Tăng trưởng đi cùng thách thức
Xúc tiến thương mại là một nhiệm vụ quan trọng trong khai thác thị trường FTAs. Sau khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng của Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu ngay lập tức hay theo lộ trình, khi xuất khẩu sang Anh như: cà phê, trái cây, túi xách, va ly, giày dép, hàng dệt may, thủy sản... Nhờ đó, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh tăng qua từng năm và Việt Nam liên tục xuất siêu. Năm 2021 kim ngạch 2 chiều đạt 6,6 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, xuất khẩu của Anh đạt 849 triệu USD.
Năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 6,8 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Anh 6,1 tỷ USD, nhập khẩu 700 triệu USD từ Anh. Tám tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Vương quốc Anh 4,62 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Anh đạt gần 4,1 tỷ USD và nhập khẩu từ Anh trên 520 triệu USD.
Hiện Việt Nam đứng thứ 23 trong số các nước xuất khẩu nhiều nhất đến Anh trong 3 năm vừa qua, kể từ khi UKVFTA có hiệu lực. Đáng mừng là, trọng kim ngạch mặt hàng xuất khẩu công nghiệp (không kể sắt thép, kim loại) của Việt Nam sang Anh chiếm trên 40% tổng giá trị xuất khẩu.
Mặc dù vậy, cũng từ năm 2023 này, thị trường Vương Quốc Anh có nhiều điểm không xuôi chiều mát mái với hàng xuất khẩu Việt Nam. Trước hết, từ ngày 1/1/2023, Vương quốc Anh áp dụng bắt buộc nhãn hiệu chứng nhận hợp chuẩn theo tiêu chuẩn riêng, gọi là nhãn hiệu UKCA cho hầu hết các sản phẩm công nghiệp nhập khẩu vào Anh, thay thế cho nhãn hiệu CE, vốn được dùng chung trên cả thị trường EU trước đây mà doanh nghiệp Việt Nam đã quen thuộc trong thực hiện. Nhãn hiệu UKCA liên quan đến 4 đối tượng: Nhà sản xuất, nhà tiếp thị sản phẩm, nhà nhập khẩu và nhà phân phối. Do đó, nếu sản phẩm xuất khẩu Việt Nam không được chứng nhận hợp chuẩn UKCA thì sẽ bị các nhà tiếp thị sản phẩm, nhà nhập khẩu và nhà phân phối của Anh quốc từ chối tiếp nhận.
Thứ hai, ngày 31/5/2023, Bộ Kinh doanh và Thương Mại của Anh cũng đã công bố Hiệp định thương mại của Vương quốc Anh với Úc và New Zealand bắt đầu có hiệu lực, theo đó hàng hóa xuất nhập sẽ được ưu đãi hoặc miễn thuế quan. Như vậy, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sẽ thêm các đối thủ cạnh tranh nặng ký cả về công nghệ và khoảng cách địa lý.
Thứ ba, Vương Quốc Anh cũng công bố Chương trình Thương mại với Các nước đang Phát triển (DCTS) thay thế Chương trình Ưu đãi Tổng quát (GSP) từ ngày 19 tháng 6 năm 2023. DCTS là một trong những chương trình ưu đãi rộng mở nhất trên thế giới, cung cấp thương mại miễn thuế, không hạn ngạch cho các nước kém phát triển trên mọi mặt hàng trừ vũ khí.
Bài toán xúc tiến thương mại
Trong bối cảnh hàng Việt Nam ngày càng có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ kết nối, xúc tiến thương mại vào Anh quốc - nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, mỗi năm nhập khẩu trên 700 tỷ USD hàng hóa. Tháng 9 vừa qua, với sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Anh, 5 doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu các sản phẩm thực phẩm và đồ uống đặc sản tại Hội chợ thực phẩm đặc sản cao cấp Specialty and Fine Food Fair 2023, diễn ra tại Trung tâm triển lãm Olympia ở London.
Gian hàng Việt Nam tại hội chợ trưng bày các đặc sản 3 miền như chè xanh đặc sản Phú Thọ, trà san tuyết cổ thụ, quế, hồi, chanh đào mật ong, tinh bột nghệ, nấm hương, nấm đông cô khô, gạo séng cù, gạo Ông Cua ST25, gạo Hương sen, trái cây sấy, cơm dừa sấy-nướng, dầu dừa tinh chất chiết xuất lạnh và dầu dừa tinh luyện; các loại thực phẩm khô như bún, phở, mì, miến đao, bột các loại; các loại nước chấm, nước sốt, tương ớt, nước tương, mắm tôm, cà muối; hải sản đông lạnh; và các sản phẩm đồ uống như bia Sài Gòn, cà phê Gold Roast HaiFong. Đây là sản phẩm của các công ty Trà UT; Thực phẩm Lý Tường; Kỹ thuật Dừa Bến Tre, R.Y.B, Bia Sài gòn và EUTEK Group - doanh nghiệp có trụ sở tại thành phố Nottingham, chuyên phân phối, bán buôn, bán lẻ hàng Việt Nam tại khu vực miền Trung nước Anh.
Đồng thời, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tổ chức đoàn giao dịch thương mại tham dự Hội chợ và các hoạt động bên lề nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì thị trường cũng như giúp các doanh nghiệp mới tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tại Anh trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn do tác động của tình hình kinh tế thế giới.
Trước đó, từ năm 2021, Bộ Công Thương phối hợp với các bên phát hành nhiều sản phẩm truyền thông, giới thiệu các ngành hàng trọng điểm như tiêu, điều, dừa…; xây dựng sản phẩm truyền thông về chỉ dẫn địa lý cho trà Tân Cương, vải Thanh Hà, thanh long Bình Thuận nhằm xúc tiến thương mại, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng thị trường nước ngoài trong có thị trường Anh về sản phẩm chất lượng, có tính cạnh tranh cao của Việt Nam.
Để hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, khai thác hiệu quả UKVFTA, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh đã và đang đẩy mạnh tổ chức, xây dựng mạng lưới với cộng đồng doanh nghiệp Anh và doanh nghiệp Việt nam tại Anh để kết nối giới thiệu đối tác cho doanh nghiệp Việt Nam. Tìm hiểu và cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam các thông tin cập nhật về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, các qui định nhập khẩu vào Vương quốc Anh.
Cùng với đó, Thương vụ thường xuyên cập nhật và phổ biến sách điện tử Thị trường Anh – những điều cần biết; Xây dựng website www.vietnamtradeoffice.co.uk để phổ biến thông tin chính sách và cơ hội thị trường cho doanh nghiệp. Thương vụ tích cực phối hợp với Cục Xúc tiến thương Mại, Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ tổ chức các Hội thảo trực tuyến tư vấn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, kết nối với các chuyên gia, thương nhân của Anh trong các lĩnh vực nông sản, dệt may, đồ gỗ, UKCA, digital marketing…