Mặt tích cực là các công ty có thể tối ưu hóa công tác sản xuất, nhưng mặt tiêu cực của nó là khách hàng rơi vào “ma trận” sản phẩm thép /V/ khi đại lý cũng giới thiệu đây cũng chính là thép /V/ do VNSTEEL sản xuất, thậm chí giá bán còn mềm hơn giá thép /V/. Chính điều này làm cho khách hàng bối rối, hoài nghi về sản phẩm chính hãng, mặt khác việc nhiều thương hiệu cùng tồn tại làm gia tăng sự cạnh tranh nội bộ với thương hiệu chính Thép Miền Nam /V/, chưa kể thép /V/ còn phải cạnh tranh với các thương hiệu khác có mặt trên thị trường. Việc phân tán nguồn lực như vậy thật lãng phí, chưa kể còn ảnh hưởng đến sản xuất, có tình trạng thiếu hàng hóa cục bộ tại các thời điểm.
Do đó, việc phải thống nhất tên thương hiệu thép /V/ định hướng phát triển lâu dài và bền vững là điều cấp thiết. Ban lãnh đạo Thép /V/ đã ra quyết định thống nhất tên gọi thương hiệu Thép Miền Nam /V/ cho các sản phẩm. Kể từ đó thép /V/ lưu hành trên thị trường chỉ có thép thương hiệu Thép Miền Nam /V/ với dấu hiệu đặc trưng logo /V/ trên thân thép cây vằn và logo VNSTEEL trên thân thép cuộn trơn.
Sau khi quy chuẩn lại tên gọi thương hiệu, bộ nhận diện thương hiệu trên truyền thông và các ấn phẩm quảng cáo, Thép Miền Nam /V/ tiếp tục chuyển sang quy chuẩn hóa hình ảnh sản phẩm thực tế.
Nhớ lại thời điểm năm 2015, sản phẩm Thép Miền Nam /V/, dù cùng kích thước (size), cùng loại sản phẩm (cùng mác thép) nhưng có tình trạng các bó thép có nước thép khác nhau, gân trên thân thép cũng khác nhau, chữ khắc trên thân thép cũng khác nhau, đai buộc khác nhau và tem nhãn cũng khác nhau… Tất cả mọi thứ đều không đồng bộ. Đó là vì thời điểm đó Thép Miền Nam /V/ được sản xuất từ các nhà máy khác nhau, việc khắc logo trục cán, kích thước, chiều dài, chiều cao bước gân, đóng bó và việc in tem nhãn là do các đơn vị tự quyết định. Dẫn đến việc cùng là sản phẩm mang thương hiệu Thép Miền Nam /V/ nhưng cảm quan bề ngoài sản phẩm lại khác nhau.
Nhận thấy điều bất cập này, Ban kỹ thuật của Tổng công ty Thép Việt Nam- CTCP cùng với Phòng Quản lý chất lượng của các đơn vị thép /V/ đi khảo sát thực tế sản phẩm tại kho các nhà máy, lưu ý từng chi tiết nhỏ nhất, từ đó ban hành các tiêu chuẩn chất lượng khi xuất xưởng của sản phẩm thương hiệu Thép Miền Nam /V/. Nhờ vậy, thép /V/ hiện nay đã được quy chuẩn đồng nhất từ tên gọi đến cảm quan bề ngoài sản phẩm và chất lượng sản phẩm, để Thép Miền Nam /V/ cho dù sản xuất tại nhà máy nào thì vẫn là như nhau.
Sự nhất quán được thể hiện rõ đầu tiên ở quy cách đóng bó giữa các nhà máy Thép /V/. Đai buộc thép vằn và thép cuộn là đai cuộn trơn (không sử dụng đai dẹt) và đóng bó thép cây có 5 đai buộc tròn cách đều nhau và thép cuộn là 4 đai. Sự đồng nhất tiếp theo là tiêu chuẩn chất lượng, độ dài cây trong bó, không được phép để cây ngắn, cây cong hay thứ phẩm lẫn vào trong bó chính phẩm. Tiếp nữa là thống nhất tem nhãn treo trên bó thép phải thể hiện nhà máy sản xuất, font chữ, thông tin chi tiết về sản phẩm, dấu chứng nhận chất lượng sản phẩm Quacert. Quan trọng không kém là việc khắc logo V, kích thước, mác thép trên sản phẩm là y như nhau, không còn chia vạch gân theo nhà máy…
Sau khi thống nhất thương hiệu và đồng bộ hóa hình ảnh, Thép Miền Nam /V/ đã có sự thay đổi rất lớn, không những khắc phục được những khó khăn của giai đoạn trước mà đã có những tăng trưởng vượt bậc, công suất sản xuất tăng mạnh, định vị thương hiệu tốt và tiêu thụ luôn đạt mức tối đa.
Ngoài bài học về sự quyết liệt phải thay đổi để phát triển đón đầu thị trường, còn có thêm bài học trong chiến lược nhận diện lại thương hiệu, thiết lập lại hệ thống phân phối. Hiện nay, Thép Miền Nam /V/ vẫn đang tập trung xây dựng hoàn thiện và đẩy mạnh hơn nữa công tác marketing, nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện số hóa áp dụng công nghệ 4.0 từng bước nâng cao chất lượng phục vụ để Thép Miền Nam /V/ luôn giữ được vị trí trong lòng người tiêu dùng.