Xu hướng nhu cầu khoáng sản toàn cầu - gợi ý giải pháp thúc đẩy phát triển ngành khoáng sản Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng xanh

Bài báo Xu hướng nhu cầu khoáng sản toàn cầu - gợi ý giải pháp thúc đẩy phát triển ngành khoáng sản Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng xanh do Nguyễn Tuấn Vương (Trường Đại học Mỏ - Địa chất) thực hiện.

Tóm tắt:

Trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, vốn là ngành tiêu thụ năng lượng lớn và phát sinh nhiều khí thải, ngành Khoáng sản đứng trước áp lực phải đổi mới mô hình sản xuất để thực hiện quá trình dịch chuyển năng lượng. Đó không chỉ là yêu cầu khách quan từ xu thế phát triển bền vững, mà còn là chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn. Do đó, để hiện thực hóa điều này, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp ngành Khoáng sản đầu tư vào công nghệ khai thác, sản xuất tiết kiệm năng lượng, áp dụng năng lượng tái tạo trong vận hành để tiến tới xây dựng chuỗi giá trị khoáng sản xanh là rất cần thiết.

Từ khóa: khoáng sản, khoảng sản Việt Nam, xu hướng, nhu cầu, chuyển đổi năng lượng xanh.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng xanh, dịch chuyển năng lượng từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch không còn là xu hướng mang tính khuyến nghị, mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết và bắt buộc trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, an ninh năng lượng suy giảm và cam kết trung hòa carbon của hầu hết các quốc gia. Đối với Việt Nam, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhu cầu đối với các khoáng sản thiết yếu như lithium, nickel, cobalt, đất hiếm và đồng sẽ tăng từ 3 đến 7 lần so với mức hiện tại, đặc biệt là trong các lĩnh vực pin lưu trữ, xe điện và hạ tầng năng lượng tái tạo. Ngành Khoáng sản có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, đóng góp quan trọng vào GDP và ngân sách nhà nước thì xu hướng này có tác dụng rất lớn đến sự phát triển của ngành Khoáng sản. Trong bối cảnh đó, với vai trò là mắt xích đầu tiên và có tính quyết định trong chuỗi cung ứng năng lượng sạch, ngành Khoáng sản nước ta đang đứng trước thời cơ phát triển chưa từng có, đồng thời cũng phải đối mặt với những thách thức khốc liệt về công nghệ, môi trường và địa chính trị.

Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp khoáng sản hiện nay vẫn hoạt động theo mô hình khai thác, chế biến thô, giá trị gia tăng thấp, công nghệ lạc hậu và thiếu năng lực kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu với hơn 70% khoáng sản xuất khẩu hiện nay vẫn dưới dạng tinh quặng hoặc chưa qua chế biến sâu, khiến Việt Nam bị yếu thế trong chuỗi giá trị khoáng sản năng lượng và phụ thuộc vào biến động giá cả thế giới. Bên cạnh đó, việc chưa tuân thủ được đầy đủ các tiêu chuẩn môi trường quốc tế và chưa áp dụng các nguyên tắc phát triển bền vững cũng khiến nhiều doanh nghiệp Việt khó tiếp cận các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị), đặc biệt là các thị trường lớn như Hoa Kỳ và EU.

Cùng với đó, thế giới đang bước vào cuộc chạy đua mới về chuỗi cung ứng khoáng sản chiến lược, với sự tham gia tích cực của các quốc gia phát triển. Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đã và đang triển khai nhiều chính sách khuyến khích phát triển ngành khai khoáng theo hướng xanh trong nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Những nỗ lực này một mặt tạo ra áp lực nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội để Việt Nam vươn lên thành mắt xích quan trọng trong mạng lưới cung ứng toàn cầu, đặc biệt nếu có chính sách đúng đắn và hành động kịp thời. Trong bối cảnh này, việc thúc đẩy các doanh nghiệp khoáng sản Việt Nam tham gia tích cực vào quá trình dịch chuyển năng lượng không chỉ là yêu cầu nội tại của ngành, mà còn là một phần trong chiến lược phát triển quốc gia xanh và bền vững. Để thực hiện được điều này không thể chỉ dựa vào cơ chế thị trường mà cần sự hỗ trợ mạnh mẽ và chủ động từ phía Nhà nước, thông qua việc ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư công nghệ xanh, xây dựng cơ chế tín dụng ưu đãi, cải cách hành chính trong thăm dò và khai thác, đồng thời hoàn thiện quy hoạch khoáng sản quốc gia phù hợp với mục tiêu phát triển năng lượng sạch. Doanh nghiệp cũng cần được tiếp cận các chương trình đào tạo, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế, từ đó từng bước nâng cao năng lực quản trị, năng lực sản xuất và khả năng thích ứng với các yêu cầu mới của thị trường toàn cầu.

