây dựng, thẩm định, ban hành thêm các Quy chuẩn trong lĩnh vực an toàn thực phẩm...
Đoàn công tác đề nghị Ban Quản lý an toàn thực phẩm tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; đẩy mạnh hơn nữa công tác hậu kiểm, đặc biệt quan tâm công tác hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trong đó có các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Phối hợp chặt chẽ đối với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc phát triển hệ thống phân phối thực phẩm đảm bảo an toàn, tham gia các hội nghị, hội chợ có liên quan, chia sẻ thông tin về các cơ sở sản xuất rượu; triển khai các văn bản pháp luật có liên quan lĩnh vực quản lý…
Xây dựng chuỗi cung ứng an toàn
Nổi bật từ năm 2021 đến nay, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có những chuyển biến tích cực, cụ thể là không có vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc, số ca ngộ độc thực phẩm ngày càng giảm rõ rệt… Đó là vì Bắc Ninh đã có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế địa phương, trong đó có việc xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Đây được xem là một trong những giải pháp cốt lõi được địa phương đặc biệt chú trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm.
Tỉnh Bắc Ninh hiện có hơn 10.600 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm với hơn 10.300 cơ sở, đạt trên 97% được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có hơn 2.900 cơ sở; bao gồm 432 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, 506 cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và tương đương, 1.996 cơ sở thực hiện ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Bắc Ninh có 2.441 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô từ 3 ha trở lên, với tổng diện tích là 11.449ha; 270 vùng trồng rau, màu chuyên canh quy mô từ 2ha trở lên và có 94 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, quy mô từ 1ha trở lên; có 98 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Ngoài ra, toàn tỉnh có 670 trang trại chăn nuôi. Trong đó, trang trại quy mô lớn là 44 trang trại, quy mô vừa là 118 trang trại; quy mô nhỏ là 508 trang trại; quy mô chăn nuôi nông hộ là 43.226 hộ. Trên địa bàn tỉnh có 173 hộ nuôi cá lồng trên sông và trên 9.000 hộ nuôi trồng thủy sản trong ao. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 4.787,8ha.
Những con số này cho thấy việc xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn có vai trò vô cùng quan trọng, vừa góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhân dân lại vừa thúc đẩy kinh tế, sản xuất công nghiệp phát triển. Để đạt được thành công này, Bắc Ninh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm… Tính “đa lợi ích” của việc phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn còn ở chỗ có tác dụng nâng cao hiệu quả sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đạt chuẩn, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm. Qua đó mới tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của người dân trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.