TÓM TẮT:
Nghiên cứu này sử dụng mô hình nghiên cứu hành vi ý định áp dụng công nghệ, xây dựng mô hình lý thuyết và phương pháp phân tích hồi quy tuyến tính bội dựa trên dữ liệu khảo sát các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh An Giang để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến ý định chuyển đổi số của các hợp tác xã. Kết quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố, như: mục tiêu chiến lược của hợp tác xã, nguồn lực tài chính của hợp tác xã, cơ sở hạ tầng công nghệ và trình độ sử dụng công nghệ của nhân viên có ảnh hưởng đến ý định thực hiện chuyển đổi số của các hợp tác xã tại An Giang với mức độ ảnh hưởng tương ứng là 0,428; 0,32; 0,165; 0,13.
Kết quả nghiên cứu này này sẽ giúp các hợp tác xã, các cơ quan quản lý nhà nước có thể xây dựng được lộ trình chuyển đổi số phù hợp, đồng thời xây dựng kế hoạch hỗ trợ đầu tư cho các hợp tác xã chuyển đổi số, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã theo lộ trình.
Từ khóa: chuyển đổi số, hợp tác xã , ý định thực hiện chuyển đổi, tỉnh An Giang.
1. Đặt vấn đề
Chuyển đổi số (Digital Transformation) là khái niệm ra đời trong thời đại internet. Theo Microsoft (2016): “Chuyển đổi số là việc tái cấu trúc tư duy về việc phối hợp giữa dữ liệu, quy trình và con người để nhằm tạo ra nhiều giá trị mới”. Tại Việt Nam, theo Bộ Thông tin và Truyền thông (2021): “Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số”.
Theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 là cơ hội để Việt Nam tận dụng tối đa tiềm năng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển kinh tế số, đồng thời tăng cường tính cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế (Thủ tướng Chính phủ, 2020).
Trong thời đại công nghiệp 4.0, chuyển đổi số sẽ cải thiện khả năng cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh cho các loại hình kinh tế nói chung, cho các hợp tác xã nói riêng. Nếu không thích nghi với xu hướng số hóa, các hợp tác xã sẽ rơi vào tình trạng không tận dụng được thời cơ phát triển, không gia tăng lợi nhuận cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số đang gặp nhiều khó khăn đối với các hợp tác xã, loại hình kinh tế được đánh giá là khả năng chuyển đổi thấp.
Hiện nay, cả nước có hơn 28.000 hợp tác xã (HTX), hơn 100 liên hiệp HTX và khoảng 100.000 tổ hợp tác (Hoàng Thị Hoa, 2022). Trong khi đó, tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, Trung ương đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên, trong đó có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến năm 2045, các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ (Ban Chấp hành Trung ương, 2022). Tại tỉnh An Giang, theo báo cáo của Liên Minh hợp tác xã tỉnh, toàn tỉnh hiện nay có 278 hợp tác xã, với khoảng 139.723 thành viên, hoạt động trên 6 lĩnh vực: nông nghiệp, tín dụng, giao thông vận tải, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch và khai khoáng (Trọng Tín, 2023).
Theo đó, chuyển đổi số là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy sự chuyển biến mô hình kinh tế hợp tác xã một cách linh hoạt, phù hợp và đạt hiệu quả cao. Chính vì vậy, nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu “Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định thực hiện chuyển đổi số của hợp tác xã trên địa bàn tỉnh An Giang”, nhằm đánh giá được một cách xác thực được ý định thực hiện chuyển đổi số của các hợp tác xã nhằm giúp các cơ quan quản lý nhà nước về hợp tác xã có cơ sở đề xuất những giải pháp hay các chương trình đầu tư hỗ trợ các hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số thành công.
2. Mô hình nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu
Dựa vào lý thuyết hành vi có kế hoạch của Ajzen (1991) và các công trình, nghiên cứu trước đây, tác giả đã đề xuất mô hình nghiên cứu:Ý định thực hiện chuyển đổi số của hợp tác xã f (trình độ sử dụng công nghệ của nhân viên hợp tác xã - TD, văn hóa đơn vị - VH, hệ thống hạ tầng công nghệ - HT, nguồn lực tài chính hợp tác xã - TC và mục tiêu chiến lược của hợp tác xã - MT.
Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất
Các giả thuyết nghiên cứu:
H1 (+): Trình độ sử dụng công nghệ của nhân viên hợp tác xã ảnh hưởng tích cực đến ý định thực hiện chuyển đổi số hợp tác xã.
H2 (+): Văn hóa của đơn vị ảnh hưởng tích cực đến ý định thực hiện chuyển đổi số hợp tác xã.
H3 (+): Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin ảnh hưởng tích cực đến ý định thực hiện chuyển đổi số hợp tác xã.
