Bạch Thái Bưởi "Chúa sông Bắc Kỳ"

Bạch Thái Bưởi- Nhà tư sản dân tộc này là mẫu hình của một doanh nhân Việt Nam phấn đấu làm giàu trong bối cảnh đất nước còn là thuộc địa, nên kết cuộc với ông là một bi kịch, song chí làm giàu của ôn

 

Bạch Thái Bưởi sinh năm 1874 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Yên Phú, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Tuy nhà nghèo, nhưng ông được đi học quốc ngữ và tiềng Pháp... rồi ông bỏ học đi làm ký lục cho một hãng buôn của người Pháp ở phố Tràng Tiền, Hà Nội. Năm 1894, ông chuyển sang làm cho một xưởng thuộc hãng thầu công chính và ở đây, lần đầu tiên ông được tiếp xúc, thu nhận những hiểu biết về máy móc, cách tổ chức, quản lý sản xuất. Năm 1895, ông được Phủ Thống sứ Bắc kỳ chọn làm người giới thiệu những sản phẩm của Việt Nam tại Hội chợ Bordeaux. ông đã được tiếp xúc trực tiếp với văn minh phương Tây. Với một chút ít vốn liếng kiến thức và kinh nghiệm khi ở Pháp, về nước, lúc đó người Pháp đang xây dựng Cầu Long Biên, ông đã xin vào làm giám đốc cho công trình này. Phát hiện thấy người Pháp đang cần gỗ xây dựng đường sắt, Bạch Thái Bưởi đã hùn vốn với một người Pháp làm đại lý cung cấp tà vẹt gỗ cho Sở Hoả xa Đông Dương. Sau mấy năm kinh doanh, ông đã trở nên giàu có và đã tách riêng để kinh doanh độc lập bằng việc bỏ vốn ra buôn ngô, nhưng lần này ông đã thất bại và lỗ nặng. Mặc dù vậy, ông vẫn tung nốt những đồng vốn còn lại vào một vụ đấu thầu hiệu cần đồ của người Hoa ở Nam Định và ông đã trúng thầu. Những vụ việc kể trên đã để lại cho Bạch Thái Bưởi những kinh nghiệm, ý chí để sau này ông bước vào một lĩnh vực kinh doanh mới mẻ, mà chính ông và người Việt Nam chưa hề nghĩ tới, đó là ngành vận tải đường sông. Bằng việc thuê lại 3 chiếc tàu (Phi  Phụng, Phi Long và Khoái Tử Long) của một hãng tàu Pháp chở thư và hành khách đường sông Bắc kỳ có tên là A.R.Marty, vừa hết hạn hợp đồng với Chính phủ- đó là năm 1909. Thời cuộc mới đã đến và những ý tưởng mới đã khích lệ ông. Với 3 chiếc tàu thuê lại, ông đã cho chạy 2 tuyến đường: Nam Định- Hà Nội và Nam Định- Bến Thuỷ (Vinh). Lúc này, ông đã phải đối mặt với hai đối thủ nặng ký nhất là chủ tàu người Pháp và người Hoa. Và cuộc đụng độ không cân sức đã xảy ra, ông hạ giá vé xuống một thì người Hoa hạ giá vé xuống hai. Các chủ tàu người Hoa lại trường vốn và đã quyết chí đánh bại Bạch Thái Bưởi bằng đủ mọi cách... Trong cái thế “trứng chọi đá”, ông đã nghĩ tới một thứ vũ khí mà người Hoa không thể có, đó là tinh thần dân tộc. Bạch Thái Bưởi đã tin rằng, sự nghiệp kinh doanh của mình diễn ra trên tổ quốc mình, xung quanh là đồng bào minh chắc chắn sẽ thắng lợi. Từ niềm tin đó, ông đã tìm ra giải pháp hợp lý. ông cho người tới các bến tàu kêu gọi về tình đồng bào, tinh thần tương thân tương ái... và có lẽ Bạch Thái Bưởi là nhà Doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đã sử dụng thành công tinh thần dân tộc như một vũ khí để chiến thắng đối thủ cạnh tranh của mình. Từ sự thành công đó, ông đã thâu tóm các đội tàu của các công ty Pháp và Hoa đã bị phá sản như Marty d’ Abbadie, công ty Desch Wander... tên của những con tàu của các hãng bị ông đánh bại và mua lại đã được gắn đầy trên bức tường trong phòng làm việc của ông. Năm 1915, có một sự kiện đáng lưu ý trong tần nhìn của Bạch Thái Bưởi, đó là ông đã quyết định mua lại xưởng sửa chữa và đóng tàu của A.R.Marty, một trong những xưởng đóng tàu đầu tiên ở cửa cấm Hải Phòng. Như vậy, đến năm 1916, chỉ sau 8 năm bước vào nghề kinh doanh vận tải trên sông nước, Bạch Thái Buởi đã chuyển trụ sở của hãng từ Nam Định xuống Hải Phòng, và tại đây, một công ty hàng hải lừng danh mang tên “Giang Hải Luân thuyền Bạch Thái Bưởi công ty” đã ra đời với lá cờ hiệu màu vàng có hình chiếc mỏ neo và 3 ngôi sao đỏ. Và cũng từ đó, Bạch Thái Bưởi được mệnh danh là “Chúa sông Bắc kỳ” đã bắt đầu mang ước vọng vượt đại dương.

