Chuyển đổi số trong các doanh nghiệp: Thực trạng và một số đề xuất trong thời gian tới

TS. NGUYỄN THỊ KIM NGUYÊN (Trường Đại học Sao Đỏ)

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu đưa ra chính sách, các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp của các cơ quan quản lý nhà nước; phân tích thực trạng chuyển đổi số ở các doanh nghiệp hiện nay, chỉ ra những hạn chế còn tồn tại. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả hơn.

Từ khóa: chuyển đổi số, đầu tư, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước.

1. Chính sách và các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp của các cơ quan quản lý nhà nước

Hiện nay, để thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, Việt Nam đang từng bước xây dựng và áp dụng hệ thống các chính sách phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng khuyến khích các ngành nghề, doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, giáo dục, truyền thông,… Đồng thời, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và đẩy mạnh thực thi chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm định hướng sự phát triển kinh tế - xã hội số. Trên cơ sở đó, xây dựng các chiến lược chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp,… Cụ thể, như: Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (ban hành theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ); Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia về CĐS; Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg về Ngày CĐS quốc gia, lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số Quốc gia; Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, ngày 26/9/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Theo đó, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 50% nếu thuê, mua các nền tảng, giải pháp chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông chứng nhận, công bố.

Việt Nam có khoảng 870.000 doanh nghiệp, trong đó, DNNVV chiếm hơn 98%. Nhận thức được vai trò quan trọng của khối DNNVV, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện Chương trình hỗ trợ DNNVV về chuyển đổi số (SMEdx) từ ngày 29/1/2021, hướng tới mục tiêu đẩy nhanh chuyển đổi số trong DNNVV thông qua việc sử dụng nền tảng số do chương trình lựa chọn, giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động.

Ngoài ra, các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tăng thêm nguồn tài chính, tăng tích lũy nhằm đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chính sách thuế nhập khẩu khuyến khích phát triển ngành, nghề công nghệ cao, khuyến khích nhập khẩuhàng hóa phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, qua đó góp phần tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp về chuyển đổi số. Về cơ bản, đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, pháp luật thuế đã có nhiều quy định ưu đãi ở mức cao trong khung ưu đãi của pháp luật thuế. Trước nhu cầu và sự cần thiết này, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với USAID thông qua Dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DNNVV” (LinkSME), triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 cùng nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực nhằm tăng cường năng lực tiếp cận các nguồn tài chính đa dạng cho DNNVV.

Kết quả, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, gần 400.000 doanh nghiệp đã được tiếp cận các tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số, hơn 600 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp được tư vấn hỗ trợ chuyên sâu về chuyển đổi số.

Cục Phát triển doanh nghiệp và Dự án USAID LinkSME cũng đã triển khai đào tạo về tiếp cận và xây dựng chiến lược tài chính cho hơn 500 DNNVV, trong đó, 14 doanh nghiệp đã được tư vấn chuyên sâu về tái cấu trúc các khoản nợ và tiếp cận tài chính với khoản vay được phê duyệt lên tới 5 triệu USD.

Bên cạnh đó, các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV được thành lập ở các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng (TCTD). Số lượng DNNVV được bảo lãnh để vay vốn từ các TCTD tăng qua từng năm. Nhiều doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay thông qua hoạt động bảo lãnh, góp phần nâng cao năng lực tài chính của doanh nghiệp, hỗ trợ tốt hơn trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, Quỹ Phát triển DNNVV cũng góp phần hỗ trợ vốn cho các DNNVV đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh; Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đã giúp các doanh nghiệp bước đầu xây dựng các nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Đặc biệt, chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng là một giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về chuyển đổi số. Từ năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hằng năm. Nhờ đó, thứ hạng xếp hạng môi trường kinh doanh và xếp hàng năng lực cạnh tranh của Việt Nam đều tăng hạng, cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng ghi nhận những kết quả, tiến bộ trong triển khai thực hiện các nghị quyết này. Bộ Tài chính cũng đã thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính thuế, giảm thời gian nộp thuế; số doanh nghiệp tham gia đăng ký thuế, khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đều đạt 99 - 100%. Hệ thống hóa đơn điện tử được triển khai áp dụng giai đoạn 1 giúp doanh nghiệp giảm chi phí, hỗ trợ quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data), đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số.

2. Thực trạng chuyển đổi số ở các doanh nghiệp hiện nay

2.1. Kết quả đạt được

Tính đến giữa tháng 10/2022, chương trình SMEdx đã tiếp cận được đến gần 500.000 DNNVV, chiếm khoảng 62% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20%/tháng. Để hỗ trợ các DNNVV triển khai chuyển đổi số hiệu quả, Chương trình SMEdx cam kết cung cấp từ 3 - 6 tháng miễn phí cho các DNNVV có quy mô dưới 50 người. Các DNNVV sử dụng nền tảng số, không cần đầu tư vận hành mà chỉ cần trả tiền theo "thuê bao" hàng tháng và bảo đảm an toàn thông tin.

Đặc biệt, nhờ đa dạng hình thức tiếp cận, kết quả đã có hơn 63.525 DNNVV lựa chọn sử dụng các nền tảng số trong chương trình SMEdx, chiếm khoảng 13% tổng số lượng DNNVV tiếp cận chương trình, tăng trung bình 15% hằng tháng.

Theo thống kê, trong các nhóm nền tảng xuất sắc của Chương trình SMEdx, tỷ lệ DNNVV chọn sử dụng nhóm nền tảng quản trị tổng thể doanh nghiệp cao hơn cả, đạt gần 40%. Tiếp đó là các nhóm nền tảng nhân sự, tổ chức (17%); nền tảng du lịch, khách sạn (16%); nền tảng hạ tầng công nghệ (14%), nền tảng kế toán tài chính (10%); nền tảng quảng cáo, tiếp thị, chăm sóc khách...

Ngoài ra, trong số 9 nhóm nền tảng xuất sắc của Chương trình SMEdx, nền tảng quản trị tổng thể doanh nghiệp được các doanh nghiệp triển khai sử dụng nhiều (39,8%). Tiếp đến là nền tảng nhân sự, tổ chức (17%); nền tảng du lịch, khách sạn (16%); nền tảng hạ tầng công nghệ (14%), nền tảng kế toán tài chính (10%); nền tảng quảng cáo, tiếp thị, chăm sóc khách hàng (1,2%); nền tảng giáo dục trực tuyến (0,7%); nền tảng vận tải, logistic (0,5%); nền tảng an toàn, an ninh mạng (0,3%) và nền tảng mạng xã hội (0,1%).

Bên cạnh đó, tỷ lệ các DNNVV sử dụng các nền tảng SMEdx có sự chênh lệch lớn giữa các tỉnh, thành phố. Một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ DNNVV sử dụng nền tảng SMEdx trên tổng số DNNVV sử dụng nền tảng SMEdx trên cả nước cao như Hà Nội (34%), TP. Hồ Chí Minh (32,7%), TP. Đà Nẵng (11,5%), Cà Mau (7,5%), Bình Dương (2,5%). Một số địa phương có tỷ lệ DNNVV tham gia thấp như Điện Biên, Hòa Bình, Tây Ninh, Hậu Giang…

Nguyên nhân các địa phương có tỷ lệ DNNVV sử dụng nền tảng số SMEdx cao cơ bản là các thành phố lớn, nơi tập trung số lượng lớn các DNNVV, đồng thời các doanh nghiệp này có nhiều cơ hội tiếp cận với thông tin, các chính sách cũng như công nghệ chuyển đổi số. Các địa phương này cũng trải qua đợt dịch Covid-19 khá nặng nề, do đó nhận thức của các doanh nghiệp về chuyển đổi số đều rất cao. Ngoài ra, các địa phương cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về chuyển đổi số.

