Theo đó, Ngân hàng Agribank vừa công bố biểu lãi suất tiết kiệm mới từ ngày 11/10, điều chỉnh giảm 0,2% tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên.
Cụ thể, đối với kỳ hạn từ 3 - 5 tháng, lãi suất tiết kiệm được ngân hàng Agribank giảm từ 3,5% xuống 3,3%/năm. Đối với kỳ hạn 6 - 11 tháng, lãi suất đã giảm từ 4,5% xuống 4,3%/năm.
Còn tại kỳ hạn 12 tháng trở lên, ngân hàng Agribank đang áp dụng mức lãi suất huy động cao nhất là 5,3%/năm, giảm 0,2% so với trước đó.
Tương tự, ngân hàng VietinBank và BIDV cũng đồng loạt giảm 0,2% lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, đưa lãi suất cao nhất xuống còn 5,3%/năm.
Trước đó, ngày 3/10 Vietcombank cũng đã điều chỉnh giảm 0,2% ở loạt kỳ hạntừ 3 tháng trở lên. Mức lãi suất cao nhất tại Vietcombank hiện chỉ còn 5,3%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 12 tháng trở lên.
Như vậy, toàn bộ nhóm 4 ngân hàng Nhà nước đều đã giảm lãi suất huy động xuống mức thấp lịch sử, thấp hơn cả giai đoạn COVID-19. Cụ thể, nhóm Big4 đã từng niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,5%/năm suốt giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 7/2022.
Với động thái điều chỉnh giảm lãi suất của nhóm 4 ngân hàng nhà nước được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các ngân hàng tư nhân giảm thêm lãi suất huy động trong thời gian tới.
Thời gian qua, các ngân hàng thương mại có nhiều đợt giảm lãi suất tiết kiệm. Cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm bình quân trong khoảng 11-12% một năm trong bối cảnh nhiều ngân hàng chạy đua huy động vốn. Tuy nhiên, bước sang 2023, lãi suất tiết kiệm quay đầu giảm nhanh và mạnh.
Lý do là, nhu cầu thế giới xuống thấp, doanh nghiệp ít đơn hàng nên nhu cầu vay vốn thu hẹp lại. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tín dụng tăng trưởng thấp kỷ lục, cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, đã kéo lãi suất huy động xuống đáy.
Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng thương mại vẫn neo lãi suất tiết kiệm từ 6% trở lên trong các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng.