Bán lẻ nội địa: Chuẩn bị đón thời cơ

Với 90 triệu dân cùng cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam được biết đến như một thị trường giàu cơ hội và tiềm năng cho các nước. Điều đó được chứng minh qua sự góp mặt của các thương hiệu có tiếng trên thế g

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, "miếng bánh" dành cho các doanh nghiệp nội trên thị trường bán lẻ vẫn còn rất nhiều, tập trung chính ở phân khúc bán lẻ truyền thống.

Kênh truyền thống chi phối thị trường bán lẻ

Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo Chính sách đầu tư và xu hướng phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam do Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) phối hợp với Trang thông tin Thuongtruong.com.vn tổ chức ngày 3/10 tại Hà Nội, ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhấn mạnh, Việt Nam là một thị trường bán lẻ có nhiều tiềm năng và cơ hội. Thời gian qua, kết cấu hạ tầng thương mại tiếp tục được nâng cấp, mở rộng và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa. Chi phối thị trường bán lẻ hiện nay vẫn là các kênh phân phối truyền thống. Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2013, cả nước có 8.546 chợ các loại và khoảng 1 triệu cửa hàng quy mô nhỏ của các hộ gia đình.

Ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương

Hiện tỷ trọng hàng hóa bán qua hệ thống thương mại hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích chiếm 25% tổng mức bán lẻ và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo quy hoạch của Bộ Công Thương, lĩnh vực bán lẻ sẽ tăng trưởng bình quân 19-20%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và 20-21%/năm từ năm 2016 đến năm 2020. Dự kiến, năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại.

Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty thương mại Hà Nội Hapro cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không chỉ quan tâm tới bán lẻ hiện đại mà cần quan tâm tới bán lẻ truyền thống. Thị trường bán lẻ rộng lớn và các mô hình nhỏ vẫn có thể tồn tại.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ của chúng ta mới chủ yếu trên lĩnh vực bán lẻ hiện đại. Hiện nay không một nhà bán lẻ nước ngoài nào quan tâm tới thị trường nông thôn và mô hình bán lẻ truyền thống. "Theo các con số thống kê, mới có 25% bán lẻ hiện đại, còn lại là bán lẻ truyền thống và xu hướng này còn duy trì 5-10 năm nữa. Vì thế, cơ hội để doanh nghiệp bán lẻ trong nước phát triển vẫn còn rất lớn", bà Loan nhấn mạnh

Chuẩn bị đón thời cơ

Trước sự lo lắng về việc nhà đầu tư ngoại chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ khiến cho các doanh nghiệp nội lép vế, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan khẳng định: đây là thông tin chưa chính xác, thực tế chứng minh rất nhiều doanh nghiệp nội vẫn vươn lên và cạnh tranh tốt. Kênh bán lẻ truyền thống nhiều năm nữa vẫn tồn tại và phát triển. Các doanh nghiệp trong nước đang "đi cả hai chân", nghĩa là vừa chiếm lĩnh kênh bán lẻ truyền thống vừa đầu tư vào kênh bán lẻ hiện đại.

Doanh nghiệp bán lẻ ngoại gia tăng thị phần tại thị trường Việt Nam

Nhận định về xu hướng phát triển của kênh bán lẻ hiện đại trong thời gian tới, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho biết, Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi ký kết sẽ có nhiều cam kết mở hơn về thị trường, nhưng doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn còn nhiều cơ hội. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc bản thân các doanh nghiệp nội phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thiện bản thân trước sự hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới. Cùng với đó, các chính sách quy hoạch tổng thể ngành bán lẻ trong cả nước và từng địa phương sẽ được hoàn thiện hơn nữa để đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng thương mại.

Cũng theo ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cần có thêm biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối nội địa nâng cao sức cạnh tranh và phát triển thị trường; Tổ chức đào tạo tăng cường trình độ quản lý của các nhà phân phối nội địa, nhất là nhà phân phối nhỏ lẻ. Ngoài ra, cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các nhà phân phối trong nước, sáp nhập để tạo sức mạnh tài chính, phát triển hệ thống xây dựng thương hiệu.