6 nội dung định hướng nội dung hỗ trợ hoạt động khuyến công năm 2024

Theo Công văn số 400/CTĐP-QLKC do Cục trưởng Cục Công Thương địa phương vừa ban hành, định hướng nội dung hoạt động khuyến công năm 2024 sẽ tập trung vào 6 lĩnh vực chính.

Ngày 15/5/2023, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (CTĐP) Ngô Quang Trung đã ký ban hành Công văn số 400/CTĐP-QLKC gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị triển khai xây dựng kế hoạch khuyến công quốc gia (KCQG) năm 2024.

Theo đó, định hướng nội dung hoạt động khuyến công tập trung vào 6 lĩnh vực sau:

Hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới. Lựa chọn xây dựng các mô hình về chế biến nông lâm thủy sản, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp; mô hình tổ chức sản xuất theo hướng tuần hoàn, phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững cho các đối tượng yếu thế ở địa bàn khó khăn; mô hình khác theo nhu cầu của sản xuất, thị trường và định hướng phát triển của ngành, địa phương.

Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất. Đổi mới máy móc thiết bị, nâng cấp quy trình sản xuất công nghệ theo hướng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng các nguồn nguyên liệu hoặc đưa ra các sản phẩm có tính bảo vệ môi trường, bền vững.

Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường; Hỗ xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn và nhân rộng mô hình áp dụng. Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp (lựa chọn đề án đảm bảo tiến độ hoàn thành trong năm kế hoạch); hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp (lựa chọn cụm công nghiệp có hồ sơ pháp lý đầy đủ và chủ đầu tư dự kiến hoàn thành hạng mục hoặc gói thầu đề nghị hỗ trợ trong năm kế hoạch).

Hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu; ưu tiên các đề án có sản phẩm được bình chọn, cấp giấy chứng nhận cấp khu vực, quốc gia (giấy chứng nhận còn hiệu lực).

khuyến công năm 2022
Đại biểu Bộ Công Thương thăm gian hàng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2022

Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng lực quản lý, tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNNT. Đào tạo nghề nghiệp theo nhu cầu của các cơ sở, giải quyết nhiều việc làm, sản xuất sản phẩm phục vụ du lịch và xuất khẩu, khôi phục phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0; Hỗ trợ thành lập doanh nghiệp tại các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Hỗ trợ tư vấn thông tin phát triển CNNT. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác truyền thông. Tư vấn, hướng dẫn lập dự án đầu tư, marketing, quản lý sản xuất, tài chính, kế toán, nhân lực, liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh và thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói.

Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác khuyến công; Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động khuyến công.

Về kế hoạch khuyến công địa phương, căn cứ định hướng nội dung trên, Chương trình khuyến công địa phương và điều kiện thực tế tại địa phương, Sở Công Thương xem xét, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về nội dung hoạt động khuyến công dự kiến thực hiện trong năm 2024.

Công tác triển khai theo các nội dung: Đăng ký kế hoạch KCQG, trước ngày 20 tháng 6 năm 2023, Sở Công Thương, các tổ chức dịch vụ khuyến công xây dựng báo cáo đăng ký kế hoạch KCQG gửi về Cục CTĐP; Trước ngày 30 tháng 9 năm 2023, các địa phương, đơn vị gửi 1 bộ hồ sơ đề án đã đăng ký hoặc Bản đăng ký kế hoạch KCQG (đối với đề án điểm) về Cục CTĐP để thẩm định cấp Bộ.

Năm 2022 kinh phí KCQG năm được phân bổ là 140 tỷ đồng, thực hiện 175 đề án/nhiệm vụ. Tính đến hết tháng 12 năm 2022, tổng kinh phí đã giải ngân được là 136,9 tỷ đồng cho 172 đề án, đạt 97,79% tổng kinh phí giao.

Một số kết quả nổi bật của kế hoạch khuyến công quốc gia (KCQG) năm 2022:

Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản phẩm mới, công nghệ mới và Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại cho 320 cơ sở CNNT đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đây là chương trình thu hút một lượng lớn vốn đối ứng của doanh nghiệp, cơ sở CNNT trong việc đầu tư xây dựng mô hình, đầu tư mua sắm máy móc thiết bị vào sản xuất với số vốn đầu tư khoảng trên 330 tỷ đồng. Thông qua các đề án, các cơ sở CNNT đã được tiếp cận phương thức quản lý và công nghệ sản xuất mới nhằm khai thác có hiệu quả ngành nghề phù hợp tại địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập.

Hỗ trợ 1.850 gian hàng cho cơ sở CNNT tham gia hội chợ, triển lãm; hỗ trợ đầu tư 14 phòng trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thông qua đó tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

 

Thăng Long