Bắc Ninh: “Tìm lời giải” để phát triển bền vững các cụm công nghiệp

Đưa ra cái nhìn chính xác, khách quan, đa chiều về thực trạng từ đó tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn… đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp (CCN) là mục tiêu của Hội thảo khoa học: Giải pháp nâng cao năng lực quản lý đối với các CCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, do Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh tổ chức ngày 17/9/2019.

Vai trò không thể phủ nhận với sự phát triển của địa phương

Như khẳng định của đại diện Sở Công Thương Bắc Ninh tại Hội thảo, qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, các CCN đã đóng góp vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GDP của Tỉnh, tạo nhiều việc làm, làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chuyển từ kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp của Bắc Ninh.

Hội thảo Cụm Công nghiệp Bắc Ninh
Hội thảo Cụm công nghiệp Bắc Ninh

Việc hình thành và phát triển CCN đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Tỉnh, đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Ngoài ra, các CCN làng nghề đã đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của các làng nghề, giải quyết được nhiều vấn đề bứt thiết trong phát triển sản xuất: Hình thành khu vực sản xuất tập trung ở khu vực làng nghề; di dời được sản xuất ra ngoài khu dân cư; tạo mặt bằng cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều kiện để phát triển; tạo điều kiện xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề…

Ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh - cho biết, lũy kế đến 31/3/2019, Bắc Ninh đã thu hút được 331 dự án đầu tư vào các CCN (trong đó có 144 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 441,84 triệu USD; 187 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 8.260,78 tỷ đồng).

Khu Công nghiệp Bắc Ninh
Bên cạnh các KCN, CCN đã đáp ứng được nhu cầu, giải quyết được nhiều vấn đề bức thiết trong phát triển sản xuất

Trên địa bàn Tỉnh đã có 854 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động trong các CCN, với tổng số vốn điều lệ đăng ký là 16.937,78 tỷ đồng (chiếm 7,9% tổng số vốn điều kệ đăng ký của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh).

Theo ông Ngọc, những năm qua, các doanh nghiệp trong các CCN đã có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội chung toàn Tỉnh. Giá trị sản xuất, thuế và khoản nộp ngân sách nhà nước tăng đều qua các năm. CCN thu hút một lượng không nhỏ lao động vào làm việc, góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội tại địa phương...

Nhiều bất cập cần tháo gỡ

Bắc Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển các khu, CCN. Tính đến thời điểm hiện nay, Tỉnh đã có 24 CCN đã được đầu tư thành lập, trong đó có 17 CCN đã đi vào hoạt động và có doanh nghiệp thứ cấp thuê với diện tích đạt 547,09ha; 7 CCN đang tiến hành đầu tư hạ tầng. Theo dự án được phê duyệt, Tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của các CCN đạt hơn 5 nghìn tỷ đồng.

Trong quá trình phát triển, các CCN nói chung tại Bắc Ninh nói riêng cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục để tiếp tục hoạt động theo đúng quy định, theo hướng phát triển bền vững.

Đi sâu phân tích nhiều tham luận tại hội thảo đã chỉ ra: Cơ sở hạ tầng của phần lớn CCN tại Bắc Ninh hầu hết chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh. Đến nay chỉ có 2 CCN có trạm xử lý nước thải tập trung hoạt động là Phong Khê và Đông Thọ, bên cạnh đó thì một số lại gây ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là các CCN làng nghề (Giấy Phong Khê, tái chế nhôm Mẫn Xá…)

CCN làng nghề
Lúng túng, vướng mắc trong quản lý khiến nhiều hạ tầng kỹ thuật nhiều CCN xuống cấp nghiêm trọng.

Ngoài ra công tác quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN tại Bắc Ninh có nhiều bất hợp lý, tồn tại nhiều mô hình chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng lớn đến hoạt động CCN…

Điển hình tại các Cụm do UBND cấp xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tuy được đầu tư nhưng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu theo quy định, các hạng mục môi trường chưa được đầu tư đầy đủ. Nguồn vốn đầu tư hạ tầng được thực hiện dựa trên đóng góp của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong Cụm nên vận hành, duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng không được thường xuyên...

Bên cạnh đó các CCN do Ban quản lý CCN thuộc UBND cấp huyện làm chủ đầu tư hạ tầng, kỹ thuật nhưng hiện nay đã giải thể, kéo theo tình trạng xuống cấp hạ tầng do không được quản lý, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên.

Mặc dù mô hình doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cho thấy nhiều ưu điểm trong công tác quản lý nhưng một số chủ đầu tư chưa thực hiện đúng cam kết về tiến độ xây dựng, chế độ báo cáo với cơ quan quản lý…

Nguyên nhân của thực trạng được nhiều đại biểu chia sẻ tại hội thảo là do trong công tác phối hợp quản lý Nhà nước về CCN chưa tốt; Công tác thanh, kiểm tra CCN còn chồng chéo…Cơ chế, chính sách và chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN và hỗ trợ thu hút doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong CCN chưa hoàn thiện, nên chưa phát huy được hiệu quả…

Tập trung nâng cao năng lực quản lý

Theo quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp tỉnh Bắc Ninh có diện tích khoảng 900 ha điều này cho đặc biệt có ý nghĩa đối với sự phát triển của Bắc Ninh đồng thời cũng đặt ra yêu cầu trong việc chấn chỉnh, nâng cao năng lực trong công tác quản lý CCN.

Sau nhiều khảo sát thực tế, ông Nguyễn Đức Tố, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bắc Ninh chia sẻ hiện việc giải phóng mặt bằng tại các CCN rất khó khăn do kinh phí cao, xây dựng cơ sở hạ tầng, giá đền bù đất cho người dân…

Từ đây nhiều ý kiến cho rằng Bắc Ninh cần tiếp tục rà soát, lập quy hoạch triển khai CCN trên địa bàn phù hợp với quy hoạch phát triển vùng Tỉnh đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050, đưa khỏi quy hoạch, dần thực hiện lộ trình chuyển đổi các Cụm không còn phù hợp.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu kiến nghị Bộ Công Thương cần có ý kiến với Chính phủ sửa đổi Nghị định 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ trong quản lý, phát triển CCN.

Đại biểu cũng tham luận Bắc Ninh nên thống nhất về mô hình chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật phù hợp, đồng thời nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư (xây dựng hạ tầng, kỹ thuật), hỗ trợ kinh phí di dời các doanh nghiệp, HTX cơ sở sản xuất trong làng nghề vào CCN…đảm bảo quyền lợi của các đơn vị, doanh nghiệp trong Cụm, từ đó thúc đẩy hoạt động công nghiệp trên địa bàn.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng trong công tác quản lý nhà nước CCN Bắc Ninh cần rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới quy chế phối hợp các Sở, UBND cấp huyện và đơn vị liên quan về quản lý, giải quyết các thủ tục triển khai dự án đầu tư hạ tầng và sản xuất trong Cụm theo cơ chế một cửa liên thông trên nguyên tắc Sở Công Thương đóng vai trò cơ quan đầu mối quản lý (theo Nghị định 68/2017-CP)…

P.Vi