10 Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh nhiều nội dung trong Dự thảo Thông tư quy định thực hiện một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP

10 Hiệp hội doanh nghiệp đã phát hành văn bản góp ý gửi đến Bộ Tài Nguyên và Môi trường kiến nghị nhiều nội dung, trong Dự thảo Thông tư ban hành quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Liên quan đến “Dự thảo Thông tư ban hành quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải” ngày 11/10/2022, 10 Hiệp hội doanh nghiệp đã phát hành văn bản góp ý gửi đến Bộ Tài Nguyên và Môi trường kiến nghị nhiều nội dung, trong Dự thảo.

Cụ thể 10 Hiệp hội doanh nghiệp bao gồm: Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội sữa Việt Nam, Hiệp hội nhựa Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội chè Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hội lương thực thực phẩm TP. HCM, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy, Hội doanh nghiệp SX & KD thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam.

Nhận thấy nhiều điểm bất hợp lý

Trong văn bản góp ý, Các Hiệp hội cho biết nhận thấy Dự thảo còn nhiều điểm bất hợp lý và mâu thuẫn với Luật Bảo vệ Môi trường, Nghị định 08/2022/NĐ-CP và các quy định pháp luật hiện hành; ảnh hưởng lớn đến niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp khi việc sử dụng nguồn tài chính đóng góp của các doanh nghiệp vào bảo vệ môi trường chưa thật sự đảm bảo đúng mục đích, cụ thể:

Các quy định về Văn phòng EPR, có nhiều điểm mâu thuẫn với Luật Bảo vệ Môi trường, Nghị định 08/2022/NĐ-CP và các quy định pháp luật hiện hành; gây phát sinh thêm biên chế; các khoản tài chính đóng góp của các doanh nghiệp được sử dụng vào các mục đích không liên quan trực tiếp đến tái chế, xử lý chất thải:

Điển hình như nội dung về “Sử dụng khoản tài chính được đóng góp từ các doanh nghiệp” theo các Hiệp hội quy định này tại Dự thảo chưa phù hợp, không đúng mục đích. Cụ thể, Điều 23 Dự thảo quy định Chi phí quản lý, điều hành văn phòng EPR Việt Nam bao gồm 11 loại chi phí, trong đó chỉ có 1 loại chi phí (tại khoản 1) là được dùng vào việc hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải, còn lại 10 loại chi phí khác (từ khoản 2 đến khoản 11), như mua sắm tài sản, truyền thông, giao dịch, đối ngoại, hội thảo, hội nghị, chi hỗ trợ cho đảng bộ, đoàn thể…, đều sử dụng từ khoản đóng góp của doanh nghiệp cho tái chế sản phẩm, bao bì, xử lý chất thải.

Luật Bảo vệ môi trường quy định rất rõ rằng: “Đóng góp tài chính được sử dụng để hỗ trợ cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì” (tại điểm b, khoản 4, Điều 54) và “việc tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính phải công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định” (tại điểm c, khoản 4, Điều 54), điều này có nghĩa là khoản đóng góp tài chính này được Luật quy định chỉ sử dụng cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì và không sử dụng vào các mục đích khác.

Do đó việc Dự thảo quy định sử dụng các khoản đóng góp của doanh nghiệp để hỗ trợ cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì vào các mục đích khác là không phù hợp, đi ngược lại và không thống nhất với các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Cũng theo các Hiệp hội Dự thảo, Văn phòng EPR làm tăng biên chế. Cụ thể, Điều 24 Dự thảo quy định “Văn phòng EPR quốc gia” “là đơn vị sự nghiệp công, tự chủ về biên chế và tài chính”, lương thưởng như cán bộ trong biên chế. Quy định như vậy là hoàn toàn đi ngược lại với các quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP và Nghị định 204/2004/NĐ-CP, bởi theo khoản 2, Điều 88, Nghị định 08/2022/NĐ-CP thì “văn phòng giúp việc cho Hội đồng EPR…làm việc theo chế độ kiêm nhiệm” và theo khoản 2, Điều 6, Nghị định 204/2004/NĐ-CP thì mức phụ cấp kiêm nhiệm “bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có)”.

