Bắc Ninh: Phấn đấu đến năm 2025, tất cả chợ sẽ được kiểm soát nguồn gốc thực phẩm

Giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
cho
Đến năm 2025, tất cả chợ ở Bắc Ninh sẽ được kiểm soát nguồn gốc thực phẩm
 

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm không an toàn” giai đoạn 2022-2025.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và nâng cao vai trò của các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; đẩy mạnh quy hoạch và phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; tăng cường kiểm soát chất lượng, nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm và phát triển chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn; nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong hành vi đảm bảo an toàn thực phẩm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm.

Tỉnh Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2025, 90% nông dân trồng rau thực hiện cam kết sản xuất rau an toàn; 80% cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ thực hiện cam kết chăn nuôi an toàn; tăng thêm 1 - 2 điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh; 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; các sản phẩm thực phẩm được chứng nhận OCOP chiếm khoảng 60% trong tổng số các sản phẩm được chứng nhận OCOP; 100% các chợ phù hợp quy hoạch được kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm…

Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Bắc Ninh giao Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành chủ động triển khai nội dung kế hoạch. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền và thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm và các chợ được quy hoạch; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong kết nối, tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thực phẩm; đánh giá, phân hạng và công bố sản phẩm OCOP; chủ động triển khai các hoạt động chuyên môn: thông tin tuyên truyền; quản lý sản phẩm; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm; giám sát mối nguy; quản lý ngộ độc thực phẩm.

Thời gian qua, công tác quản lý ATTP của tỉnh Bắc Ninh đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP từ tỉnh đến huyện, xã được kiện toàn. Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, tỷ lệ cơ sở đạt tăng 4%, số tiền phạt trung bình/cơ sở tăng gần 2,4 lần so với giai đoạn trước.

Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh và triển khai tích cực, hiệu quả, qua đó nhận thức ở các cấp quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng được nâng cao.

Tình hình ngộ độc thực phẩm được cải thiện rõ rệt. Giai đoạn 2011-2015, trên địa bàn tỉnh có 141 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.697 người mắc, giai đoạn 2016 -2021 xảy ra 9 vụ với 374 người mắc… Điều này cho thấy, thể chế quản lý nhà nước và hoạt động bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh đang dần được hoàn thiện và thực sự có hiệu quả.

Quy trình thực hiện thủ tục xin giấy phép đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm tại Bắc Ninh

Thời gian cấp giấy phép: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nếu đủ điều kiện thì phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Cách thức thực hiện: Qua Bưu điện hoặc Trụ sở cơ quan hành chính.

Trình tự thực hiện:

- Bước 1: Cơ sở gửi Hồ sơ xin Cấp giấy phép đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm về cơ quan có thẩm quyền tại tỉnh Bắc Ninh.

- Bước 2: Trong thời gian 5 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền tại tỉnh Bắc Ninh kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, có văn bản cho cơ sở bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ.  

- Bước 3: Đối với hồ sơ hợp lệ, trong thời gian 10 ngày làm việc cơ quan có thẩm quyền tại tỉnh Bắc Ninh sẽ có Quyết định thành lập đoàn thẩm định và tổ chức thẩm định tại thực địa.

Đối với cơ sở đủ điều kiện sẽ được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

- Bước 4: Trả giấy phép  đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho cơ sở.

Diệu Linh