Như vậy, trong bối cảnh toàn cầu đang tiến dần đến nền kinh tế xanh, có chiến lược thúc đẩy đúng đắn và đồng bộ, ngành Khoáng sản Việt Nam sẽ không những bỏ lỡ cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị năng lượng mới, tránh nguy cơ tụt hậu về công nghệ, thị phần và năng lực cạnh tranh. Việc đặt doanh nghiệp khoáng sản vào trung tâm của quá trình chuyển đổi chính là chìa khóa để phát triển bền vững, khai thác hiệu quả tài nguyên và đưa Việt Nam từng bước tiến vào kỷ nguyên công nghiệp năng lượng xanh.

2. Xu hướng nhu cầu khoáng sản toàn cầu trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng xanh

Theo Báo cáo Thị trường Khoáng sản trọng điểm 2023 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, giá trị thương mại của nhóm khoáng sản phục vụ cho quá trình chuyển dịch năng lượng đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 5 năm, từ mức khoảng 160 tỷ USD năm 2017 lên tới hơn 320 tỷ USD vào năm 2022. Đây là mức tăng trưởng vượt xa kỳ vọng so với các nhóm khoáng sản truyền thống như than, quặng sắt hay dầu khí trong cùng thời kỳ [5]. Trong tương lai, IEA cũng dự báo tổng nhu cầu khoáng sản cho công nghệ năng lượng sạch sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2030 và gấp 4 lần vào năm 2040 so với mức của năm 2020 [6].

Đặc biệt, lithium với vai trò là nguyên liệu cốt lõi trong pin lithium-ion, loại pin chủ đạo cho xe điện và lưu trữ năng lượng  đang chứng kiến mức tăng trưởng ngoạn mục. Năm 2023, nhu cầu lithium toàn cầu đã tăng khoảng 30% so với năm 2022, với sản lượng đạt gần 204.000 tấn [5]. Trong khi đó, khoáng sản chủ lực trong xây dựng hạ tầng lưới điện và tua-bin gió là đồng cũng đang chịu áp lực cung ứng rất lớn, khi mỗi MW công suất năng lượng tái tạo cần lượng đồng gấp 4-6 lần so với nhiệt điện truyền thống. Dự báo đến năm 2035, nếu không có đầu tư bổ sung tương xứng, thị trường đồng toàn cầu có thể thiếu hụt tới 30% nhu cầu tiêu thụ [7]. Sự tăng trưởng nhu cầu khoáng sản này cũng đang lan rộng ra các khoáng sản khác. Nhu cầu về nickel và cobalt được dùng trong pin và hợp kim chịu nhiệt cũng đã tăng 8-15% mỗi năm. Đặc biệt, nhóm đất hiếm (như neodymium và dysprosium), cần thiết cho sản xuất động cơ nam châm vĩnh cửu trong xe điện và tua-bin gió ngày càng đóng vai trò chiến lược về công nghệ và quốc phòng.

Không có vậy, sự gia tăng nhu cầu này cũng cho thấy những rủi ro hệ thống nghiêm trọng của thị trường khoáng sản toàn cầu. Chuỗi cung ứng khoáng sản hiện nay đang bị tập trung hóa ở mức báo động. Hơn 70% công đoạn tinh luyện lithium, 80% cobalt và 90% đất hiếm hiện đang được thực hiện tại Trung Quốc khiến các nền kinh tế khác rơi vào sự phụ thuộc [9]. Điều này không chỉ đẩy giá khoáng sản lên cao trong giai đoạn khan hiếm, mà còn tạo ra nguy cơ địa chính trị nếu xảy ra gián đoạn chuỗi cung ứng. Đáng chú ý, mặc dù là điều kiện tiên quyết để mở rộng nguồn cung nhưng các khoản đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng đang có dấu hiệu chững lại do giá khoáng sản suy giảm từ giữa năm 2023 đến đầu năm 2024, cũng như do các rào cản về cấp phép và tác động môi trường của hoạt động khai thác. Tổng đầu tư vào khai khoáng tăng khoảng 10% trong năm 2023, nhưng tốc độ này chưa đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong khi đó, chi phí đầu tư ban đầu cho một mỏ khai thác lithium có thể lên tới hàng tỷ USD và mất trung bình từ 7 đến 17 năm để đi vào khai thác thương mại khiến khả năng đáp ứng kịp thời nguồn cung càng trở nên khó khăn [4]