hình ảnh về Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam
Theo các Hiệp hội doanh nghiệp cần đảm bảo tính thống nhất trong các văn bản pháp luật (như Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 08/2022/NĐ-CP) đảm bảo tính hợp pháp của “Dự thảo Thông tư ban hành quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải”, không phát sinh biên chế, không sử dụng tiền đóng góp của doanh nghiệp sai mục đích. Ảnh:Internet

Quyền hạn Văn phòng EPR tại Dự thảo là lớn, không phù hợp với Nghị định 08/2022/NĐCP, nhưng lại chưa có quy định trách nhiệm, cơ cấu tổ chức rõ ràng… (Điều 4,9, 12, 15, 17, 18, 21, 27 tại Dự thảo quy định Văn phòng EPR có rất nhiều quyền hạn như quyết định về phương án tiền gửi, ký kết hợp đồng, quyết định việc giải ngân, ban hành quy trình nghiệp vụ và các biểu mẫu…)

Quy định này tại Dự thảo không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của 1 “văn phòng giúp việc”, như theo thông lệ là giúp thủ trưởng cơ quan xây dựng và triển khai công tác, thu thập, tổng hợp thông tin, bảo đảm về tài chính, điều kiện làm việc cho cơ quan. Chỉ Hội đồng EPR Quốc gia mới có quyền ra quyết định hay ban hành văn bản (quy định tại Điều 88, Nghị định 08/2022/NĐ-CP).

Ngoài ra những quy định rõ ràng về cơ cấu tổ chức (vị trí Giám đốc, kế toán kiểm soát viên…) hoặc quy định trong trích quỹ khen thưởng… liên quan đến vận hành của Văn phòng cũng nên được điều chỉnh cho phù hợp ví dụ trong Dự thảo có đề cập “Trường hợp không hoàn thành kế hoạch hoạt động năm…được trích tối đa…02 tháng tiền lương, tiền công và thu nhập khác bình quân”…

Kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh nhiều nội dung

Theo các Hiệp hội doanh nghiệp để đảm bảo tính thống nhất trong các văn bản pháp luật (như Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 08/2022/NĐ-CP) đảm bảo tính hợp pháp của “Dự thảo Thông tư ban hành quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải”, không phát sinh biên chế, không sử dụng tiền đóng góp của doanh nghiệp sai mục đích.

Cần quy định rõ ràng cơ cấu tổ chức, quyền hạn, trách nhiệm của Văn phòng EPR và các quy định về Hội đồng EPR, thực hiện việc giám sát sử dụng khoản đóng góp được minh bạch, đúng mục đích bởi Dự thảo chỉ có một số quy định về văn phòng giúp việc của Hội đồng EPR trong khi chưa có quy định cụ thể nào về Hội đồng EPR.

Các Doanh nghiệp là người đóng góp quỹ, do đó cần có các đại diện của doanh nghiệp để giám sát việc sử dụng khoản đóng góp cho minh bạch, đúng mục đích, và cần được ban hành ngay trong Thông tư, theo đúng khoản 3 điều 88 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định “Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng EPR quốc gia và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của văn phòng giúp việc của Hội đồng EPR quốc gia”, và “ thành phần của Hội đồng EPR gồm… đại diện các nhà sản xuất, nhập khẩu; đại diện đơn vị tái chế, đơn vị xử lý chất thải và đại diện tổ chức xã hội, môi trường có liên quan”…

Các Hiệp hội đồng thời kiến nghị: Bổ sung quy định về quy chế tổ chức và hoạt động Hội đồng EPR quốc gia trong Dự thảo, để thuận lợi cho quản lý, giám sát, và theo đúng Nghị định 08/2022/NĐCP; Thành phần của Hội đồng EPR, về phía doanh nghiệp, nên có ít nhất 1 đại diện của các Hiệp hội doanh nghiệp trong nước cho mỗi ngành hàng chủ lực của kinh tế Việt nam, và 1 đại diện của các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài (vì đây là 2 nguồn đóng góp tài chính chủ yếu), 1 đại diện đơn vị tái chế, 1 đại diện đơn vị xử lý chất thải, và 1 đại diện của VCCI với tư cách là tổ chức xã hội để theo đúng Nghị định 08/2022/NĐ-CP;