Trong ngành ngân hàng, các doanh nghiệp đã nghiên cứu và triển khai chiến lược chuyển đổi số bước đầu với ứng dụng IoT cho phép khách hàng truy cập sử dụng dịch vụ ngân hàng, kết nối với các hệ sinh thái số khác trên nền tảng Internet (dịch vụ ngân hàng số Timo của VPBank, Live Bank của TPBank, E-Zone của BIDV…), hoặc cung ứng các dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng được cài đặt ngay trên điện thoại di động (Mobile Banking…).

Hay như sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ gọi xe công nghệ của nước ngoài như Grab hay Uber chính là đòn bẩy tạo giúp hình thành nở rộ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gọi xe trong nước như Be hay FastGo. VinGroup cũng đã xây dựng hệ thống quản lý khách hàng thống nhất với VinID, giúp khách hàng tích hợp và quản lý thông tin khi giao dịch với VinGroup ở nhiều dịch vụ khác nhau như thanh toán các hóa đơn gia đình, tiền điện, mua sắm hay các dịch vụ nghỉ dưỡng,…

2.2. Một số khó khăn, thách thức

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, mức độ chuyển đổi số ở các doanh nghiệp nhìn chung còn thấp và chưa đồng đều, khi vẫn có một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp chưa bắt đầu thực hiện chuyển đổi số và chưa sẵn sàng để chuyển đổi số. Trong khi đó, việc áp dụng các công nghệ chủ chốt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá sơ khai. Nguyên nhân là do: (i) Rào cản từ bên trong doanh nghiệp như tư duy, nhận thức, thiếu vốn, thiếu cơ sở hạ tầng về công nghệ số, rủi ro rò rỉ dữ liệu, thiếu nhân lực, thiếu thông tin, tâm lý phải thay đổi tập quán kinh doanh…; (ii) Rào cản từ bên ngoài doanh nghiệp như khung pháp lý chưa hoàn thiện, hạ tầng công nghệ thiếu đồng bộ, tốc độ phát triển các doanh nghiệp cung cấp công nghệ chưa cao…

Ngoài ra, vấn đề chuyển đổi số còn đang gặp thách thức từ chính doanh nghiệp. Chuyển đổi số sẽ tác động tới toàn bộ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, gây nên nhiều áp lực cho các nhà quản trị ngay từ vấn đề nhận thức tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển doanh nghiệp, nguồn tài chính đến tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia của đông đảo người lao động tại doanh nghiệp, về tính hiệu quả của chuyển đổi số...

Đặc biệt, tại Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, các doanh nghiệp cũng lo ngại về rò rỉ dữ liệu cá nhân trong quá trình chuyển đổi số. Cùng với đó là sự thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động, khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ số, thiếu cơ sở hạ tầng về công nghệ số…

Đối với tiếp cận tài chính, hiện nay, tỷ lệ DNNVV tiếp cận được nguồn tài chính chính thống còn thấp, khoảng 25%, còn lại 75% là tiếp cận từ các nguồn khác như từ bạn bè, gia đình và các nguồn vay ngoài ngân hàng.

Nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn chính thống từ các ngân hàng là do năng lực tài chính của các chủ doanh nghiệp chưa cao, vì hạn chế về quản lý dòng tiền, minh bạch chứng từ, báo cáo tài chính.

Cùng với đó, doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn ngân hàng do liên quan đến tài sản đảm bảo, về phương án kinh doanh khả thi, lịch sử trả nợ và các điều kiện, thủ tục vay vốn khác.

3. Một số giải pháp đề xuất

Để thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả hơn nữa ở các doanh nghiệp trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp lựa chọn các nền tảng số của Chương trình SMEdx phù hợp nhằm giúp cho doanh nghiệp về chuyển đổi số số thành công, tạo đà phát triển kinh tế của các ngành và địa phương.