Bên cạnh những vấn đề về nguồn cung và đầu tư, một thách thức không nhỏ khác đến từ khả năng tái chế khoáng sản vẫn ở mức rất khiêm tốn. Tỷ lệ tái chế lithium chỉ khoảng 1-2%, còn đối với cobalt và nickel cũng dưới 20%, chủ yếu do công nghệ xử lý còn đắt đỏ và thiếu hạ tầng thu gom pin đã qua sử dụng. Do đó, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn đối với khoáng sản đang là hướng đi cấp thiết nhằm giảm phụ thuộc vào khai thác nguyên sinh và giảm áp lực môi trường.

Mặt khác, các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản đang tăng tốc các chiến lược quốc gia về an ninh khoáng sản, với các mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung, đầu tư vào thăm dò nội địa, thiết lập liên minh chuỗi cung ứng và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp trong nước. Tại Hoa Kỳ, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) năm 2022 quy định các khoản tín dụng thuế xe điện chỉ được áp dụng cho xe có pin chứa khoáng sản khai thác hoặc tinh chế tại Mỹ hoặc các quốc gia có hiệp định thương mại tự do. Từ đó thúc đẩy đầu tư nội địa và giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài [2].

Từ các phân tích trên có thể thấy: quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu không chỉ là cuộc cách mạng công nghệ hay môi trường mà còn là cuộc chiến địa chính trị và chiến lược tài nguyên. Nếu không có sự điều phối toàn cầu, đầu tư chiến lược và chia sẻ công nghệ, cuộc chạy đua khoáng sản có thể tạo ra bất bình đẳng mới, gây ra các xung đột về tài nguyên và kìm hãm mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, các chính phủ và doanh nghiệp cần hành động mạnh mẽ hơn. Đối với các quốc gia giàu tài nguyên, cần xây dựng chiến lược khai thác đi đôi với chế biến sâu và bảo vệ môi trường. Đối với các nước tiêu dùng lớn, cần tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển chuỗi giá trị minh bạch và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, đổi mới công nghệ và chính sách tài chính xanh sẽ là những công cụ chủ chốt để hướng tới một nền công nghiệp khoáng sản sạch, hiệu quả và bền vững nhằm khiến chuyển dịch năng lượng không trở thành gánh nặng mà chính là cơ hội cho một nền kinh tế toàn cầu công bằng và ít carbon hơn.

3. Tác động của bối cảnh chuyển đổi năng lượng xanh đến ngành khoáng sản

Quá trình chuyển dịch sang năng lượng xanh đang tái định hình sâu sắc bức tranh kinh tế toàn cầu cho ngành khai khoáng. Các quốc gia sở hữu khoáng sản cơ bản như Australia, Chile, Canada,… đang chứng kiến dòng tiền khổng lồ chảy vào, từ doanh thu bán khoáng đến nguồn thu ngân sách, ước tính đem lại 5-25 tỷ USD/năm cho chính phủ và tổng đầu tư hạ tầng lên tới 100-500 tỷ USD đến năm 2040 nếu tận dụng tốt quá trình chuyển đổi năng lượng [3].

Tuy nhiên, chi phí đầu vào cao và thời gian phát triển mỏ kéo dài từ 7-17 năm vẫn là rào cản lớn [3]. Các nước ngoài Trung Quốc phải đối mặt với chi phí vốn cao hơn khoảng 50%, khiến đầu tư khai khoáng trở nên ít hấp dẫn nếu không có cơ chế bảo hộ và hỗ trợ chính sách [9].

Sự phụ thuộc kỹ thuật vào Trung Quốc cũng gây ra sức ép về địa chính trị khi quốc gia này hiện kiểm soát trên 70-80% công suất tinh luyện các khoáng thiết yếu, đặc biệt là đất hiếm, graphite, cobalt và lithium [1]. Mặc dù giá lithium và các khoáng thiết yếu đã tăng mạnh như lithium tăng hơn 30% trong năm 2024, cobalt, nickel, graphite tăng từ 6-8% [9], phần lớn khả năng ổn định nhưng nguồn cung trong dài hạn vẫn phụ thuộc vào khả năng tái chế và xây dựng chuỗi tuần hoàn.

