Cụ thể, Chính phủ Bangladesh sẽ mua vào 50.000 tấn gạo đồ (không thuộc dòng gạo basmati) và giá chào bán sẽ là giá CIF, bao gồm chi phí dỡ hàng từ tàu và chi phí vận chuyển đến cảng Chattogram và cảng Mongla của nước này.
Chính phủ Bangladesh không yêu cầu ràng buộc về nguồn gốc gạo và bên trung thầu phải cung ứng đủ số lượng gạo sau 40 ngày kể từ ngày ký hợp đồng. Bangladesh vừa mới kết thúc phiên đấu thầu mua vào 50.000 tấn gạo vào ngày 18/3 vừa qua.
Trong thời gian gần đây, Bangladesh liên tục thu mua gạo do nguồn cung nội địa thiếu hụt khi các trận lũ lụt lớn liên tiếp xảy ra, đẩy giá gạo trong nước tăng cao. Dự báo sản lượng gạo vụ mưa (Aman) của Bangladesh trong năm nay sẽ giảm đến 15%.
Theo dự báo của Bộ Lương thực Bangladesh, lượng gạo nhập khẩu của nước này trong năm tài chính 2020/2021 (tháng 6/2020 – tháng 6/2021) có thể tăng mạnh lên 2 triệu tấn, cao hơn rất nhiều so với con số 4.000 tấn gạo được nhập trong năm tài chính 2019/2020.
Bộ trưởng Lương thực Bangladesh ông Sadhan Chandra cho biết Chính phủ Bangladesh đang cân nhắc giảm thuế nhập khẩu gạo từ 62,5% xuống còn 25%, đẩy mạnh thu mua gạo từ các nguồn khác nhau để đảm bảo tiến độ giao hàng và phòng trừ các rủi ro khác. Đồng thời, cho phép các thương nhân tự do có thể nhập khẩu 1 triệu tấn gạo nhằm đáp ứng nhu cầu gạo trong nước, theo ông Sadhan Chandra.
Hồi đầu tháng 1/2021, lượng gạo dự trữ tại các nhà kho của Chính phủ Bangladesh chỉ còn ở mức 530.000 tấn, tương đương 50% so với mức dự trữ tối thiểu để đảm bảo an ninh lương thực của nước này.
Trong ngày 10/3, Chính phủ Bangladesh cũng đã thông qua 3 đề xuất mua riêng rẽ tổng 350.000 tấn gạo theo phương thức mua sắm trực tiếp từ Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. Theo đó, Bangladesh sẽ mua 150.000 tấn gạo phi basmati từ Công ty cung ứng dân sự bang Punjab (PUNSUP) của Ấn Độ, để đáp ứng các mục đích khẩn cấp, 150.000 tấn khác từ Hội đồng nông dân quốc gia Sakonnakhon của Thái Lan, và 50.000 tấn gạo trắng từ Tổng công ty lương thực miền Nam (VINAFOOD) của Việt Nam.
Các đại sứ của nước này tại Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam sẽ đàm phán với các công ty và tổ chức liên quan để ấn định giá gạo nhập khẩu.
Nhu cầu nhập khẩu gạo lớn của Bangladesh hiện đang kéo giá gạo trên thị trường tăng theo. Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ hiện đạt 398 USD – 403 USD/tấn so với mức 395 USD – 401 USD/tấn trong tuần trước. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đạt 510 USD – 515 USD/tấn, cao hơn 10 USD/tấn so với tuần trước. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đạt 505 USD – 513 USD/tấn, gần như không đổi so với mức 505 USD – 515 USD/tấn trong tuần trước.