Mối nguy hiểm thầm lặng
Loại đồ ăn phổ biến loại này phổ biến nhất là một món mà giới trẻ gọi vui là ‘‘xiên bẩn’’, thực tế là những thực phẩm đóng gói sẵn trong những túi nilong đựng thực phẩm không có bao bì dưới nhiều hình thức đa dạng từ nem chua, xúc xích cho đến hồ lô, cá viên … được xiên qua que tre và chiên trong một thứ dầu đã ngả màu đen kịt. Được vận chuyển rất vui mắt bằng chiếc xe lưu động được trang trí khá mầu sắc, món đồ ăn này hấp dẫn cơ man học sinh đứng vây quanh, háo hức chờ đợi để được lấp đầy cái bụng.
Thực tế, chỉ nhìn bằng mắt thường, ai cũng thấy những đồ ăn chế biến trước cổng trường khó có thể bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tệ hơn là chẳng có một ai có thể quản lý được chất lượng và độ an toàn vệ sinh thực phẩm của những thực phẩm này. Riêng việc sử dụng các loại dầu ăn không rõ nguồn gốc đã là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây hại đến sức khỏe. Điển hình là ngộ độc thực phẩm, bởi lẽ ‘‘xiên bẩn’’ thường được chế biến trong điều kiện không hợp vệ sinh, sử dụng nguyên liệu không có nguồn gốc, cách bảo quản cũng không đúng quy cách. Điều này có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa…
Có thể thấy nguyên nhân là vì thực phẩm này thường tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài mà không được che đậy cẩn thận, dễ bị nhiễm khuẩn từ khói bụi, côn trùng và tay người bán. Đặc biệt, quy trình chế biến trên xe đẩy thường không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh tối thiểu. Các dụng cụ như dao, thớt, chảo chiên không được vệ sinh kỹ lưỡng, và người bán thường sử dụng tay trần để chế biến, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn mà không dùng găng tay hoặc khẩu trang.
Không chỉ dừng lại ở đó, việc sử dụng và tiêu thụ dầu ăn đã qua sử dụng nhiều lần hoặc các loại phụ gia, hương liệu không rõ nguồn gốc trong thời gian dài có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như ung thư, tổn thương gan và thận.
Mới đây, một nam học sinh lớp 8, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn với tình trạng nôn nhiều, đau quặn bụng, da mặt tái. Khám lâm sàng, trẻ được chẩn đoán ngộ độc thực phẩm. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi có các chỉ số về nhiễm khuẩn tăng cao; siêu âm bụng có tăng tiết dịch trong đường ruột. Hay tại Nha Trang, 12 học sinh trường THPT Nguyễn Văn Trỗi sau khi ăn sáng, trưa trước cổng trường, phải nhập viện điều trị.
Số liệu từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, có tới 70 - 80% thức ăn đường phố, trong đó có quà vặt cổng trường được xác định là bị nhiễm khuẩn, như: E.coli gây tiêu chảy, bệnh đường ruột...xuất phát từ các dụng cụ chế biến, tay người bán hoặc môi trường bẩn. Càng tiêu thụ thực phẩm nhiễm khuẩn, tỉ lệ gây ra các bệnh tiêu hóa nguy hiểm càng tăng cao. Đồng thời, tiêu thụ đồ ăn nhiễm bẩn lâu dài có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm bệnh hơn.
Nhà trường và xã hội chung tay
Vai trò của Nhà trường được nêu lên đầu tiên. Đối phó với tình trạng mất an toàn thực phẩm trong các trường học, các trường cần nâng cao trách nhiệm của Ban Giám hiệu, Ban phụ huynh học sinh trong công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại khu vực trường học.
Nhiều trường học đã có những quy định về việc học sinh tới trường không được ra khỏi cổng trường, cũng không được mua đồ ăn vặt và mang vào lớp học. Nhưng bằng cách này hay cách khác của tuổi “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”, các em vẫn mua được những món đồ ăn vặt bán la liệt đó.
Đa số nhà trường đã và đang nỗ lực tuyên truyền cho học sinh về vấn đề an toàn thực phẩm. Các phụ huynh cũng ý thức được rất rõ nguy hại của vấn đề mất an toàn vệ sinh, ngộ độc thực phẩm từ sản phẩm trôi nổi ngoài cổng trường.
Thực tế, đáng buồn là lời “nói không” của giới trẻ trước những cám dỗ thực phẩm khó được đưa ra và chúng để cơn đói đè bẹp mọi nhận thức, kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chính vì vậy, để bảo vệ học sinh trước sự “mê hoặc” của thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, về phía xã hội, cần có sự can thiệp mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý. Để đảm bảo môi trường an toàn cho học sinh, việc cấm hoàn toàn các xe đẩy bán hàng rong tại khu vực cổng trường có thể là một giải pháp, nhưng cần có sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ từ phía phụ huynh, học sinh và nhà trường. Quan trọng hơn, cần tăng cường giáo dục về an toàn thực phẩm cho học sinh, giúp các em nhận thức rõ ràng về những nguy hại tiềm ẩn từ việc tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc.