Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế ở các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu

THS. MAI THANH HẰNG (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) trong những năm qua đã liên tục có những điều chỉnh, cập nhật và thay thế nhằm đảm bảo cho các doanh nghiệp, tổ chức tiến tới việc áp dụng nguyên tắc kế toán một cách thống nhất. Trong xu hướng hội nhập kinh tế toàn cầu, việc áp dụng IFRS giúp cho thông tin trên báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp (DN) minh bạch và có độ tin cậy cao hơn. Đó cũng là cơ sở để nhà đầu tư trong và ngoài nước đưa ra các quyết định kinh tế. Ở Việt Nam, Bộ Tài chính đã ban hành Đề án áp dụng IFRS từ năm 2020, trong đó đề cập đến hướng đi, lộ trình áp dụng, biện pháp triển khai thực hiện đến năm 2025. Điều này đặt ra yêu cầu cho các DN Việt Nam phải chủ động, sẵn sàng cho việc áp dụng IFRS. Bài viết nghiên cứu việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế ở các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu.

Từ khóa: Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), kế toán, kiểm toán.

1. Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)

IFRS là bộ chuẩn mực kế toán được thiết kế và phát triển bởi một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận gọi là Hội đồng Chuẩn mực kế toán quốc tế (IABS). Mục tiêu của IFRS là cung cấp một khuôn khổ quốc tế về cách lập và trình bày BCTC cho các công ty đại chúng. IFRS tập trung vào các hướng dẫn, diễn giải chung nhất về cách lập BCTC hơn là thiết lập các quy tắc lập báo cáo ngành cụ thể. Áp dụng một bộ chuẩn mực phổ biến toàn thế giới sẽ đơn giản hóa các thủ tục kế toán thông qua việc sử dụng một “ngôn ngữ chung” trong BCTC của các công ty. Bộ chuẩn mực này sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư và các kiểm toán viên góc nhìn toàn cảnh và rõ ràng về tài chính.

Trước những lợi ích mà IFRS mang lại, các tổ chức có tác động quan trọng đến nền kinh tế thế giới như: Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Hội đồng Ổn định Tài chính Quốc tế (FSB) và Tổ chức Quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO) đều ủng hộ và hỗ trợ các quốc gia áp dụng IFRS trên toàn cầu. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đang tiến dần đến xu thế hội tụ IFRS.

Trong bối cảnh xu thế hội nhập toàn cầu hóa trên mọi lĩnh vực kinh tế, đặc biệt về kế toán, Việt Nam cũng không nằm ngoài tiến trình hội nhập hòa hợp với hệ thống IFRS. Ngày 16/3/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng IFRS tại Việt Nam. Theo đó, việc áp dụng IFRS được triển khai thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 chuẩn bị từ năm 2020 đến năm 2021; Giai đoạn 2 áp dụng tự nguyện từ năm 2022 đến năm 2025; Giai đoạn 3 áp dụng bắt buộc với một số đối tượng DN cụ thể. Có thể thấy, Chiến lược phát triển Kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Việt Nam, việc áp dụng IFRS sẽ giúp Việt Nam đi đúng hướng các chính sách của ASEAN, cũng như theo kịp đà phát triển của những nền kinh tế thành công khác trong khu vực và trên thế giới.

2. Tác động của việc áp dụng IFRS và yêu cầu đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam

Thông qua việc áp dụng IFRS, nền kinh tế Việt Nam nói chung và DN Việt Nam nói riêng sẽ được hưởng lợi từ hội nhập kinh tế, như việc tiếp cận nguồn vốn, duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững… Đối với các loại báo cáo hợp nhất áp dụng cho các công ty đa quốc gia với công ty con là DN Việt Nam, việc hòa hợp IFRS giúp cho việc hội nhập càng trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn bao giờ hết vì cùng dung chung một ngôn ngữ chuẩn về kế toán với các DN trên thế giới. Hiểu biết về IFRS sẽ giúp DN có những thông tin hữu ích về các DN khác cùng ngành ở các nước khác. Riêng đối với DN vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mà công ty mẹ sử dụng IFRS, việc áp dụng IFES là yêu cầu bắt buộc nhằm phục vụ cho việc hợp nhất báo cáo ở công ty mẹ. Thông qua áp dụng IFRS, các DN Việt Nam có thể hưởng lợi từ hội nhập kinh tế, từ đó củng cố sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam.

Những năm vừa qua, Việt Nam luôn nỗ lực trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán, cải thiện tính minh bạch, công khai thông tin thị trường, qua đó đảm bảo quyền tiếp cận thông tin cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên vấn đề minh bạch về thông tin trên BCTC vẫn chưa được coi trọng. Việc khuyến kích DN dịch BCTC sang tiếng Anh trong khi ngôn ngữ lập BCTC theo chuẩn mực quốc tế mới là quan trọng. Ngay cả khi nhà đầu tư đọc BCTC của DN Việt Nam bằng tiếng Anh nhưng vẫn không hiểu vì báo cáo này lập theo chuẩn mực kế toán của Việt Nam. Giữa Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và IFRS hiện còn có quy định khác nhau về form mẫu báo cáo, cách trình bày các chỉ tiêu, dẫn đến gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Việc áp dụng IFRS tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể do thị trường vốn, thị trường tài chính của Việt Nam chưa phát triển đủ mạnh, một số công cụ tài chính như trái phiếu chuyển đổi, công cụ phái sinh… chưa được giao dịch rộng rãi, nên hầu hết các DN chưa nhiều kinh nghiệm trong thực hiện giao dịch và hạch toán các nội dung kinh tế liên quan, dẫn đến không phải lúc nào cũng có thể cung cấp thông tin về giá trị hợp lý một cách đang tin cậy, trong khi đây là yếu tố quyết định để áp dụng IFRS.

Hơn nữa, IFRS yêu cầu một số kỹ thuật phức tạp và thực hiện các đánh giá mang tính chủ quan, như việc thực hiện các ước tính về giá trị hợp lý khi không có giá niêm yết trên thị trường, giá trị có thể thu hồi, tổn thất tài sản, lợi thế thương mại… trong khi nhiều DN Việt Nam chưa có đủ năng lực và trình độ. Ngoài ra còn có những rào cản ngôn ngữ gây nên nhiều tranh cãi. Việc thiếu các chuyên gia có kinh nghiệm trong thực hành IFRS và số đông đội ngũ kế toán viên chưa được đào tạo về IFRS, tâm lý ngại thay đổi… khiến cho việc áp dụng IFRS tại các DN còn hạn chế.

Từ yêu cầu thực tiễn đặt ra cần phải có lộ trình triển khai IFRS phù hợp tại Việt Nam. Xuất phát từ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, các hiệp định thương mại tự do, trong đó khuyến khích các dòng vốn đầu tư, nhất là của tư nhân để phát triển kinh tế, đến nay Bộ Tài Chính đang tiến hành các bước hoàn thiện dự thảo “Đề án áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế vào Việt Nam”. Để việc áp dụng IFRS tại Việt Nam đạt hiệu quả, cần có sự hợp tác giữa cơ quan nhà nước, hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế trong việc thực hiện các nội dung về xây dựng và triển khai Đề an được duyệt.

Từ kinh nghiệm quốc tế, để đảm bảo tính khả thi, Việt Nam cần cân nhắc để lựa chọn 1 trong 3 cách thức triển khai IFRS: Áp dụng toàn bộ IFRS; áp dụng tự phần (theo lộ trình cho từng nhóm chuẩn mực); áp dụng IFRS có điều chỉnh để tiệm cận với chuẩn mực BCTC quốc tế.

3. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị điều kiện để chuyển đổi sang IFRS

Để áp dụng IFRS tại Việt Nam, cần rà soát, kiểm tra và thiết lập lại hệ thống, quy trình cũng như hạ tầng của DN để đảm bảo tính trung thực của BCTC và đáp ứng các quy định của IFRS. Rà soát lực lượng nhân sự về kế toán, tài chính cũng như quản lý để có được kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo kiến thức nghiệp vụ kế toán phù hợp với tình hình mới.

Bản thân đội ngũ nhân sự làm công tác kế toán cần chủ động học hỏi, nghiên cứu và tích lũy kiến thức, kỹ năng, tiếng Anh, IFRS thông qua các tài liệu của Bộ Tài chính, IFRS, hiệp hội ngành nghề uy tín. Cần nắm được sự khác biệt giữa VAS và IFRS để áp dụng đúng và chính xác, cũng như hiểu được những thay đổi trong kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của DN.

