Bắc Kạn: giảm nghèo về thông tin gắn với chuyển đổi số - giải pháp để thoát nghèo bền vững

Là tỉnh miền núi, Bắc Kạn có trên 88% đồng bào dân tộc thiểu số, có 2/8 huyện nghèo, 67/108 xã đặc biệt khó khăn, để giảm nghèo về thông tin, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư về dịch vụ viễn thông và phương tiện tiếp cận thông tin cho người dân gắn với thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số.

Bên cạnh những giải pháp giảm nghèo thiết thực được triển khai, “giảm nghèo về thông tin” cũng được xem là phương cách hiệu quả hỗ trợ công tác này. Một khi người dân nắm bắt thông tin đầy đủ, dân trí được nâng cao thì hướng thoát nghèo sẽ rộng mở.

Giảm nghèo về thôgn tin
Bà con dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn đã được tiếp cận CNTT 

Toàn tỉnh hiện có 73 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng phục vụ tiếp cận thông tin của Nhân dân tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng đã cung ứng các dịch vụ bưu chính công ích phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, địa phương và nhu cầu trao đổi thông tin liên lạc, sử dụng dịch vụ bưu chính của Nhân dân trên địa bàn, như: Chấp nhận, vận chuyển và phát thư, công văn, báo chí, bưu gửi và thực hiện một số hoạt động phục vụ nhu cầu đọc sách báo miễn phí của Nhân dân. Đồng thời, các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng đã phục vụ miễn phí người dân đọc sách, báo, tạp chí điện tử; cung cấp dịch vụ phục vụ truy nhập Internet băng rộng để người dân khai thác các thông tin thiết yếu, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh đó, tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động thông tin cơ sở. Với mục tiêu hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở, hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin cơ sở đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin nguồn phổ biến đến người dân và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án hoàn thiện hệ thống truyền thanh cơ sở, triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh từ nguồn ngân sách địa phương. Dự án đầu tư mới 44 đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT; nâng cấp, chuyển đổi 49 đài truyền thanh hữu tuyến/đài truyền thanh FM là các đài đang còn hoạt động thường xuyên sang phương thức đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT với tổng số 687 cụm loa ứng dụng CNTT-VT; 8/8 Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện, thành phố được trang bị 1 bộ thiết bị tích hợp tự động để số hóa tín hiệu, cung cấp cho hệ thống phát thanh cấp huyện; xây dựng Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh để quản lý tập trung và cung cấp thông tin cho đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT trên địa bàn toàn tỉnh.

Giảm nghèo về thông tin
Giảm nghèo về thông tin gắn với chuyển đổi số là giải pháp thoát nghèo bền vững

Hạ tầng kỹ thuật viễn thông cũng ngày càng được đầu tư hoàn thiện, các dịch vụ viễn thông và internet đảm bảo chất lượng ổn định. Hệ thống đài truyền thanh được đầu tư nâng cấp, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân, nhất là các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và vùng đặc biệt khó khăn.

Theo thống kê, hiện nay, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh chiếm 73%; 96% thôn bản được phủ sóng băng di động; 76,6% hộ gia đình có cáp quang.

Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh giảm từ 27,37% xuống còn 24,71%. Tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản về giảm nghèo về thông tin: Sử dụng dịch vụ viễn thông còn 27,76%, thiếu hụt về phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin còn 7,8%.

Năm 2023, thực hiện Tiểu dự án “Giảm nghèo về thông tin” thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, từ nguồn ngân sách của trung ương và của địa phương, UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông bổ sung lắp đặt thêm các cụm thu loa truyền thanh ứng dụng CNTT-VT tại các thôn chưa có loa hoặc thay thế các cụm loa FM có dây cũ bị hỏng tại các xã điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh nhằm mở rộng diện tích phủ sóng loa truyền thanh tại các thôn và đáp ứng nhu cầu thông tin tuyên truyền của người dân. Đồng thời hỗ trợ duy trì, vận hành cung cấp dịch vụ tại các điểm cung cấp thông tin công cộng tại 20 xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Giảm nghèo về thông tin
Ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp người nghèo, hộ nghèo chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, tìm kiếm nguồn hỗ trợ cũng như tiếp cận với thương mại điện tử để lưu thông hàng hoá

Xác định đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo thời gian tới, cuối tháng 5/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Việt Nam (Viettel), theo đó, Tập đoàn Viettel sẽ hỗ trợ tỉnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, mở rộng vùng băng rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, trong đó ưu tiên phủ sóng 3G/4G đối với các vùng “trắng sóng”, vùng “lõm” sóng tại các thôn, bản trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ, phát triển 5G tại các địa bàn trọng yếu,...

Việc hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp người nghèo, hộ nghèo chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, tìm kiếm nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp để thoát nghèo bền vững, đồng thời từng bước tiếp cận, hòa nhịp chuyển đổi số…/.

Ngày 20/3/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 193/KH-UBND về thực hiện Tiểu dự án “Giảm nghèo về thông tin” thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, việc thực hiện Tiểu dự án giảm nghèo về thông tin năm 2023 gồm các nhiệm vụ: Nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin cơ sở; tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của đài truyền thanh xã tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ; sản xuất mới các tác phẩm, sản phẩm báo chí và các sản phẩm truyền thông khác để cung cấp nội dung thiết yếu cho xã hội (bao gồm tiếng đồng bào dân tộc thiểu số); cung cấp dịch vụ thông tin công cộng phục vụ Nhân dân ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận thông tin.

Nguyên Vỵ