Quản lý và sử dụng khoản đóng góp của doanh nghiệp theo cơ chế xin-cho sẽ nhiều bất cập, nguồn kinh phí quản lý hành chính trái với Nghị định 08/2022/NĐ-CP: Các khoản hỗ trợ đều theo cơ chế xin-cho, tập trung tại Bộ TM&MT, rất khó khăn cho các tỉnh xa. Các tiêu chí xét duyệt hỗ trợ, mức hỗ trợ chưa được quy định rõ ràng. Không có quy định thời hạn phải giải ngân khoản đóng góp của doanh nghiệp để tái chế sản phẩm, xử lý chất thải.

Trong Dự thảo Điều 8 khoản 2 quy định 5 tiêu chí để xem xét các dự án được cấp hỗ trợ, nhưng: không có điểm cho từng tiêu chí, không có cách chấm cụ thể, chỉ dùng các từ chung chung như “lớn hơn”, “cao hơn”, “ít hơn”, “các dự án khác” mà không quy định cụ thể cao hơn, thấp hơn là bao nhiêu mới có ý nghĩa, hay nếu 1 chỉ tiêu cao hơn nhưng 1 chỉ tiêu khác thấp hơn thì chọn ai, “các dự án khác” là các dự án nào; Mức hỗ trợ (các Điều 8, 10, khoản 3) chỉ nêu chung chung là Hội đồng EPR thông qua dựa theo phân nhóm sản phẩm, khối lượng đề nghị hỗ trợ, không có tiêu chí cụ thể; Không có quy định thời hạn phải giải ngân khoản đóng góp hàng năm của DN để tái chế sản phẩm, xử lý chất thải.

Theo các Hiệp hội, nguồn kinh phí quản lý hành chính trong Dự thảo đang mâu thuẫn với Nghị định 08/2022/NĐ-CP: Cụ thể Khoản 2, điều 3 quy định Nguồn kinh phí quản lý hành chính gồm 3 mục: Tiền lãi tài khoản tiền gửi khoản đóng góp của doanh nghiệp vào Quỹ Bảo vệ môi trường; Chi phí quản lý hành chính theo quy định của Thủ tướng Chính phủ ;Thu lãi tài khoản tiền gửi nhàn rỗi (nếu có). Quy định như vậy là trái với Điều 82 Nghị định 08 quy định “Lãi tiền gửi ngân hàng của số tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam được sử dụng cho chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát và hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu”, tức là chỉ bao gồm mục a của Dự thảo.

Vì thế, Dự thảo cần quy định quy trình xin hỗ trợ và xét duyệt mức hỗ trợ làm online trên hệ thống dịch vụ công quốc gia, các địa phương không phải ra Hà Nội nộp hồ sơ giấy; Cần định lượng cụ thể các tiêu chí xét duyệt hỗ trợ, mức hỗ trợ; Quy định thời hạn giải ngân toàn bộ khoản đóng góp của doanh nghiệp của năm trước là trước 31/3 năm sau (đúng với thời gian nộp báo cáo tài chính); Quy trách nhiệm cụ thể nếu không giải ngân được đúng hạn; Bỏ mục b, khoản 2, điều 3 về Nguồn kinh phí quản lý hành chính.

Thực tế hiện nay nhiều loại bao bì, sản phẩm, chất thải có thể tái sử dụng và mang lại lợi nhuận. Thị trường tái chế bao bì, sản phẩm, xử lý chất thải rất sôi động, có nhiều công ty tham gia. Chỉ một số loại khó tái chế, khó xử lý và không mang lại lợi nhuận mới cần phải có sự hỗ trợ của nhà nước và đóng góp của doanh nghiệp.

Từ thực tế này các Hiệp hội đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung vào các chính sách thúc đẩy phát triển để thị trường này vận hành hiệu quả, đồng thời thiết lập cơ chế kiểm soát có sự tham gia rộng rãi của các hiệp hội ngành hàng chủ lực, để đảm bảo đóng góp của doanh nghiệp được sử dụng rõ ràng, minh bạch, đúng mục đích như Luật Bảo vệ Môi trường đã nêu.

PV