Ngoài ra, tỷ lệ tái chế hiện rất thấp: lithium chỉ khoảng 1-2%, cobalt và nickel dưới 20%, do chi phí công nghệ cao và thiếu hạ tầng thu gom [3]. Trong bối cảnh này, các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ và EU đang xây dựng hệ sinh thái nội địa: cấp phép nhanh, tín dụng thuế, hỗ trợ tài chính và thúc đẩy liên minh chiến lược [2].

Bên cạnh đó, các mô hình dự báo mới cho thấy nếu không có chính sách ổn định, giá khoáng sản sẽ biến động mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành sản xuất thiết bị điện sạch, chi phí pin xe điện, tua-bin gió có thể tăng thêm 15-25% [8]

4. Một số giải pháp thúc đẩy phát triển ngành khoáng sản Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng xanh

Thứ nhất, cần xây dựng Chiến lược phát triển ngành Khoáng sản hợp lý, gắn với lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh. Việt Nam hiện sở hữu nhiều loại khoáng sản có tiềm năng phục vụ cho chuỗi cung ứng năng lượng sạch như đất hiếm, titan, đồng, niken và vonfram. Tuy nhiên, việc khai thác, phân bố và sử dụng còn manh mún, thiếu quy hoạch tổng thể. Vì vậy, Nhà nước cần xây dựng Chiến lược phát triển ngành Khoáng sản đến 2050, xác định rõ các nhóm khoáng sản chiến lược cho ngành năng lượng mới, ưu tiên khai thác có chọn lọc theo hướng phục vụ sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo, pin, động cơ điện và điện tử công nghiệp. Song song, cần lồng ghép các mục tiêu khí hậu, tiêu chuẩn phát thải và trách nhiệm tái chế vào khung pháp lý về khoáng sản.

Thứ hai, doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ hiện đại để khai thác và chế biến sâu, tăng giá trị gia tăng thay vì chỉ xuất khẩu thô. Hiện nay, hơn 70% khoáng sản khai thác tại Việt Nam được xuất khẩu dưới dạng tinh quặng hoặc sản phẩm sơ chế. Điều này không chỉ gây thất thoát tài nguyên, mà còn làm doanh nghiệp mất cơ hội tham gia chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu. Trong bối cảnh giá lithium, đồng, niken... ngày càng biến động mạnh, việc đầu tư vào công nghệ khai thác tiết kiệm tài nguyên, chế biến sâu như luyện kim xanh, thủy luyện và tinh luyện điện hóa sẽ giúp nâng cao lợi nhuận và giảm phụ thuộc xuất khẩu nguyên liệu thô. Mặt khác, Chính phủ cần có chính sách tín dụng ưu đãi và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến sâu.

Thứ ba, cần tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp cận công nghệ tiên tiến và tiêu chuẩn phát triển bền vững. Các quốc gia phát triển ngày càng ưu tiên xây dựng chuỗi cung ứng khoáng sản tiềm năng, trong đó Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội nếu tận dụng được các lợi thế, chủ động tham gia thị trường. Vì vậy, ký kết các hiệp định hợp tác song phương về chuyển giao công nghệ chế biến đất hiếm, vật liệu pin, luyện kim sạch... với các nước như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ sẽ giúp doanh nghiệp Việt rút ngắn thời gian đổi mới công nghệ. Đồng thời, cần đẩy mạnh thu hút FDI chất lượng cao vào lĩnh vực chế biến khoáng sản sạch, với các cam kết về môi trường, tỷ lệ nội địa hóa và đào tạo nhân lực. Mặt khác, Việt Nam cần tham gia tích cực vào các sáng kiến khu vực để nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng khoáng sản năng lượng toàn cầu.

Thứ tư, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng bền vững phục vụ ngành khoáng sản. Kết cấu hạ tầng yếu kém đang là điểm nghẽn lớn trong chuỗi giá trị khoáng sản tại Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên là nơi tập trung tài nguyên đất hiếm, đồng và bô xít. Chính phủ cần quy hoạch đồng bộ khu công nghiệp khai khoáng - chế biến - logistic - năng lượng, tạo điều kiện cho việc khai thác, tinh luyện và vận chuyển khoáng sản hiệu quả, giảm chi phí. Đầu tư hệ thống điện tái tạo tại chỗ cho các khu khai thác, sử dụng công nghệ nước tuần hoàn và xử lý chất thải mỏ cũng cần được đẩy mạnh. Đồng thời, cần sớm xây dựng các trung tâm logistics dành riêng cho một số khoáng sản chiến lược, tránh phụ thuộc hạ tầng vận tải đường bộ hiện nay vốn kém hiệu quả.

Thứ năm, các doanh nghiệp cần chú trọng phát triển bền vững, khai thác đi đôi với bảo vệ môi trường và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Trong bối cảnh thực thi tiêu chuẩn ESG ngày càng trở thành tiêu chí bắt buộc trong các gói thầu quốc tế, doanh nghiệp Việt cần có những điều chỉnh nhất định để tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, các doanh nghiệp cần thiết lập hệ thống quản lý môi trường toàn diện, công bố số liệu phát thải, tỷ lệ thu hồi tài nguyên, tỷ lệ tái chế nước và quản lý chất thải rắn. Cần xây dựng báo cáo phát triển bền vững, đạt chứng nhận quốc tế như ISO 14001, IRMA hoặc ICMM. Đồng thời, Nhà nước nên khuyến khích các mô hình khai thác tuần hoàn, gắn mỏ khai thác với khu công nghiệp chế biến.

5. Kết luận

Như vậy, bối cảnh chuyển đổi năng lượng xanh toàn cầu là một cơ hội lớn nhưng cũng đầy thách thức đối với ngành khoáng sản Việt Nam. Vì vậy, với chiến lược rõ ràng, kết hợp với đổi mới công nghệ, hợp tác quốc tế, đầu tư hạ tầng và đảm bảo tiêu chuẩn phát triển bền vững thì các doanh nghiệp có thể bứt phá, vừa đóng góp cho kinh tế, vừa đáp ứng mục tiêu xanh hóa toàn cầu.

Tài liệu tham khảo

1. AP News (2024), World's supply of critical minerals for clean energy is concentrated in fewer countries, truy cập tại website https://apnews.com/article/3dbee35f17823656b75939305bbd0512

2. Axios (2024), Mining and Critical Mineral Supply Chains Report, truy cập tại website https://www.axios.com/2024/05/17/mining-critical-minerals-report

3. BMZ (2024), Critical Minerals for the Energy Transition: Opportunities and Risks for Developing Countries, truy cập tại website https://rue.bmz.de/resource/blob/155042/gfg.pdf

World Bank (2023), Climate-Smart Mining: Minerals for Climate Action,
truy cập tại website https://www.worldbank.org/en/topic/extractiveindustries/brief/climate-smart-mining-minerals-for-climate-action

4. E&E News (2024), Global Critical Mineral Supply Gap Looms, IEA Says, truy cập tại website https://www.eenews.net/articles/global-critical-mineral-supply-gap-looms-iea-says.

5. IEA (2023), Critical Minerals Market Review 2023, truy cập tại website https://www.iea.org/reports/critical-minerals-market-review-2023.

6. IEA (2024), Global Critical Minerals Outlook 2024, truy cập tại website https://www.iea.org/reports/global-critical-minerals-outlook-2024

7. IEA (2024), The Role of Critical Minerals in Clean Energy Transitions, truy cập tại website https://www.iea.org/reports/the-role-of-critical-minerals-in-clean-energy-transitions/executive-summary
8. ScienceDirect (2024), Critical mineral price volatility and clean energy investments, truy cập tại website
https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0306261924020713

9. WSJ (2024), Critical Minerals Supply Risks Mount Amid China's Grip, Export Curbs, truy cập tại website https://www.wsj.com/finance/commodities-futures/critical-minerals-supply-risks-mount-amid-chinas-grip-export-curbs-f4b2f666

Global mineral demand trends and strategic directions for Vietnam’s mineral industry amid green energy transition

Nguyen Tuan Vuong

Hanoi University of Mining and Geology

Abstract:

In the global push to reduce greenhouse gas emissions and transition to a green economy, the minerals industry, known for its high energy consumption and emissions, faces growing pressure to transform its production model. This shift is not only an inevitable response to sustainable development imperatives but also a strategic approach to enhancing long-term competitiveness. To facilitate this transition, a comprehensive system of solutions is needed to incentivize mineral enterprises to invest in energy-efficient technologies and integrate renewable energy into their operations. Such efforts are essential for building a green mineral value chain that aligns with global environmental goals and sustainable economic growth.

Keywords: minerals, Vietnam minerals, trends, needs, green energy conversion.

Tạp chí Công Thương