H4 (+): Nguồn lực tài chính của hợp tác xã ảnh hưởng tích cực đến ý định thực hiện chuyển đổi số HTX.
H5(+): Mục tiêu chiến lược của hợp tác xã ảnh hưởng tích cực đến ý định thực hiện chuyển đổi số hợp tác xã.
3. Phương pháp nghiên cứu
3.1. Phương pháp thu thập dữ liệu
Đơn vị mẫu: các HTX tại các huyện thị thuộc tỉnh An Giang.
Cỡ mẫu: Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA), theo Hair và cộng sự (2010) cho rằng để sử dụng EFA, kích thước mẫu tối thiểu phải là 50, tốt hơn là 100 và tỷ lệ quan sát/biến đo lường từ 5:1. Vì vậy, với 22 biến quan sát, để tiến hành EFA cỡ mẫu tối thiểu phải là: n = 22 x 5 = 110 quan sát. Tuy nhiên, tác giả chọn cỡ mẫu là 120 quan sát để tăng độ tin cậy.
Phương pháp chọn mẫu: Nhóm tác giả sử dụng phương pháp chọn mẫu với tiêu thức phân tầng theo vùng địa lý bằng bảng hỏi soạn sẵn, phân bổ mẫu dựa trên các huyện thị thành phố.
3.2. Phương pháp phân tích dữ liệu
Các phương pháp phân tích được sử dụng trong việc giải quyết các mục tiêu, kiểm định các giả thuyết nghiên cứu của đề tài, cụ thể gồm: phương pháp thống kê mô tả, phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích hồi quy tuyến tính bội.
4. Kết quả và thảo luận
4.1. Phân tích độ tin cậy của thang đo thông qua hệ số Cronbach’s Alpha
Kết quả phân tích Cronbach’s Alpha đối với các nhân tố có ảnh hưởng đến ý định thực hiện chuyển đổi số của HTX được tóm tắt như sau: trong tất cả các thang đo bao gồm: (1) Trình độ sử dụng công nghệ của nhân viên HTX có hệ số Cronbach’s Alpha tổng là 0,878; (2) Văn hóa của đơn vị có Cronbach’s Alpha tổng là 0,921; (3) Hệ thống hạ tầng công nghệ HTX có hệ số Cronbach’s Alpha tổng là 0,840; (4) Nguồn lực tài chính của HTX có hệ số Cronbach’s Alpha tổng là 0,707; (5) Mục tiêu chiến lược của HTX có hệ số Cronbach’s Alpha tổng là 0,897.
Ngoài ra, Ý định sử thực hiện chuyển đổi số HTX có Alpha tổng = 0,855. Đồng thời hai hệ số Tương quan biến tổng (Item - Total Correlation) đều lớn hơn 0,3 và Cronbach’s Alpha nếu loại biến (Cronbach’s Alpha if Item Deleted) đều nhỏ hơn Cronbach’s Alpha tổng, do vậy các thang đo lường là có thể sử dụng được trong bối cảnh nghiên cứu của đề tài (Nunnally & Bernstein, 1994).
4.2. Phân tích nhân tố khám phá (EFA)
4.2.1. Các biến độc lập
Kết quả kiểm định sự tương quan giữa các nhân tố, ta có KMO = 0,820 > 0,5; Sig. kiểm định của Bartletts Test = 0,000 < 0,05. Giả thuyết H0 hoàn toàn bị bác bỏ ở mức ý nghĩa á = 5% hay các biến có tương quan với nhau và hoàn toàn phù hợp với phân tích nhân tố khám phá. Tiếp theo là kết quả ma trận nhân tố thực hiện với phép xoay Varimax được thể hiện trong Bảng 1.
Bảng 1 cho thấy có tất cả 22 biến đạt yêu cầu trong EFA, nếu xét theo tiêu chuẩn Eiginvalue trong phân tích là 1,011> 1, thì 22 biến quan sát được rút lại thành 5 nhân tố. Trong Bảng 1, ta cũng thấy được phương sai cộng dồn Comulative bằng 71,19% >50%, nên 5 nhân tố được rút ra giải thích được gần 71% biến thiên của dữ liệu (phần trăm của phương sai). Hệ số tải nhân tố của tất cả các biến đều lớn hơn 0,5 và đáp ứng đầy đủ điều kiện nghiên cứu này yêu cầu để đưa vào mô hình hồi quy.
Bảng 1. Kết quả ma trận nhân tố đã xoay
(hiệu chỉnh lần cuối)
4.2.2. Biến phụ thuộc
Ta có kết quả kiểm định hệ số KMO = 0,763 > 0,5; Sig. kiểm định của Bartletts Test = 0,000 < 0,05. Điều này cho thấy các biến có tương quan với nhau và hoàn toàn phù hợp với phân tích nhân tố khám phá. Ngoài ra, cả 5 biến quan sát đều có hệ số tải nhân tố lớn hơn 0,5 và đạt yêu cầu trong phân tích nhân tố.