            Đến cuổi những năm 20 của thế kỷ XX, Công ty hàng hải của Bạch Thái Bưởi đã có hơn 40 chiếc tàu cùng sà lan chạy trên tất cả các tuyến đường sông Bắc kỳ và cả các nước và vùng lãnh thổ lân cận như Hồng Kông, Nhật Bản, Trung Quốc, Philipin, Singapo... Với gần 700 công nhân, dưới sự điều khiển của một quản đốc có tên là Nguyến Văn Phúc, một người tâm phúc của Bạch Thái Bưởi, công ty đã tiến hành bảo dưỡng định kỳ, tân trang những con tàu mua lại đã rách nát và đóng mới hàng loạt những tàu pha sông biển. Đặc biệt, thành công lớn nhất là đóng mới chiếc tàu Bình Chuẩn có trọng tải 600 tấn- con tàu lớn nhất lúc bấy giờ và sự việc này được xem là sự kiện tượng trưng cho “Phong trào chấn hưng thương trường cổ động thực nghiệp” của giới tư sản nước ta lúc đó.

            Từ lợi nhuận thu được từ kinh doanh hàng hải, Bạch Thái Bưởi tiếp tục đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác, với ước vọng trở thành nhà kinh doanh tổng hợp, hiện đại như kiểu công ty Ford của Hoa Kỳ, với các lĩnh vực như: Đấu thầu thu thuế ở Chợ Rồng, Nam Định, mở Ty nước ở Thái Bình, mở quán cơm Tây ở Thanh Hoá... Đặc biệt, Bạch Thái Buởi đã đầu tư thành công vào một lĩnh vực được coi là cấm kỵ của thời Pháp thuộc, đó là ngành khai thác mỏ. ông đã sở hữu mỏ than Bí Chợ, Quảng Yên. Rồi ông kinh doanh bất động sản ở Hải Phòng, Đồ Sơn...nhưng có lẽ đóng góp quan trọng thứ hai sau kinh doanh hàng hải của Bạch Thái Bưởi là kinh doanh văn hoá. ông đã đầu tư xây dựng nhà in Đông Kinh ấn quán và xuất bản tờ báo Khai hoá, với những mong muốn đóng góp phần nhỏ của mình trong việc nâng cao dân trí, cổ động cho phong trào thực nghiệp và bảo vệ quyền lợi cho nền công thương Việt Nam. Đã có nhà in (một trong những nhà in đầu tiên do người Việt làm chủ ở Hà Nội), năm 1921, Bạch Thái Buởi cho ra đời tờ báo hàng ngày mang tên Khai hoá nhật báo với tôn chỉ: “Một là giúp đồng bào ta tự khai hoá, dạy bảo lẫn nhau... mở mang con đường thực nghiệp. Hai là giãi bày cùng Chính phủ bảo hộ những yêu cầu thiết thực, chính đáng của quốc dân. Ba là diễn giải những ý kiến, những lợi ích, tác hại của các công việc Chính phủ đang làm...”.

            Mục đích cuối cùng của phong trào thực nghiệp mà Bạch Thái Bưởi phát động và cổ suý chỉ cốt làm giàu vì dân giàu thì nước mới giàu... Bạch Thái Bưởi, người có gan làm giàu, từ tay trắng làm nên nghiệp lớn đã mất ngày 22-7-1932 tại Hải Phòng. Lúc sinh thời, dân ta đã xếp ông vào danh sách những nguời giàu có nhất nước Nam: “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xương, tứ Bưởi”. Trong khát vọng làm giàu của ông thể hiện đậm nét tính đua tranh, sự bất bình của người Việt trước những thế lực ngoại bang. Bạch Thái Bưởi đã để lại một tấm gương sáng cho những lớp doanh nhân hậu thế./.

  • Tags: