Ngày 4/3/2024, tại Khu kinh tế Nhơn Hội, UBND tỉnh Bình Định và Becamex Bình Định đã phối hợp tổ chức khánh thành Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định giai đoạn 1.
Tham dự buổi lễ có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo một số cơ quan Bộ, ngành, địa phương…
Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định nằm tại xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định với tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD.
Quy hoạch tổng thể Dự án có diện tích 1.425 ha thuộc phân khu 07 của Khu kinh tế Nhơn Hội, trong đó bao gồm Khu công nghiệp Becamex diện tích 1.000 ha với tổng vốn đăng ký đầu tư 150 triệu USD và 374 ha khu tái định cư, khu dân cư, thương mại và dịch vụ.
Lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư tập trung chủ yếu vào các ngành nghề, lĩnh vực: May mặc, thực phẩm, ngành gỗ, đá mỹ nghệ, thức ăn gia súc, chế biến thủy hải sản, các ngành công nghệ ít ô nhiễm… hoạt động trên các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Dự án còn hướng đến phát triển khu đô thị, thương mại dịch vụ có chất lượng, với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đầy đủ các dịch vụ tiện ích gồm trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại dịch vụ.
Đến nay, Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 với tổng diện tích hơn 230 ha được quy hoạch hiện đại, bảo đảm các tiêu chí về môi trường. Trong khuôn khổ Dự án còn quy hoạch xây dựng khu nhà ở cho người lao động, có khả năng tiếp nhận và bảo đảm chỗ ở cho khoảng 2.500 người, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và cung cấp các giải pháp toàn diện, sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, việc đưa vào hoạt động Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định giai đoạn 1 là bước khởi đầu hết sức quan trọng, trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ nâu sang xanh, kinh tế số của tỉnh Bình Định.
Quy hoạch tỉnh Bình Định đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định quan điểm phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi không gian phát triển.
Hướng tới mục tiêu phát triển Bình Định trở thành một trong những trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo của tiểu vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế nhằm phát huy những lợi thế về địa kinh tế, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội riêng có.
Trong đó Khu kinh tế Nhơn Hội được xác định là khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, với trọng tâm phát triển là du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, cảng biển, năng lượng tái tạo và thủy sản; cực tăng trưởng, liên kết chặt chẽ và toàn diện với sự phát triển chung của TP. Quy Nhơn và vùng phụ cận; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định là một mô hình rất mới, đòi hỏi cách tiếp cận bài bản, đồng bộ với tư duy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; giải quyết triệt để mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, hài hòa với hệ sinh thái tự nhiên.
Do đó, Becamex và VSIP cần xây dựng những tiêu chí riêng, mới để lựa chọn các nhà đầu tư có công nghệ xanh, công nghệ sạch, cam kết chuyển đổi, chuyển giao, đầu tư nghiên cứu và triển khai (R&D), từ đó mới có các khu công nghiệp sinh thái, thông minh là nơi nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tuần hoàn và tri thức. Đầu tư phát triển các đô thị gắn kết với công nghiệp, hướng tới các đô thị xanh, thông minh, bền vững, bản sắc với hệ thống hạ tầng đồng bộ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút nhân tài, huy động được nguồn nhân lực chất lượng cao để tạo ra động lực mới cho Bình Định…
Tại Lễ khánh thành đã diễn ra ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa Becamex Bình Định với các đối tác, với tổng giá trị gần 50 triệu USD.
Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định giai đoạn 1 đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ tạo nên bước đột phá về lĩnh vực công nghiệp của Bình Định trong việc thu hút các dự án có quy mô lớn từ các quốc gia trên thế giới. Qua đó góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ, nâng cao năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 14/12/2023 định hướng phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi không gian phát triển, thực hiện hiệu quả các khâu đột phá về nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng; đầu tư có trọng điểm vào các trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh. Đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh; đào tạo, thu hút và sử dụng nhân tài hiệu quả; tập trung nguồn lực đầu tư cho các dự án hạ tầng trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông phía Bắc tỉnh, hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp kết nối với sân bay, cảng biển trên địa bàn tỉnh.
Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định trên cơ sở thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài, nhất là nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó xác định nội lực, tiềm năng của tỉnh, nhất là tiềm năng kinh tế biển; nguồn lực bên ngoài và việc kết nối liên vùng, với các nước trong tiểu vùng Mê Công, hội nhập quốc tế, với hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, thu hút đầu tư là động lực mang tính quyết định để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng. Khai thác cơ hội đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ logistics gắn liền cảng biển, sân bay khi các công trình giao thông trọng điểm của quốc gia, của địa phương được triển khai trên địa bàn tỉnh…
Trong đó, về quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, mục tiêu đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 15 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 6.714 ha.
Theo đó, tỉnh đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tăng tỷ lệ lấp đầy trong các khu công nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu chuyển đổi đất công nghiệp trong Khu kinh tế Nhơn Hội sang đất đô thị, dịch vụ. Tập trung hoàn thành xây dựng, đưa vào hoạt động và mở rộng Khu công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ Becamex - VSIP Bình Định, hình thành vành đai công nghiệp Vân Canh - An Nhơn - Phù Cát, phát triển Khu công nghiệp điện tử, bán dẫn Hoà Hội và Khu công nghiệp Cát Trinh gắn với đô thị sân bay Phù Cát, mở rộng Khu công nghiệp Hòa Hội.
Đầu tư xây dựng mới Khu công nghiệp Tây Giang, huyện Tây Sơn; Khu công nghiệp phía Nam Quốc lộ 19, thị xã An Nhơn; Khu công nghiệp Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ; Khu công nghiệp Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn; Khu công nghiệp Vân Canh, huyện Vân Canh và tại các địa phương khác khi có điều kiện. Nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, thiết kế các khu chức năng linh hoạt để có thể tăng cơ hội chia sẻ nguồn lực, tạo điều kiện nâng cao tỷ lệ lấp đầy trong các khu công nghiệp…