4.3. Phân tích hồi quy tuyến tính bội
Kết quả tổng hợp cho thấy, hệ số xác định R2 = 0,657 và hệ số R2 hiệu chỉnh trong mô hình là 0,642. Bên cạnh đó, kiểm định F thấy mức ý nghĩa Sig = 0,000 điều này cho thấy rằng độ thích hợp của mô hình là 64,2%; hay nói cách khác các biến độc lập giải thích được 64,2% phương sai của biến phụ thuộc. Ngoài ra, kiểm định Durbin-Watson là 1,972 chứng tỏ không có tự tương quan.
Để xem xét mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến biến phụ thuộc đến ý định sử dụng dịch vụ MM, ta xem xét bảng trọng số hồi quy sau:
Bảng 2. Bảng ANOVA của mô hình
Bảng 2 cho thấy Sig. = 0,00 nhỏ hơn 0,05 nên mô hình hồi quy tuyến tính được xây dựng phù hợp với tổng thể.
Để xem xét mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến biến phụ thuộc ý định sử dụng dịch vụ MM, ta xem xét bảng trọng số hồi quy sau: (Bảng 3)
Từ kết quả hồi quy trên, ta có hàm hồi quy được viết lại như sau:
YDCDS HTX (BI) = 0,428*MT + 0,32*TC + 0,165*HT + 0,13*TD
Bảng 3. Bảng trọng số hồi quy (Coefficientsa)
Bảng 3 cho thấy có 4 nhân tố là mục tiêu chiến lược của HTX (MT), nguồn lực tài chính của HTX (TC), hạ tầng công nghệ thông tin (HT) và trình độ công nghệ thông tin của nhân viên HTX (TD) có tác động cùng chiều vào biến phụ thuộc ý định thực hiện chuyển đổi số, vì trọng số hồi quy B của 4 nhân tố này có ý nghĩa thống kế (p < 0,05). Tuy nhiên, nhân tố văn hóa của tổ chức lại không ảnh hưởng đến ý định thực hiện chuyển đổi số của HTX, điều này chứng tỏ đây chưa phải là nhân tố quan trọng tác động đến ý định thực hiện chuyển đổi số của các HTX.
Ngoài ra, nếu xem xét mức độ tác động của 4 nhân tố này lên biến phụ thuộc ý định thực hiện chuyển đổi số HTX, chúng ta có lần lượt thứ tự tác động từ cao đến thấp của từng nhân tố tương ứng với mức beta chuẩn hóa như sau: MT (b = 0,428), TC (b = 0,32), HT (b = 0,165) và cuối cùng là TD (b = 0,13). Bên cạnh đó, kiểm định đa cộng tuyến có các giá trị VIF đều nhỏ hơn 2, cho thấy các biến trong mô hình không có hiện tượng đa cộng tuyến.
5. Kết luận
Chuyển đổi số là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy sự chuyển biến mô hình HTX một cách linh hoạt, phù hợp và đạt hiệu quả cao. Vì vậy, trong tương lai, cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số để các HTX và mô hình kinh tế hợp tác có sự chuyển biến mạnh mẽ, hoạt động hiệu quả hơn. Trong nghiên cứu này nhóm tác giả đạt được những kết quả sau: vận dụng các lý thuyết về hành vi và khả năng tiếp cận công nghệ để xây dựng mô hình nghiên cứu và kế thừa các nghiên cứu trước của các tác giả trong và ngoài nước về ý định thực hiện chuyển đổi số. Kết quả nghiên cứu đã xây dựng được mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến ý định thực hiện chuyển đổi số của các HTX tại tỉnh An Giang, theo đó có 4 nhân tố là mục tiêu chiến lược của HTX (MT), nguồn lực tài chính của HTX (TC), hạ tầng công nghệ thông tin của HTX (HT) và trình độ sử dụng công nghệ thông tin của nhân viên HTX (TD) có tác động cùng chiều vào biến phụ thuộc ý định thực hiện chuyển đổi số của HTX.
Nghiên cứu đề xuất được một số hàm ý quản trị có liên quan nhằm đẩy nhanh chuyển đổi số trong các HTX, cụ thể như sau:
- Các HTX có mục tiêu chiến lược rõ ràng, có định hướng phát triển và định vị được HTX trong tương lai, đây là yếu tố quan trọng giúp các HTX xác định được các nguồn lực đi kèm, cũng như xác định được mục tiêu dài hạn của mình, tập trung phát triển theo định hướng. Từ đó, HTX có những lộ trình thực hiện các hoạt động cụ thể hóa chiến lược bằng các phương án sản xuất - kinh doanh hàng năm ứng dụng CNTT vào sản xuất, vận hành hệ thống. Do đó, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng yếu tố định hướng mục tiêu tác động lớn nhất đến ý định chuyển đổi số của các HTX.
