Bình Phước dự kiến quy hoạch 2 tuyến đường sắt dài khoảng 230 km

Theo Dự thảo quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bình Phước sẽ quy hoạch 2 tuyến đường sắt là Dĩ An - Lộc Ninh và Chơn Thành - Đắk Nông, đầu tư sau năm 2030.
Bình Phước dự kiến quy hoạch 2 tuyến đường sắt dài khoảng 230 km
Bình Phước dự kiến có hai tuyến đường sắt dài 230 km theo quy hoạch. (Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ).

Bình Phước dự kiến quy hoạch 2 tuyến đường sắt với tổng chiều dài khoảng 230 km

Toàn tuyến Dĩ An - Lộc Ninh dài khoảng 128 km, từ Km55+200 tại khu vực bắt đầu địa phận tỉnh Bình Phước, tuyến đi phía tây quốc lộ 13 tới ga Chơn Thành tại Km61+660, cạnh khu công nghiệp Nam Chơn Thành, tuyến đi tiếp về phía bắc tránh thị trấn Chơn Thành đến ga Minh Hưng.

Tuyến sau đó sẽ chuyển sang phía Đông quốc lộ 13 đến ga Tân Khai, ga Đồng Tâm (Km102+500). Tiếp theo, tuyến chuyển về phía tây thị trấn Lộc Ninh đến ga Hoa Lư và tới điểm nối ray biên giới dự kiến tại cửa khẩu quốc tế Hoa Lư.

Đoạn đi qua địa bàn tỉnh dự kiến sẽ có 8 ga, cụ thể là Chơn Thành (km 61+050), Minh Hưng (km 71+900), Tân Khai (km 79+500), An Lộc (km 89+350), Thạnh Phú (km 95+700), Đồng Tâm (km102+450), Lộc Ninh (km111+700) và Hoa Lư (km122+550).

Đối với tuyến Chơn Thành - Đắk Nông, chiều dài tuyến khoảng 102 km, phương án tuyến đi về phía bắc QL 14, quy hoạch các vị trí nhà ga gồm ga Chơn Thành trung chuyển với tuyến Dĩ An - Lộc Ninh, ga vành đai 2 kết nối với tuyến vành đai 2 Đồng Xoài, ga Đồng Xoài tại khu vực giao cắt với QL 13C kết nối với trung tâm TP Đồng Xoài, ga Đồng Tâm kết tại khu vực giao cắt ĐT 753 kéo dài.

Sau đó, ga Đức Liễu sẽ kết nối với trung tâm thị trấn Đức Liễu và QL 55B, ga và ga Đức Phong kết nối với trung tâm thị trấn Đức Phong. Hiện tại tuyến chưa có nghiên cứu chi tiết, dự kiến sẽ được thực hiện trong giai đoạn sau 2030. 

Bình Phước phát triển bám theo nhiều trục giao thông trọng tâm

Trước đó, theo Báo cáo Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Bình Phước cũng dự kiến quy hoạch theo ba vùng động lực và ba trục phát triển đến năm 2030.

Bình Phước dự kiến quy hoạch 2 tuyến đường sắt dài khoảng 230 km
Một góc TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước hiện nay. (Ảnh: Tỉnh ủy Bình Phước).

Theo đó, ba vùng động lực bao gồm vùng phía nam, đây là trung tâm kinh tế động lực và là trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ của tỉnh bao gồm tam giác phát triển Đồng Xoài - Chơn Thành - Đồng Phú với quy mô 149.250 ha.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư; ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao. Phát triển các ngành sản phẩm công nghiệp chính như công nghiệp phụ trợ, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến thực phẩm.

Cùng với đó, phát triển đô thị gắn với các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ logistics, thương mại, tài chính và các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao như: du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, đào tạo, y tế, du lịch, khoa học công nghệ.

Vùng phía tây bao gồm Hớn Quản, Bình Long và Lộc Ninh với hạt nhân phát triển là TX Bình Long. Vùng sẽ ưu tiên đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như công nghiệp chế biến nông lâm sản, công nghiệp năng lượng, công nghiệp hỗ trợ để đón sự lan tỏa từ Chơn Thành và Bình Dương.

Chú trọng ứng dụng công nghệ trong sản xuất nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp (Hớn Quản) và các Cụm công nghiệp. Phát triển đa dạng hóa các loại hình thương mại - dịch vụ.

Đẩy mạnh đầu tư trung tâm thương mại mua sắm tập trung kết hợp với dịch vụ nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, dịch vụ tài chính - ngân hàng, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục đào tạo, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin….

Phát triển và hình thành sản phẩm du lịch gắn với các di tích lịch sử văn hóa trong vùng, kết hợp với văn hóa truyền thống.

Vùng phía đông bắc bao gồm Bù Đốp, Bù Gia Mập, Phước Long, Phú Riềng, Bù Đăng với hạt nhân phát triển là TX Phước Long. Vùng sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao với các sản phẩm rau, củ, quả, hoa và cây cảnh. Hình thành khu chuyên canh cây ăn trái (sầu riêng, bơ sáp, bưởi, cam, quýt, xoài, nhãn,...)

Xây dựng các cụm công nghiệp tập trung, thu hút các ngành công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến các mặt hàng nông sản là thế mạnh của vùng như điều, cao su, cây ăn trái… Phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch tâm linh.

Ba trục phát triển bao gồm trục phía đông Chơn Thành - Bù Đăng, với trọng tâm là quốc lộ 14, cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa và đường phía đông nam quốc lộ 14 (vốn vay ADB).

Đây là trục phá triển kinh tế lớn nhất của tỉnh, phát triển không chỉ dọc theo quốc lộ 14, TP Đồng Xoài, và còn theo cao tốc Bắc - Nam phía Tây và các tuyến đường giao thông đang được quy hoạch và triển khai trong tương lai. Trong đó, tuyến đường Đồng Phú - Bình Dương sẽ là một kết nối và trục phát triển quan trọng.

Định hướng phát triển là tập trung nguồn lực đầu tư phát triển mở rộng tuyến đường quốc lộ 14  và cao tốc Bắc - Nam phía Tây nhằm tăng cường kết nối liên vùng từ Tây Nguyên tới vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phát triển các khu công nghiệp, đô thị hiện đại dọc tuyến, với trọng điểm là vùng Chơn Thành và TP Đồng Xoài.

Đầu tư xây dựng trung tâm thương mại Đồng Xoài với quy mô lớn, phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa chất lượng cao cho toàn vùng. Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sân golf tại khu vực huyện Chơn Thành và huyện Bù Đăng.

Trục phía tây Chơn Thành - Lộc Ninh, trọng tâm là quốc lộ 13 và đường giao thông phía tây quốc lộ 13 kết nối Chơn Thành - Hoa Lư.

Trục có tính chất là hành lang phát triển công nghiệp gắn với QL 13 và cao tốc TP HCM - Chơn Thành, kết nối lên khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư. Có tiềm năng phát triển với việc thực hiện đường sắt xuyên Á dự kiến đoạn Dĩ An - Lộc Ninh.

Định hướng phát triển tập trung phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ưu tiên các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, điện tử, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Phát triển mạnh các dịch vụ logistics, kho bãi, du lịch di tích lịch sử, văn hóa.

Trục trung tâm Đồng Phú - Phước Long, trọng tâm là đường tỉnh 741 và đường Minh Lập - Phú Riềng. Trục có tính chất là hành lang kinh tế gắn với đường tỉnh 741, kết nối thị xã Phước Long, huyện Phú Riềng với quốc lộ 14 và cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Định hướng phát triển phát triển công nghiệp - đô thị, thương mại dịch vụ, dọc theo tuyến ĐT 741 kết nối đường Đồng Phú - Bình Dương với quốc lộ 14, tuyến tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng và đường Minh Lập - Phú Riềng, kết hợp với phát triển các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ.

Cùng với đó, phát triển đồng bộ các ngành dịch vụ với trọng tâm là các dịch vụ chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp. Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sân golf tại khu vực huyện Đồng Phú và thị xã Phước Long.

Bên cạnh ba vùng động lực và ba trục phát triển trên, tỉnh này còn có một vành đai an sinh xã hội  dọc theo quốc lộ 14C, đường tỉnh 760 kết nối đông tây từ Lộc Ninh sang Bù Đăng đi qua các huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập.

Định hướng phát triển là tập trung thu hút và phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, an toàn, với quy mô lớn.

Huyền My