Nhân sự làm công tác kế toán cần trao đổi nghiệp vụ, kiến thức kế toán từ các công ty kiểm toán lớn hiện nay như BIG4; Tham gia học tập và tích lũy kiến thức về IFRS tại các trung tâm đào tạo uy tín; học các chứng chỉ Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) để chuẩn bị kiến thức, đáp ứng công việc.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phối hợp với các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức khác hỗ trợ, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các DN áp dụng IFRS thông qua các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn để IFRS nhanh chóng được triển khai thực hiện tại các DN.

Ngày 16/3/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án “Áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam” nhằm hướng tới IFRS và chuẩn mực BCTC Việt Nam mới theo hướng IFRS từ sau năm 2025. Theo đó, lộ trình áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam gồm 3 giai đoạn:

- Giai đoạn chuẩn bị (2020 - 2021): Bộ Tài chính chuẩn bị các điều kiện cần thiết như: Công bố bản dịch IFRS ra tiếng Việt; Xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng IFRS; Xây dựng cơ chế tài chính liên quan; Đào tạo nguồn nhân lực, quy trình triển khai cho các DN.

- Giai đoạn tự nguyện (2022 - 2025): Đối với BCTC hợp nhất, các DN có nhu cầu và đủ nguồn lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng IFRS tại Việt Nam để lập BCTC hợp nhất như: Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước quy mô lớn hoặc có các khoản vay được tài trợ các định chế tài chính quốc tế; Công ty mẹ là công ty niêm yết; Công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết; Các công ty mẹ khác có nhu cầu và đủ nguồn lực tự nguyện áp dụng IFRS. Đối với BCTC riêng, các DN có 100% FDI là công ty con của công ty mẹ ở nước ngoài có nhu cầu và đủ nguồn lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng IFRS để lập BCTC riêng.

- Giai đoạn bắt buộc (sau 2025): Đối với BCTC hợp nhất: Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện áp dụng IFRS của giai đoạn 1, Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các DN và tình hình thực tế, quy định phương án, thời điểm bắt buộc áp dụng IFRS để lập BCTC hợp nhất cho từng nhóm DN thuộc các đối tượng cụ thể. Đối với BCTC riêng: Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện áp dụng IFRS của giai đoạn 1, Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các DN, tình hình thực tế, quy định phương án, thời điểm áp dụng bắt buộc hoặc áp dụng tự nguyện IFRS để lập BCTC riêng cho từng nhóm đối tượng, đảm bảo tính hiệu quả và khả thi.

4. Kết luận

Áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) trên thế giới đang ngày càng trở nên phổ biến. IFRS mang lại những lợi ích to lớn trong việc nâng cao tính minh bạch của thông tin kế toán, góp phần tạo ra ngôn ngữ kế toán mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, quá trình áp dụng IFRS của các quốc gia trên thế giới cũng gặp không ít khó khăn. Những khó khăn, thách thức ấy lại càng lớn hơn đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Chính vì thế, để thực hiện được quyết tâm, nỗ lực tiến tới vận dụng IFRS trong thời gian tới, các DN phải chuẩn bị sẵn sàng, chủ động về kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015), Luật Kế toán.
  2. Bộ Tài chính (2020), Quyết định số 345/QĐ-BTC, ngày 16/3/2020 phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam.
  3. Phạm Thị Hương (2022), Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) ở các doanh nghiệp Việt Nam truy cập tại: kvn/ap-dung-chuan-muc-bao-cao-tai-chinh-quoc-te-ifrs-o-cac-doanh-nghiep-viet-nam-hien-nay-23320.html
  4. Một số trang web: mof.gov.vn. vacpa.org.vn, nhandan.com.vn, cafeF.vn,…

Implementing International Financial Reporting Standards at Vietnamese enterprises during the international economic integration process

Master. Mai Thanh Hang

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

International Financial Reporting Standards (IFRS) have been continuously adjusted, updated and replaced in recent years to ensure that businesses and organizations use generally accepted accounting principles. In the global economic integration process, the implementation of IFRS in Vietnam not only impoves the transparent and reliable of financial statements but also support both domestic and foreign investors make better economic decisions. In 2020, the Ministry of Finance issued a scheme consisting of directions, roadmap and measures to implement IFRS in Vietnam by 2025. It requires Vietnamese enterprises to be proactive and ready for the application of IFRS in the coming years. This paper examines the implementation of IFRS at Vietnamese enterprises during the country’s international economic integration process.

Keywords: International Financial Reporting Standards (IFRS), Vietnamese Accounting Standards (VAS), accounting, audit.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11  năm 2022]