- Các HTX có nguồn lực tài chính mạnh hoặc có sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước trong các chương trình phát triển của HTX thì việc thực hiện chuyển đổi số HTX càng nhanh chóng và giúp HTX ngày càng phát triển. Đây là yếu tố tác động mạnh thứ hai đối với ý định thực hiện chuyển đổi số, vì nguồn lực tài chính sẽ quyết định việc đầu tư ứng dụng công nghệ vào vận hành hệ thống sản xuất kinh doanh.
- Các HTX có hạ tầng công nghệ thông tin tốt, nhằm phục vụ số hóa hồ sơ, tài liệu, vận hành các hệ thống quản trị sản xuất, phân tích, tính toán dữ liệu giúp các HTX tiếp cận nhanh hơn quá trình chyển đổi số. Do vậy, việc đầu tư hạ tầng công nghệ có tác động rất lớn đến quá trình chuyển đổi số của các HTX.
- Yếu tố cuối cùng là yếu tố con người, với kiến thức, trình độ được đào tạo về công nghệ thông, vận hành hệ thống công nghệ thông tin sẽ giúp HTX sử dụng được hiệu quả các nguồn lực, đem đến sự vận hành tối ưu cho hệ thống sản xuất và quản trị điều hành của HTX. Chính vì vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số cho các HTX có vai trò vô cùng quan trọng, cũng như công tác hỗ trợ nâng cao năng lực cho các thành viên HTX về chuyển đổi số.
Từ những khuyến nghị trên, sẽ giúp chúng ta đánh giá được các ưu tiên cần tập trung để thực hiện chuyển đổi số cho các HTX trong từng giai đoạn khác nhau.
Lời cảm ơn:
Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG - HCM) trong khuôn khổ nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, mã số TX2023-50-01.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ajzen I. (1991). The theory of planned behaviour. Organizational behaviour and human decision processes, 50, 179-211.
- Ban Chấp hành Trung ương Đảng. (2022). Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
- Bộ Thông tin và Truyền thông. (2021). Cẩm nang chuyển đổi số. Truy cập tại https://www.mic.gov.vn/ Upload_Moi/FileBaoCao/Cẩm-nang-Chuyển-đổi-số-2021.pdf
- Hair, J., Black, W., Babin, B., Anderson, R., & Tatham, R. (2010). Multivariate data analysis. 6th (ed.) Prentice-Hall. USA: Upper Saddle River NJ.
- Hoàng Thị Hoa. (2022). Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Truy cập tại https://tapchitaichinh.vn/giai-phap-thuc-day-chuyen-doi-so-khu-vuc-kinh-te-hop-tac-hop-tac-xa.html
- Microsoft. (2016). Digital transformation: Seven steps to success. Washington: Redmond.
- Nunnally, J. C., & Bernstein, I. H. (1994). Psychometric theory (3rd ed.). USA: McGraw-Hill.
- Thủ tướng Chính phủ. (2020). Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
- Trọng Tín. (2023). Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang kỷ niệm 30 năm thành lập. Truy cập tại https://angiang.gov.vn/wps/portal/Home/tin-tuc/chi-tiet/lien-minh-hop-tac-xa-tinh-an-giang-ky-niem-30-nam-thanh-lap
FACTORS AFFECTING INTENTION TO IMPLEMENTATION
DIGITAL TRANSFORMATION OF COOPERATIVE
IN AN GIANG PROVICE
• TRINH PHUOC NGUYEN
Deputy Director, Climate Change Institute
An Giang University, Vietnam National University Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
In the Industry 4.0 era, digital transformation will enhance competitiveness and improve production and business efficiency for all economic types, including cooperatives. Failure to adapt to the trend of digitization can cause cooperatives to miss development opportunities and fail to increase business profits. However, digital transformation is facing many challenges for cooperatives, which are considered to have low conversion capacity. Nevertheless, in response to the trend of the times, this study uses the behavioral intention to apply technology model to build a theoretical model and employ multiple linear regression analysis based on survey data from cooperatives in An Giang province to identify factors influencing the digital transformation intention of cooperatives. The results found 5 influential factors including: Objectives of the cooperative, Financial capacity of cooperative, Technology infrastructure, and the Level of technology use affects the intention to to implement digital transformation in cooperatives in An Giang with an effect of 0.428, 0.32, 0.165, and 0.13, respectively.
The results of this study can assist cooperatives and state management agencies in developing a suitable roadmap for digital transformation of cooperatives. Additionally, it can aid in effectively building investment strategies to support the digital transformation of cooperatives
Keywords: Digital transformation, cooperative, Intention to perform digital transformation
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6 tháng 3 năm 2023]