Tăng cường kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm

Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương chỉ đạo tăng cường kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm và thông báo công khai các vi phạm.
an toàn thực phẩm
Chính phủ yêu cầu Tăng cường kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm 

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 399/TB-VPCP ngày 28/8/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.

Thông báo nêu: Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo; đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo với hệ thống các giải pháp đồng bộ, phù hợp. Các bộ, cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương đã có nhiều cố gắng thực hiện tương đối có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và đạt nhiều kết quả, tiếp tục tạo các chuyển biến tích cực trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên toàn diện các lĩnh vực.

Nhiều chương trình, đề án quản lý an toàn thực phẩm tiếp tục được xây dựng và triển khai; hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm được tăng cường và kiên quyết hơn, lực lượng công an tích cực công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thực phẩm; nhiều địa phương (như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) tiếp tục có những giải pháp, mô hình, cách làm mới, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Tuy nhiên, nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn đang hiện hữu ở một số địa phương, trong đó đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm với nhiều người mắc phải nhập viện điều trị; số vụ vi phạm được phát hiện gia tăng, gây ra những lo ngại về thực phẩm không an toàn trong Nhân dân; trong khi yêu cầu về quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm ngày càng cao trong bối cảnh nguồn lực quản lý, đội ngũ cán bộ, tổ chức bộ máy quản lý về an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới các bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong khuôn khổ nguồn lực hiện có; tiếp tục thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21 tháng 10 năm 2022 của Ban Bí thư, Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo về quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm của cấp có thẩm quyền.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế quản lý an toàn thực phẩm, trong đó nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật An toàn thực phẩm theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khả thi, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập hiện có và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xử lý sớm vấn đề sử dụng, thanh toán chi phí khi sử dụng kit test thực phẩm phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5984/VPCP-KGVX ngày 22 tháng 8 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ về Hệ thống cơ sở dữ liệu an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng thực phẩm an toàn

Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp chặt chẽ, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, nhất là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền theo hướng vận động, hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng thực phẩm an toàn, nâng cao văn hóa tiêu dùng thực phẩm an toàn.

Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương chỉ đạo tăng cường kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm và thông báo công khai các vi phạm.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở vận hành mô hình Ban Quản lý an toàn thực phẩm, có đánh giá, đề xuất về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01 tháng 12 năm 2024.

Bộ Y tế nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trước ngày 02 tháng 9 năm 2024.

Theo báo cáo tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sáng 23/8,  6 tháng đầu năm 2024 toàn ngành Y tế kiểm tra trên 232,7 nghìn cơ sở, phát hiện trên 15 nghìn cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, giảm so với cùng kỳ năm 2023 (40.403 cơ sở); đã xử lý 3.341 cơ sở, phạt tiền 2.285 cơ sở với số tiền phạt 19,86 tỷ đồng. 

Ngành nông nghiệp thanh tra 4.659 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hành chính 232 cơ sở, giảm so với cùng kỳ năm 2023 (11%) với số tiền phạt 2,228 tỷ đồng.

Ngành Công Thương kiểm tra 3.068 vụ; xử lý 2.488 vụ; xử phạt 18,17 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy 17,5 tỷ đồng. Các đơn vị trong Công an nhân dân đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 3.060 vụ với 3.074 đối tượng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, khởi tố 6 vụ/10 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 2.111 vụ với gần 1.999 cá nhân, 119 tổ chức, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 9 tỷ đồng; chuyển cơ quan khác xử phạt theo thẩm quyền 456 vụ, tổng số tiền phạt 4,19 tỷ đồng.

Công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm được triển khai quyết liệt và đồng bộ, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các sự kiện, hội nghị lớn của quốc gia, không để có sự cố về an toàn thực phẩm đối với các sự kiện lớn của quốc gia và quốc tế tại Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 70 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 2.942 người mắc và 12 trường hợp tử vong, tăng cả về số vụ và số mắc so với cùng kỳ năm trước.

Trước ý kiến của các Bộ, địa phương về vấn đề tăng biên chế cho công tác này, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, tăng thêm biên chế là rất khó khăn, mỗi nơi thêm một người cũng không ăn thua, cần nghĩ thêm giải pháp khác. Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất hoàn thiện thể chế, trong đó đề xuất sửa đổi Luật ATTP, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP theo trọng tâm, trọng điểm và có đầu ra, giải pháp phải khả thi.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý 3 Bộ: Y tế; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương vận hành đúng công suất, thiết thực hệ thống cơ sở dữ liệu, tiếp tục đầu tư trong khả năng của mình để làm giàu cơ sở dữ liệu, kết nối với hệ thống của Bộ Y tế để vận hành một cách thông suốt. Các cơ quan truyền thông, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp chú trọng truyền thông hướng dẫn tiêu dùng thông minh.

Xuân An