Cụ thể, các bộ, ngành cần nêu yêu cầu và đặt ra lộ trình với các DNNVV thuộc lĩnh vực mình phụ trách triển khai chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, bảo đảm tỷ lệ DNNVV sử dụng nền tảng số thuộc lĩnh vực phụ trách, trong đó có các nền tảng SMEdx đạt trên 50% vào năm 2025 theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, các bộ, ngành, cũng cần quyết liệt chỉ đạo việc sử dụng các nền tảng số quốc gia dùng chung, kết nối, mở, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với các nền tảng số quốc gia nhằm đồng bộ, liên thông, tạo hệ sinh thái chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, xây dựng mạng lưới lãnh đạo công nghệ thông tin trong từng cộng đồng DNNVV trong lĩnh vực quản lý để giới thiệu và hướng dẫn sử dụng các nền tảng số dùng chung.

Hai là, với các địa phương, UBND các tỉnh, thành phố cần có chính sách, bố trí nguồn lực để hỗ trợ cho DNNVV tại địa phương mình tham gia Chương trình SMEdx nhằm hỗ trợ DNNVV về chuyển đổi số, trong đó chú trọng một số nhiệm vụ như: Hỗ trợ ngân sách cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình SMEdx; tập huấn, đào tạo cho các DNNVV về chuyển đổi số thông qua các chương trình hợp tác giữa địa phương với các doanh nghiệp công nghệ số; tổ chức thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số cho doanh nghiệp thông qua các báo, đài, hệ thống thông tin cơ sở và các tổ công nghệ số cộng đồng.

Ba là, để chuyển đổi số mang lại hiệu quả, chủ doanh nghiệp cần hiểu rõ bản chất, nhu cầu chuyển đổi số cho ngành của mình là gì? Lãnh đạo doanh nghiệp phải lên kế hoạch, chọn đúng đối tác, nhà tư vấn; triển khai vận hành cho hiệu quả. Chuyển đổi số cần sự thống nhất cao trong ban lãnh đạo và bộ máy, làm từ dễ đến khó. Tùy theo doanh nghiệp, có thể làm từ trong ra ngoài, từ chuyển đổi số trong nội bộ trước khi làm những ứng dụng phát triển ra thị trường.

Theo đó, doanh nghiệp nên có sự chuẩn bị rất kỹ trước khi đưa ra yêu cầu, nếu không đưa ra được yêu cầu thì phải thuê công ty tư vấn; lượng hóa được yêu cầu, chỉ tiêu đối với nhà cung cấp, có như vậy quá trình chuyển đổi số mới sát với thực tế nhu cầu.

Với các DNNVV vốn hạn chế về nguồn lực thì việc chuyển đổi số phải căn cứ vào nguồn thu của doanh nghiệp, gắn chuyển đổi số với mô hình kinh doanh và giá trị mục tiêu. Bên cạnh đó, chấp nhận tư duy dài hạn trong chuyển đổi số, phải tính bằng 3-5 năm, để từ đó chuẩn bị nguồn lực cho chuyển đổi số.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021). Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2021.
  2. Bộ Thông tin và Truyền thông (2022). Đẩy mạnh Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx) 2022, Hội nghị, ngày 24/3/2022, Hà Nội.
  3. Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (2022), Những vướng mắc và giải pháp thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Tọa đàm, ngày 27/8/2022, Thành phố Hồ Chí Minh.

THE DIGITAL TRANSFORMATION OF ENTERPRISES:

CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS

Ph.D NGUYEN THI KIM NGUYEN

Sao Do University  

ABSTRACT:

This study analyzes the current digital transformation of enterprises under state management agencies in Vietnam and points out existing limitations. Based on the study’s findings, some policies and solutions are proposed to facilitate the digital transformation in these enterprises.

Keywords: digital transformation, investment, enterprises, state agencies.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3, tháng 2 năm 2023]